Hình tượng áo dài trong Mỹ thuật Đông Dương: Cuộc cách mạng của lòng tự tôn dân tộc
Những tác phẩm của danh họa học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (gọi tắt là mỹ thuật Đông Dương hay tranh Đông Dương) luôn xuất hiện bóng dáng thiếu nữ thướt tha trong tà áo dài. Đáng ngạc nhiên khi phần lớn kiệt tác thời kỳ đầu, họa sĩ không hề có chiếc áo dài hình mẫu nào mà chỉ vẽ theo trí tưởng tượng bay bổng, hướng đến một cuộc cách mạng về y phục dân tộc.
Tối 5/4, bức tranh "Gia đình trong vườn" của họa sĩ Lê Phổ đã được sàn đấu giá Sotheby's bán thành công với mức giá 2,37 triệu đô la (hơn 55 tỷ đồng), bức tranh được đấu giá cao nhất của Lê Phổ. Đây cũng là tác phẩm cao giá thứ hai trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam được đấu giá ở quốc tế. Đứng đầu bảng là bức "Chân dung cô Phương" của họa sĩ Mai Trung Thứ với giá 3,1 triệu đô la (hơn 72 tỷ đồng).
Giá trị của tranh Đông Dương, đặc biệt là của bộ tứ danh họa "Phổ, Thứ, Lựu, Đàm" (Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm) ngày càng leo thang trong giới sưu tập tranh quốc tế. Dễ nhận thấy những bức tranh được đấu giá cao ngất ngưởng chủ yếu xoay quanh đề tài chân dung thiếu nữ mặc áo dài. Nó làm nên thương hiệu, bộ nhận diện của tranh Đông Dương khiến các nhà sưu tầm trên thế giới mê mẩn.
Trong buổi trò chuyện "Áo dài trong mỹ thuật Đông Dương" tại TP Hồ Chí Minh mới đây, giám tuyển Lý Đợi nhận định rằng đa số tác phẩm vẽ áo dài của các danh họa thời mỹ thuật Đông Dương, đặc biệt là bộ tứ Paris "Phổ, Thứ, Lựu, Đàm" đều bắt nguồn từ sự tưởng tượng. Thuật ngữ trong nghề gọi là hình dung họa.
Giai đoạn 1930, phong trào cách tân văn hóa, cải cách xã hội nổi lên mạnh mẽ. Nhóm "Tự lực văn đoàn" cũng như các tờ báo như Phong hóa, Ngày nay… nỗ lực tuyên truyền, cổ vũ phong trào. Đi kèm với triết thuyết "người Việt Nam phải có trang phục riêng", trên Báo Phong hóa, số Xuân (11/2/1934), chủ bút Nhất Linh cho mở một mục mới có tên "Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô" do Lemur Cát Tường - một họa sĩ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1928-1933) vẽ các thiết kế dành riêng cho phụ nữ Việt. Kiểu áo dài ngũ thân được ông cách tân thành hai thân. Phom dáng rộng của áo dài xưa che hết nét yêu kiều của người phụ nữ được cải tiến ôm sát lại.
Trong thư từ trao đổi giữa Nhất Linh và Cát Tường, họ đặt ra hai điều quan trọng để chiếc áo dài được phổ cập tới đông đảo tầng lớp quần chúng, từ người quyền quý đến người lao động bình dân. Thứ nhất, phải làm sao để phụ nữ phải tự mặc được chiếc áo dài mà không cần người trợ giúp. Thứ hai, họ khuyên người mặc thích chọn áo màu gì cũng được nhưng nên mặc quần màu trắng. Màu trắng chứng tỏ dân An Nam cũng là người văn minh, sạch sẽ.
Cuối thập niên 30 của thế kỷ trước, việc kêu gọi phụ nữ mặc quần trắng bị cho là tư tưởng cực kỳ phản động, chỉ phường đĩ điếm mới mặc. Vậy mà chỉ vài năm sau, đi đâu người ta cũng gặp áo dài với quần trắng. Ngay cả cô hàng xén cũng mặc áo dài với quần trắng, gánh thúng ra chợ ngồi bán. Áo dài tân thời được Nam Phương hoàng hậu, luật sư Nguyễn Thị Hậu chụp hình lăng xê…
Để có được thành quả đó là cả nỗ lực nhọc nhằn của lớp họa sĩ trẻ tuổi đương thời. Với hai cánh chim đầu đàn là Cát Tường và Lê Phổ cùng triết luận mạnh mẽ của nhóm "Tự lực văn đoàn" và báo chí ngày đó, các họa sĩ mỹ thuật Đông Dương ồ ạt chuyển hướng sáng tác sang đề tài áo dài. Trước đó, trang phục của phụ nữ trong tranh Đông Dương vẫn trung thành với chiếc áo tứ thân và khăn mỏ quạ.
