Hình tượng Bác Hồ trong triển lãm tranh Bài ca Thống Nhất

Nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tác phẩm hội họa về Bác Hồ kính yêu như những đóa sen tươi thắm dâng lên Người, khắc sâu những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Dân tộc ta, góp phần tăng thêm ý chí và sức mạnh, tiếp tục đưa đất nước ta phát triển như Bác hằng mong muốn.

Trong quá trình vận động các họa sĩ tham gia triển lãm "Bài ca Thống Nhất", do Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân và Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ phối hợp tổ chức tại Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy – người khởi xướng và vận động các nghệ sĩ tham gia – đã đề xuất ba chủ đề chính cho triển lãm: Các tác phẩm về kháng chiến chống Mỹ và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025); các tác phẩm về biển đảo, hải quân nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân chủng Hải quân (7/5/1955 – 7/5/2025); và đặc biệt là các tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/2025).

"Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới 1950", tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Huy Toàn.

"Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới 1950", tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Huy Toàn.

Trong số các họa sĩ tham gia, cố họa sĩ Lê Huy Toàn có số lượng tác phẩm vẽ về Bác Hồ nhiều nhất. Qua loạt tranh của ông, người xem như được chứng kiến dòng chảy lịch sử với hình tượng Bác Hồ – vị lãnh tụ tối cao, người đã đưa ra những quyết sách quan trọng, dẫn dắt dân tộc vượt qua hai cuộc kháng chiến gian khổ để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

"Bác Hồ thăm trận địa pháo năm 1969", tranh sơn dầu của họa sĩ Huy Toàn.

"Bác Hồ thăm trận địa pháo năm 1969", tranh sơn dầu của họa sĩ Huy Toàn.

Tác phẩm tiêu biểu của ông bao gồm: "Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới năm 1950", "Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954", "Bác Hồ với 54 dân tộc Việt Nam", "Bác thăm trận địa pháo năm 1969" và "Bác làm việc tại Bắc Bộ phủ".

"Bác Hồ làm việc ở Bắc Bộ phủ", tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Huy Toàn.

"Bác Hồ làm việc ở Bắc Bộ phủ", tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Huy Toàn.

Với bút pháp tả thực và gam màu tinh tế, họa sĩ Huy Toàn đã thể hiện hình tượng Bác Hồ với thần thái uy nghi, gần gũi, đồng thời khắc họa rõ nét tình cảm tôn kính, biết ơn của toàn dân tộc dành cho Người.

"Nhân dân Điện Biên mừng chiến thắng Điện Biên Phủ", tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Huy Toàn.

"Nhân dân Điện Biên mừng chiến thắng Điện Biên Phủ", tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Huy Toàn.

Đặc biệt, bức "Bác Hồ với các dân tộc Việt Nam" được thể hiện công phu, với hình ảnh Bác ở vị trí trung tâm giữa 54 đại diện dân tộc trong trang phục truyền thống, gợi nên không khí hân hoan mừng chiến thắng.

"Bác Hồ với các dân tộc Việt Nam", tranh bột màu của họa sĩ Lê Huy Toàn.

"Bác Hồ với các dân tộc Việt Nam", tranh bột màu của họa sĩ Lê Huy Toàn.

Đặc biệt trong tác phẩm hoành tráng "Việt Nam Anh hùng ca", ở phần “Cách mạng”, hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập được đặt trong khung cảnh tươi sáng, lá cờ đỏ sao vàng nổi bật, mở ra trang sử mới cho dân tộc. Ở phần “Thắng hai đế quốc to”, hình ảnh Bác Hồ cùng quốc kỳ cờ đỏ sao vàng luôn là ánh hào quang dẫn lối đưa quân và dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ và mất mát hy sinh để thực hiện khát vọng giành độc lập hòa bình cho đất nước.

Tranh vẽ Bác Hồ của họa sĩ Lê Lam.

Tranh vẽ Bác Hồ của họa sĩ Lê Lam.

Họa sĩ Lê Lam vẽ Bác Hồ cũng tràn đầy tình cảm kính yêu với chòm râu bạc như cước và đôi mắt sáng như sao, trông Bác như một vị tiên với câu nói nổi tiếng: “Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn. Song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Khát vọng và ý chí của Bác chính là khát vọng và ý chí của toàn dân tộc. Bằng ngôn ngữ hội họa giàu cảm xúc, họa sĩ Lê Lam đã tạc vào ký ức hình ảnh vô cùng đẹp của Bác Hồ cùng với câu nói đầy khí phách thể hiện chân lý cao cả mà Bác Hồ và cả dân tộc theo đuổi đến thắng lợi cuối cùng.

