Hình sự đánh án 'trái tay', thu hồi đất rừng giao khoán sai

Được tin tưởng giao lĩnh vực 'trái tay', đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thu hồi hàng trăm hecta đất rừng cho Nhà nước và người đồng bào.

Đến nay, nhiều người nghĩ rằng vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trong việc giao khoán rừng, đất lâm nghiệp theo Quyết định 178 của Chính phủ tại Tiểu khu 491, xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm là do lực lượng cảnh sát kinh tế khởi tố.

Thế nhưng việc làm rõ những sai phạm liên quan và khởi tố hàng loạt bị can nguyên là lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Bảo Lâm, giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri lại là những chiến sĩ cảnh sát hình sự.

Lính hình sự đánh án sai phạm giao khoán đất rừng

Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Bảo Lâm, kể lại tin báo của bà San Kim Chi (ngụ huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) về việc vườn trồng keo tại Tiểu khu 491, xã Lộc Nam bị đốt cháy.

Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Bảo Lâm. Ảnh: VÕ TÙNG

Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Bảo Lâm. Ảnh: VÕ TÙNG

Từ đó, cơ quan CSĐT Công an huyện Bảo Lâm đã phát hiện có dấu hiệu của tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của một loạt cán bộ, lãnh đạo thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm, UBND xã Lộc Nam trong việc lập, quản lý, kiểm tra, giám sát, kết thúc đất lâm nghiệp để trồng rừng theo Quyết định 178/2001 và các nghị định 01/1995, 135/2005 và 168/20216 của Chính phủ.

Đây là những hành vi làm trái các quy định về việc giao nhận khoán quản lý bảo vệ rừng nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tham gia bảo vệ và phát triển rừng, thụ hưởng các chính sách theo quy định như khai thác lâm sản phụ, kinh phí chi trả dịch vụ môi trường… để góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Quá trình điều tra, Ban quản lý rừng Bảo Lâm lập khống hồ sơ giao khoán sai đối tượng, phần lớn diện tích rừng, đất lâm nghiệp giao cho Công ty Phương Minh (đóng tại phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) nhận khoán sai quy định. Sau đó, Công ty Phương Minh hợp tác với gia đình bà San Kim Chi (ngụ TP.HCM) trồng rừng cùng hưởng lợi.

Được lãnh đạo công an huyện tin tưởng giao tiếp tục mở rộng vụ án để làm rõ những sai phạm và xử lý các cá nhân theo tinh thần không có vùng cấm, Trung tá Dũng và lực lượng cảnh sát hình sự đã mất gần ba năm để làm rõ, khởi tố, thu hồi nhiều diện tích đất và tài sản bị thất thoát cho Nhà nước và bàn giao đất canh tác đúng đối tượng theo chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

“Tiếp nhận vụ án ở một lĩnh vực “trái tay” nên anh em phải vừa điều tra, xác minh, vừa nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan đến công tác này” - Trung tá Dũng nói thêm.

Sau quá trình truy vết, làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội, Trung tá Dũng phát hiện năm 2006 Ban quản lý rừng Bảo Lâm (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri) đã lập khống hồ sơ xây dựng phương án giao khoán 130 ha rừng, đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 491 (thôn 5, xã Lộc Nam) cho bảy hộ dân quản lý bảo vệ, trồng rừng sản xuất và sản xuất nông lâm kết hợp.

Lực lượng cảnh sát hình sự đã mất gần ba năm để làm rõ, khởi tố, thu hồi nhiều diện tích đất, tài sản bị thất thoát cho Nhà nước. Ảnh: VÕTÙNG

Lực lượng cảnh sát hình sự đã mất gần ba năm để làm rõ, khởi tố, thu hồi nhiều diện tích đất, tài sản bị thất thoát cho Nhà nước. Ảnh: VÕTÙNG

Trong đó, diện tích đất có rừng là 20,6 ha (gồm rừng lồ ô và rừng hỗn hợp lá rộng) và diện tích đất trống, đồi trọc không có rừng là gần 110 ha. Điều này dẫn đến mất đất, mất rừng gây thiệt hại nhiều tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Hàng trăm hecta rừng thông, nhiều loại gỗ rừng bị triệt hạ

Hiện huyện Bảo Lâm có bốn mô hình rừng cộng đồng với tổng diện tích giao khoán khoảng 859 ha. Trong số này có 99 hộ dân được giao khoán để quản lý bảo vệ.

Trung tá Dũng cho biết quá trình điều tra đã phát hiện bốn mô hình rừng cộng đồng đều xảy ra nhiều sai phạm. Hàng trăm hecta rừng bị mất, thông ba lá và các loại gỗ rừng bị triệt hạ. Điều này làm sụt giảm nghiêm trọng độ che phủ rừng trên địa bàn.

Huyện Bảo Lâm có hơn 82.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Đây là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, rừng đặc dụng còn 5.432,90 ha, rừng phòng hộ 9.902,50 ha và rừng sản xuất hơn 66.683 ha.

Đồng thời, từ năm 2020, công an huyện đã liên tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam nhiều người để điều tra, xử lý theo quy định do liên quan đến các vụ phá rừng lấn chiếm, chiếm dụng đất rừng trái phép và xây dựng nhà ở, công trình phụ trái pháp luật trên diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp tại các tiểu khu 438A và 439.

Những vụ phá rừng này là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến việc lấn chiếm, chuyển nhượng đất rừng, đất lâm nghiệp kéo dài. Thậm chí còn xảy ra vụ việc hành hung người tố cáo phá rừng trái pháp luật, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Theo Trung tá Dũng, quan điểm của lãnh đạo công an huyện là xử lý nghiêm bất kỳ trường hợp nào phá rừng và liên quan đến nạn phá rừng trái phép. “Việc xử lý các vụ án liên quan đến phá rừng còn góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội ở địa phương” - Trung tá Dũng nói thêm.

VÕ TÙNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/hinh-su-danh-an-trai-tay-thu-hoi-dat-rung-giao-khoan-sai-post750959.html