Hình ảnh trẻ em trong các tác phẩm của nhà văn, nhà giáo Lương Hiệu Vui

Nhà văn, nhà giáo Lương Hiệu Vui (sinh năm 1932), là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là giáo sư Pháp văn nổi tiếng trước năm 1975, bắt đầu cầm bút viết văn vào năm 1992. Bước vào văn nghiệp khi đã ở tuổi ngoài lục tuần, bằng vốn sống dồi dào và bút pháp điêu luyện, với sự lao động nghệ thuật cần mẫn, nhà văn Lương Hiệu Vui đã giới thiệu cho người đọc nhiều tác phẩm có giá trị. Trong tác phẩm của ông, trẻ em là đối tượng được ông đặc biệt quan tâm và dành nhiều ưu ái. Do công tác một thời gian dài trong ngành Giáo dục nên ông hiểu được tâm lý của tuổi học trò, từ đó nhà văn tạo cảm giác gần gũi, chân thực mà dường như mỗi người chúng ta đều nhận ra mình trong đó. Với truyện ngắn 'Dấu ấn người thầy', dù câu chuyện xoay quanh thầy Huyền nhưng tác giả đã lồng vào đó tâm trạng của những cậu học trò vừa mới bước qua tuổi tiểu học khi làm bài kiểm tra: 'Thuở ấy chưa có bút bi, còn bút máy họa chăng bọn Tây đầm mới sắm nổi. Đứa nào cũng chúi mũi vào tờ giấy của mình chẳng hề liếc ngang liếc dọc. Học sinh thuở ấy là vậy đó. Ra chơi hoặc hết giờ học có gì thắc mắc cứ hỏi nhau, chớ làm bài mà cóp pi của nó một dòng, nó sẽ xem mình là kẻ bất lương đê tiện'.

Nhà văn Lương Hiệu Vui (bên trái) tại buổi tọa đàm “Tác phẩm của nhà văn Lương Hiệu Vui” do Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang tổ chức vào tháng 4-2015.

Viết ra đoạn văn này, dường như tác giả đang đau đáu một sự trăn trở: Chuyện coppy bài của học trò ngày nay đang ở mức báo động và các em không cảm thấy xấu hổ khi làm việc này. Ông không kêu gọi nhưng đọc đến đây, những ai trong chúng ta lỡ một lần “liếc ngang liếc dọc” khi làm bài kiểm tra chắc hẳn không khỏi ngượng ngùng. Bản chất tốt đẹp, sự hướng thiện của trẻ em được nhà văn khẳng định trong sáng tác của mình là bài học sâu sắc cho người lớn.

Không trực tiếp xuất hiện như những nhân vật chính, nhưng đám học trò trong truyện ngắn “Hơn cả quỷ ma” làm cho người đọc cảm thấy sung sướng khi trước sự lanh trí xen lẫn tinh quái của các em trước tên quận trưởng Lê Sơn, chính hắn ra “chỉ thị cụ thể đầu tiên là cấm thanh thiếu niên ra đường mà mặc quần ống túm”.

Đây không phải là một truyện vui nhưng càng về cuối truyện, độc giả lại chuyển từ cười tủm tỉm đến “cười lộn ruột” trước câu trả lời lém lỉnh của cậu học trò tên Tâm: “Thưa ông quận, con thấy quần ông ống rộng phải cỡ ba mươi là ít. Nếu bây giờ con đổ xăng vào con đốt, liệu ông quận có cởi nó ra kịp không?”.

Chuyện tưởng như rất nhỏ nhưng tác giả tạo nên sự tương phản giữa một bên là tên quận trưởng cậy quyền, ỷ thế cùng với một toán khá đông cảnh sát, lính bảo an và cả nhân viên văn phòng, một bên là một đám học sinh lớp 9 ở Châu Thành học Trường Nguyễn Đình Chiểu.

Với những lời đối đáp qua lại, người đọc cũng dễ nhận thấy những câu trả lời của học sinh khá hay, đúng bản chất của những cậu học trò thời ấy: “Thưa ông quận, thầy dạy giáo dục công dân của con ở Trường Nguyễn Đình Chiểu có giảng rằng, tốt hay xấu là do bản chất của con người cộng nền giáo dục đúng đắn chớ cái quần có ăn nhập gì.

