Hình thành thị trường điện bảo đảm sự công khai, minh bạch

Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ chiếm 38% trong tổng công suất hệ thống điện quốc gia. Thị trường điện cạnh tranh đang từng bước được hình thành, bảo đảm sự công khai, minh bạch, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết.

Tiếp tục chương trình làm việc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 29/8, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện lực sửa đổi.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Theo dự thảo Luật, Nhà nước sẽ độc quyền trong 4 hoạt động về lĩnh vực điện (Điều 5). Cụ thể: Điều độ hệ thống điện quốc gia; đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện hạt nhân, các dự án nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, các dự án nguồn điện khẩn cấp, lưới điện khẩn cấp, lưới điện truyền tải quan trọng từ cấp điện áp 220 kV trở lên và vận hành các công trình này sau khi hoàn thành dự án đầu tư xây dựng;

Thủ tướng quyết định danh mục các dự án thủy điện chiến lược đa mục tiêu, các dự án nguồn điện khẩn cấp, lưới điện khẩn cấp, lưới điện truyền tải quan trọng từ cấp điện áp 220 kV trở lên và giao doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp thành viên do doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện đầu tư xây dựng các dự án này.

Vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế

Đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế

Thẩm tra dự án Luật Điện lực sửa đổi, Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định "Nhà nước độc quyền về vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng".

Lý do, Nhà nước không nên độc quyền toàn bộ phần truyền tải mà chỉ nên độc quyền phần truyền tải cao áp và siêu cao áp (từ trên 35 KV trở lên).

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát quy định "Nhà nước độc quyền đầu tư các dự án nhà máy thủy điện đa mục tiêu, các dự án nguồn điện khẩn cấp, lưới điện khẩn cấp". Phạm vi rộng, sẽ làm hạn chế cơ hội huy động nguồn lực xã hội để phát triển điện lực.

Cho ý kiến, đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế đề nghị Ban soạn thảo làm rõ việc sửa đổi luật lần này giao lại cho các ngành kinh tế khác như thế nào?

"Đến khi nào hết độc quyền, người dân tham gia vào thị trường nhiều hơn và mọi thứ phải minh bạch"- đại biểu Minh nêu băn khoăn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài.

Giải trình, làm rõ thêm vấn đề đại biểu nêu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, hiện nay nhu cầu năng lượng của Việt Nam rất cao, cơ quan chức năng sẽ thiết kế một thị trường điện sao cho minh bạch.

Theo Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ chiếm 38% trong tổng công suất hệ thống điện quốc gia. Thị trường điện cạnh tranh đang từng bước được hình thành, bảo đảm sự công khai, minh bạch.

"Vừa qua, Thủ tướng đã quyết định tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ EVN về Bộ Công Thương, nhằm tăng cường sự khách quan, minh bạch. EVN và các tập đoàn khác khi tham gia thị trường điện sẽ có tư cách như một chủ thể thông thường"- Thứ trưởng Trương Thanh Hoài thông tin.

Duy Tuấn

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/hinh-thanh-thi-truong-dien-bao-dam-su-cong-khai-minh-bach-445962.html