"Bữa cơm giữa rừng", tranh bột màu của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu.

"Bữa cơm giữa rừng", tranh bột màu của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu.

Họa sĩ Phạm Ngọc Liệu vẽ Bác Hồ trong tác phẩm bột màu "Bữa cơm giữa rừng". Hình ảnh Bác Hồ đang gắp thức ăn mời các chiến sĩ thật thân mật gần gũi, đúng như phong thái giản dị của Bác mà chúng ta được đọc trong những mẩu chuyện kể về Bác. Bác trực tiếp tham gia chiến dịch, ân cần quan tâm đến đời sống chiến sĩ. Có rất nhiều câu chuyện giản dị mà vĩ đại, bền bỉ sâu lắng, vượt thời gian, trở thành huyền thoại về tình cảm của Bác dành cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là tình cảm đặc biệt hiếm có giữa lãnh tụ với chiến sĩ, rất đỗi đời thường, rất đỗi con người, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, một lòng một dạ vì nước, vì dân. Tình cảm đó ta cũng bắt gặp trong tác phẩm Bác Hồ thăm trận địa pháo của họa sĩ Huy Toàn và Bác Hồ với hải quân trên vịnh Hạ Long của họa sĩ Đặng Đình Nguyễn.

"Bác Hồ với Hải quân", tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Thanh Tùng.

"Bác Hồ với Hải quân", tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Thanh Tùng.

Thế hệ nối tiếp thế hệ, các họa sĩ tiếp tục vẽ và thể hiện tình cảm yêu kính đặc biệt đối với Bác Hồ. Họa sĩ Nguyễn Thanh Tùng vẽ tác phẩm "Bác Hồ với Hải quân" với bút pháp tả thực tinh tế dựa trên bức ảnh tư liệu Bác Hồ thăm vịnh Hạ Long cùng anh hùng vũ trụ Liên Xô Gherman Stepanovich Titov vào ngày 22/1/1962. Họa sĩ đã diễn tả sống động chân dung Bác với nụ cười tươi, gương mặt nhân hậu, làn da hồng hào, chòm râu và mái tóc bạc như cước, từng sợi tóc được tả chi tiết như nổi lên khỏi mặt toan vẽ. Đôi mắt Bác hướng nhìn biển trời Tổ quốc ánh lên niềm vui trước tương lai tươi sáng, của sự hiện đại hóa và tiến bộ của binh chủng hải quân, toát lên khí phách và tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ với câu nói nổi tiếng: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Tranh cổ động của họa sĩ Đỗ Như Điềm.

Tranh cổ động của họa sĩ Đỗ Như Điềm.

"Bác Hồ với nhân dân Bát Tràng", tranh cổ động của họa sĩ Đỗ Như Điềm.

"Bác Hồ với nhân dân Bát Tràng", tranh cổ động của họa sĩ Đỗ Như Điềm.

Tranh cổ động kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Trịnh Thanh Tùng

Tranh cổ động kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Trịnh Thanh Tùng

Tranh cổ động kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Trịnh Thanh Tùng

Tranh cổ động kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Trịnh Thanh Tùng

Tranh cổ động của họa sĩ Trịnh Bá Quát.

Tranh cổ động của họa sĩ Trịnh Bá Quát.

Tranh cổ động kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Hà Thành.

Tranh cổ động kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Hà Thành.

Tranh cổ động kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Hà Thành.

Tranh cổ động kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Hà Thành.

Bên cạnh đó, triển lãm còn giới thiệu hơn 20 bức tranh cổ động chào mừng 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh của các họa sĩ Trịnh Bá Quát, Đỗ Như Điềm, Hà Thành, Trịnh Thanh Tùng, Trần Duy Trúc. Bằng ngôn ngữ đồ họa cô đọng mang tính biểu tượng cao, các họa sĩ khắc họa hình tượng Bác Hồ cùng những cống hiến vĩ đại của Bác đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Dân tộc. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những tài sản vô giá Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; mãi mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ to lớn đối với các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Nhân dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tác phẩm hội họa về Bác Hồ kính yêu như những đóa sen tươi thắm dâng lên Người, khắc sâu những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Dân tộc ta, góp phần tăng thêm ý chí và sức mạnh, tiếp tục đưa đất nước ta phát triển như Bác hằng mong muốn.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/hinh-tuong-bac-ho-trong-trien-lam-tranh-bai-ca-thong-nhat-20250519172046685.htm