Đâu phải một kẻ lưu manh chỉ cần tròng cái quần ống rộng vào là lập tức trở thành gương mẫu”. Chính cách tiếp cận ấy, tác giả dường như muốn gởi gắm khao khát sự đổi thay để vươn tới một thế giới tốt đẹp hơn như những câu chuyện ngụ ngôn La Fontaine mà ông ưa thích.

Năm 2017, Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về đề tài thương binh, liệt sĩ và người có công nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017).

Nhà văn Lương Hiệu Vui với quyển tiểu thuyết “Khám Chí Hòa” vinh dự là 1 trong 4 tác giả nhận giải thưởng tôn vinh cho tác phẩm xuất sắc viết về đề tài này.

Tiểu thuyết “Khám Chí Hòa” của nhà văn Lương Hiệu Vui được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp với Nhà Xuất bản Văn nghệ xuất bản tháng 12-2009.

Tiểu thuyết lấy bối cảnh khám Chí Hòa những năm 1960 nơi ông đã từng bị giam giữ với nhân vật chính là Văn - một thầy giáo dạy tiếng Pháp đi làm công tác trí vận bị địch bắt giam.

“Khám Chí Hòa” khắc họa khá chân thực và sinh động những cuộc đấu tranh của những cán bộ, chiến sĩ ở miền Nam bị địch giam cầm đã kiên cường đấu tranh giữ vững tinh thần, ý chí cách mạng để chống lại những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của nhà tù Mỹ - Diệm, cùng những kỷ niệm về tình đồng đội, đồng chí.

Truyện ngắn “Thằng khùng” lại phát hiện ở trẻ em một vẻ đẹp khác. Tuổi thơ cần biết bao tình thương yêu, ấp ủ của gia đình, vậy mà chú bé đã sớm bị mồ côi cha mẹ, phải chịu sự hắt hủi không chỉ của người đời, sống lây lất bên cái chợ nhỏ mà mấy đứa trẻ khác cùng trang lứa gọi là thằng khùng. Cậu ta cũng chẳng cãi lại hay nổi máu ăn thua với chúng.

Bởi theo cậu: “Làm thằng khùng coi bộ dễ sống hơn là khác. Ai muốn cho gì, họ thường cho thằng khùng nhiều hơn. Ai có mất gì họ cũng chẳng nghĩ thằng khùng. Ai làm gì, nói năng gì trước mặt thằng khùng cũng chẳng cần ý tứ đề phòng gì hết, nó khùng nó có hiểu khỉ khô gì đâu! Thế là yên thân mà còn thấy biết nhiều việc. Nó khôn lên nhanh hơn mấy đứa không khùng”. Ngòi bút phân tích tâm lý sắc sảo của ông đã làm nổi bật bi kịch nhân cách, tinh thần của đứa trẻ.

Các nhân vật của nhà văn Lương Hiệu Vui luôn phải đối mặt, phải chống chọi với cái đói và miếng ăn. Sự vật lộn dai dẳng và khốc liệt đó đã tạo ra những cách ứng xử, hành vi, thái độ và tình cảm của con người đối với con người nói chung và của người lớn đối với trẻ em nói riêng. Thằng bé tưởng đâu “khùng” nhưng lại biết nhiều việc mà đỉnh điểm là giúp các anh công an khám phá thành công vụ mất vàng. Và cuối cùng là cái kết có hậu đem lại: Nó được nhận vào làm trong xưởng máy của chú anh Quân để khép lại cái quá khứ của “thằng khùng”.

Hình ảnh trẻ em trong tác phẩm của ông thường kết cấu theo diễn biến tâm trạng nhân vật, những phản ứng tâm lý nhân vật với những sự kiện, biến cố. Tất cả đều được soi rọi từ cái nhìn chủ quan của nhà văn, nhằm khám phá đời sống tâm lý đa dạng của con người, nhất là nhân vật trẻ em của nhà văn không phức tạp. Có thể nói, những vấn đề mà nhà văn Lương Hiệu Vui truyền tải trong sáng tác của ông, dù viết về người lớn hay trẻ thơ, cho đến nay vẫn mang ý nghĩa thời sự và nhân văn.

Nhà văn, nhà giáo Lương Hiệu Vui từ trần ngày 27-7-2018 tại quê nhà xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, hưởng thọ 87 tuổi. Ông mất đi để lại niềm tiếc thương vô hạn với đông đảo bạn bè, đồng nghiệp, văn nghệ sĩ tỉnh nhà.

LÊ QUANG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202406/hinh-anh-tre-em-trong-cac-tac-pham-cua-nha-van-nha-giao-luong-hieu-vui-1013832/