Hình tượng con hổ khắc trên Cửu đỉnh triều Nguyễn ở Cố đô Huế

Vậy là chúng đã bước qua năm Nhâm Dần. Con hổ trong lịch sử từng được nhân dân ta khắc họa trên rất nhiều chất liệu, một trong só đó là khắc họa trên chất liệu bằng đồng trên Cửu đỉnh.

Cửu đỉnh (9 cái đỉnh lớn) nằm trong Hoàng thành Huế đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Cửu đỉnh là Di sản tư liệu thế giới. Trong 153 họa tiết được khắc trên Cửu đỉnh, trong đó hình ảnh về con hổ được khắc rất sinh động và tinh tế là điểm nhấn thú vị.

Cửu đỉnh – kiệt tác đỉnh cao nghệ thuật đúc đồng thế kỷ XIX

Huế là kinh đô cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Trải qua 143 năm (1802-1945), vương triều Nguyễn đã để lại nhiều công trình văn hóa có giá trị trên vùng đất Phú Xuân (Cố đô Huế ngày nay). Một trong những công trình tiêu biểu trong tổng thể các giá trị văn hóa mà vương triều Nguyễn để lại chính là Cửu đỉnh.

Cửu đỉnh trong Kinh thành Huế – kiệt tác đúc đồng mang nhiều giá trị đặc biệt.

Cửu đỉnh trong Kinh thành Huế – kiệt tác đúc đồng mang nhiều giá trị đặc biệt.

Đó là một công trình đồ sộ được đặt trong đại nội Huế. Đến nay, Cửu đỉnh vẫn còn rất nguyên vẹn được đặt trước Hiển Lâm các, đối diện với Thế miếu. Cửu đỉnh là một cuộc triển lãm những tác phẩm mỹ thuật rất tinh tế của những nghệ nhân tài hoa, là biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước và ước mơ triều đại mãi vững bền, hùng mạnh. Tất cả 153 họa tiết trên Cửu đỉnh là 153 bức chạm độc lập, hoàn chỉnh, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng nước ta, giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học hồi đầu thế kỷ XIX.

Mỗi đỉnh khắc 17 hình ảnh khác nhau không trùng lặp và có chú thích bằng chữ Hán, mỗi họa tiết không chỉ đơn thuần là những đường nét chạm khắc tinh tế mà đó còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Cửu đỉnh được coi là bách khoa thư về cuộc sống con người Việt Nam hồi nửa đầu thế kỷ XIX. Cửu Đỉnh là di sản văn hóa quý hiếm, có giá trị nhiều mặt của văn hóa Huế nói riêng, cả nước nói chung. Đó còn là sản phẩm thể hiện đỉnh cao trong nghệ thuật đúc đồng của nước ta ở thế kỷ XIX.

Cửu đỉnh được đặt tên theo miếu hiệu của các vua triều Nguyễn, mỗi đỉnh ứng với một vị vua: Cao Đỉnh là miếu hiệu của vua Gia Long, được đặt ở chính giữa, tiếp đó là Nhân đỉnh (Minh Mạng), Chương Đỉnh (Thiệu Trị), Anh đỉnh (Tự Đức), Nghị đỉnh (Kiến Phúc), Thuần Đỉnh (Đồng khánh), Tuyên đỉnh (Khải Định). Riêng Dụ đỉnh và Huyền đỉnh chưa kịp có miếu hiệu của vị vua nào thì triều Nguyễn đã sụp đổ. Cửu đỉnh được vua Minh Mạng cho đúc vào năm 1835, đến năm 1837 thì hoàn thành. Trong Cửu đỉnh, Cao đỉnh nằm chính giữa, là đỉnh lớn nhất, nặng nhất (hơn 2,6 tấn).

Hình ảnh con hổ được khắc trên Cao đỉnh.

Hình ảnh con hổ được khắc trên Cao đỉnh.

Hình tượng con hổ trên Cửu đỉnh

Trong nhiều họa tiết được khắc trên Cửu đỉnh, đáng chú ý có hình ảnh về con hổ được thể hiện trên Cao đỉnh rất sinh động và tinh tế. Sách “Đại Nam thực lục” chép: “Trên Cao đỉnh, khắc các hình: Con rồng, mặt trời, cây mít, con hổ, biển Đông, núi Thiên Tôn, kênh Vĩnh Tế, cây lúa tẻ, cây hành, hoa tường vi, chim trĩ, kênh Bến Nghé, cây gỗ lim, thuyền buồm, súng đại bác, trầm hương, con ba ba”. Chúng ta thấy rằng, Cao đỉnh cũng như tám đỉnh khác đều rất đa dạng về thiên nhiên đất nước với những hình ảnh tượng trưng cho từng vùng miền cũng như những điểm chung của cả nước. Đặc biệt, trên Cao đỉnh có khắc hình ảnh con hổ. Như ta đã biết, hổ là một trong 12 con giáp theo quan niệm địa chi của người phương Đông. Việc được khắc hình ảnh trên Cao đỉnh đã cho thấy con vật này có một vai trò quan trọng bởi 153 họa tiết được khắc trên Cửu đỉnh đều là những hình ảnh đặc trưng.

Việc chọn con hổ để khắc lên Cao đỉnh trong Cửu đỉnh đã thể hiện vị trí quan trọng của loài vật này trong văn hóa của triều Nguyễn. Hơn nữa, việc chọn con hổ khắc lên Cao đỉnh, đỉnh trung tâm, đỉnh quan trọng nhất của Cửu đỉnh càng cho thấy chỗ đứng trang trọng của loài hổ trong đời sống cộng đồng của người Việt xưa nay.

Bài, ảnh: LÊ KHẮC NIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/hinh-tuong-con-ho-khac-tren-cuu-dinh-trieu-nguyen-o-co-do-hue-685146