Ngay như họa sĩ Nguyễn Phan Chánh là người thủ cựu nhất, dù không vẽ áo dài nhưng ông cũng khuyến khích lớp hậu bối nên vẽ chiếc áo mới. Hầu hết cô gái trong tranh đều được khoác lên tà áo dài và tạo nên sự giao thoa Đông- Tây đặc sắc. Ngay cả những nhân vật phụ nữ "rặt Tây" như Mẹ Maria, nàng Mona Lisa… cũng được "Việt hóa" trong tà áo dài khi các họa sĩ thể hiện lên tranh. Áo dài vào tranh lụa, tranh sơn dầu, bột màu đều hút mắt người thưởng lãm. Thậm chí chất liệu có vẻ "rất chỏi" với áo dài là sơn mài cũng không làm khó tà áo mỏng manh này. Đơn cử như bức "Vườn xuân Trung Nam Bắc" hay bức "Dọc mùng" của họa sĩ Nguyễn Gia Trí.
Áo dài trở thành chủ đề lớn và được ví như đại tự sự của mỹ thuật Đông Dương, đặc biệt nó trở thành nỗi canh cánh của bộ tứ "Phổ, Thứ, Lựu, Đàm" khi họ rời xa quê hương. Sang Pháp trước năm 1945, chiếc áo dài là hành trang trong tâm trí họ, trở thành một biểu tượng, một thẻ căn cước để họ khẳng định mình trên xứ lạ và thỏa nỗi hoài nhớ cố hương. Nếu theo đuổi các đề tài cũ như vẽ Ngọ Môn Huế, Vịnh Hạ Long, Hồ Gươm… thì tranh sẽ bán chạy hơn vì đó là những biểu tượng lớn nhiều người ngoại quốc biết. Nhưng họ lại chọn hình ảnh chiếc áo vốn đã xa lạ với người Việt, nay còn xa lạ hơn với người ngoại quốc thì điều đó cho thấy họ đã nỗ lực như thế nào để chiếc áo ấy dần đi vào đời sống. Bởi phải đến 1954, áo dài theo kiểu Lê Phổ mới "xuống đường" nhiều hơn còn trước đó nó vẫn chỉ là cảm hứng trên tranh. Áo dài xuất hiện rất nhiều trong tranh Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm… Các danh họa cố gắng diễn đạt chiếc áo dài trong mọi sinh hoạt đời thường của người phụ nữ từ một buổi trà chiều, khi chơi bài, khi đi lễ, hay ra vườn…
Giám tuyển Lý Đợi phân tích: "Những cô gái mặc áo dài trong các bức tranh đầu tiên của mỹ thuật Đông Dương, tức khoảng cuối thập niên 30 - đầu 40 thế kỷ XX đều là hình dung trong trí tưởng tượng. Đây là lần đầu tiên có những họa sĩ hiện đại vẽ một cái áo mà chưa từng có trong thực tế. Thời đó gặp một chiếc áo dài ngoài đời rất khó chứ không phải đi đâu cũng gặp như chúng ta tưởng. Tiệm may áo dài bấy giờ rất ít, áo dài lại khó may nên hiếm người mặc áo dài. Do đó họa sĩ gần như không có mẫu. Để tuyên truyền, tìm lối ra cho chiếc áo mới, họ phải vẽ các cô gái mặc áo dài trong tưởng tượng. Ví dụ như bức "Kim Trọng - Thúy Kiều" của Vũ Cao Đàm, đường nét, tà áo ra sao đều do ông hình dung rồi áp trên phom dáng người Việt thời ấy. Vì vậy xem những bức tranh vẽ áo dài, người dân thấy đó là thời trang của tương lai. Chính cách phối màu, cách thiết kế trong tưởng tượng của giới họa sĩ đã trở thành một gợi ý thiết thực để các xưởng nhuộm, nhà may học theo".
Theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, cháu ngoại của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn - người đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thì áo dài Cát Tường ít được ứng dụng nhiều vào đời sống vì kiểu dáng của nó quá sáng tạo và cầu kỳ.
"Có lẽ vai trò canh tân của ông Cát Tường đã làm cho áo dài có thêm nhiều sáng tạo, phá cách. Nó chỉ hợp với các buổi dạ tiệc, hội hè chứ không phù hợp trong đời thường. Đến khi Lê Phổ vẽ nên những chiếc áo dài thuần túy, thanh lịch hơn thì áo dài trong tranh sau này có thiên hướng giống áo dài Lê Phổ hơn là áo dài Cát Tường" - ông nhận định.
Các bức tranh vẽ thiếu nữ mặc áo dài của loạt danh họa mỹ thuật Đông Dương như "Thiếu nữ bên hoa huệ", "Hai thiếu nữ và em bé" của Tô Ngọc Vân; "Trò chuyện", "Hai cô gái khâu may" của Vũ Cao Đàm; "Thiếu nữ chơi đàn nguyệt" của Mai Trung Thứ… đều mang dáng dấp áo dài Lê Phổ.
"Tôi nghĩ rằng nếu không có mỹ thuật Đông Dương thì chiếc áo dài đã không có sức sống bền bỉ và được yêu mến như ngày hôm nay. Có lẽ đóng góp lớn nhất của mỹ thuật Đông Dương là tạo nên viễn mộng về một đất nước Việt Nam có trang phục riêng. Viễn mộng đó đã được xây dựng từ những người trí thức, là tầng lớp tinh hoa thời bấy giờ với công cụ tiếp thị hiệu quả là những bức tranh tuyệt đẹp" - giám tuyển Lý Đợi đánh giá.