Hình tượng Hồ Chí Minh qua các thời kỳ lịch sử

Đêm trắng và Miền Nam luôn trong trái tim tôi là 2 trích đoạn sân khấu về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ lịch sử được công diễn, phục vụ các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Đồng Nai từ ngày 10 đến 12-4 tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh.

Một cảnh trong trích đoạn Đêm trắng. Ảnh: L.Na

Một cảnh trong trích đoạn Đêm trắng. Ảnh: L.Na

Bằng những câu chuyện chân thực, cảm động trên sân khấu, hình tượng Bác Hồ được xây dựng hấp dẫn đã và đang truyền cảm hứng và động lực cho người xem, giúp thế hệ hôm nay có thêm nhiều bài học quý giá để học và làm theo Người.

Tái hiện nhiều câu chuyện về Bác Hồ

Đêm trắng là tác phẩm do Lưu Quang Hà viết kịch bản, Nghệ sĩ Nhân dân Giang Mạnh Hà đạo diễn. Đây là tác phẩm dựa trên câu chuyện có thật khi cả nước dồn sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ phải xem xét án tử hình một cán bộ có chức vụ cao trong quân đội là Hoàng Trọng Vinh (nhân vật đã được đổi tên) - Cục trưởng Cục Quân nhu - người mà trước đó 4 năm Bác đã ký quyết định đề bạt quân hàm đại tá. Tòa án quân đội đã xử và tuyên án tử hình Hoàng Trọng Vinh, trình Bác ký vào bản án để giữ nguyên kỷ cương, phép nước, kỷ luật Đảng, kỷ luật quân đội đối với cán bộ cao cấp.

Chỉ với 3 cảnh, vở diễn khắc họa hình tượng Bác Hồ trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, gắn với vấn đề rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên, xây dựng quân đội cách mạng. Không chỉ tái hiện sự ăn chơi sa đọa của đại tá Hoàng Trọng Vinh, vở diễn lồng ghép kể câu chuyện Bác Hồ cải trang đến thăm cán bộ, chiến sĩ của một trung đoàn ngoài mặt trận mà không báo trước. Ở đó, Bác được nghe chiến sĩ kể chuyện đánh giặc, thắng giặc, những khó khăn, thiếu thốn, đói rét, bệnh tật nhưng các cán bộ, chiến sĩ không ngại khó, không ngại khổ và không sợ hy sinh… Lời của chiến sĩ báo cáo với Bác: “Bác bảo đi là đi, Bác bảo đánh là đánh, Bác bảo thắng là thắng”.

Trích đoạn Miền Nam luôn trong trái tim tôi kể câu chuyện năm 1965, tại Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đón đoàn cán bộ miền Nam, trong đó có 6 anh hùng lực lượng vũ trang đại diện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam vượt gần 2 ngàn cây số ra Thủ đô thăm Bác. Tại cuộc gặp này, Bác được nghe các chiến sĩ, anh hùng miền Nam báo cáo về những trận thắng giòn giã của quân và dân ta trên khắp các mặt trận. Bác có lời khen ngợi và làm thơ tặng quân và dân Biên Hòa - Đồng Nai với trận đánh vang dội vào Sân bay Biên Hòa vào ngày 31-10-1964: “Uy danh lừng lẫy khắp năm châu/ Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu/ Thành đồng trống thắng lay Lầu trắng/ Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu!”.

Nghệ sĩ Nhân dân Giang Mạnh Hà cho biết: “Bác luôn hướng về miền Nam ruột thịt, mong có một lần vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam nhưng chưa thực hiện được. Nhân dân miền Nam sau khi hòa bình, thống nhất đất nước cũng mong muốn được đón Bác vào nhưng không thực hiện được. Bởi vậy, đưa trích đoạn sân khấu Miền Nam luôn trong trái tim tôi vào công diễn đã gây xúc động mạnh. Không những gắn với sự kiện lịch sử trận đánh vào Sân bay Biên Hòa - Đồng Nai, mà còn thể hiện được tình cảm yêu quý, kính trọng, hiểu, thương nhớ Bác của đồng bào miền Nam”.

Chị HOÀNG THỊ KIM ANH, sinh viên Trường đại học Đồng Nai, cho hay: “Đây là lần đầu tiên tôi được xem trực tiếp sân khấu kịch diễn vai Bác Hồ. Các cảnh diễn đã giúp tôi hiểu được tình cảm sâu nặng của Bác dành cho người dân cả nước nói chung và miền Nam nói riêng. Những tình cảm đó thôi thúc thế hệ trẻ chúng tôi nỗ lực hơn nữa để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Khởi đầu từ tình cảm kính yêu…

Nghệ sĩ Minh Hải (Nhà hát Kịch Việt Nam) là người hóa thân vào hình tượng Bác Hồ. Nghệ sĩ Minh Hải cho hay, từ trong tim, anh luôn dành tình cảm kính yêu Bác, được vào vai Bác là niềm vinh dự, tự hào đối với bản thân anh. Bởi vậy, trong 2 trích đoạn diễn ở Đồng Nai, anh vận dụng kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề để diễn, sao cho giữ được hình ảnh chân thật, thân thuộc về Bác. Không chỉ trên sân khấu mà ngay cả ngoài đời thực, anh luôn gìn giữ hình ảnh cá nhân, lời ăn tiếng nói, học theo Bác từ lối sống, đến đạo đức…

Vào vai phản diện Hoàng Trọng Vinh trong trích đoạn Đêm trắng, Nghệ sĩ Ưu tú Huy Thục (nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Đây không phải lần đầu tôi tới Đồng Nai biểu diễn nhưng là lần diễn ấn tượng nhất, bởi trong 3 ngày diễn 5 suất đề tài về Bác Hồ. Từ trên sân khấu, tôi nhìn thấy những giọt nước mắt của khán giả khi nghệ sĩ diễn, khi Bác xuất hiện. Với vai diễn Hoàng Trọng Vinh của tôi, đâu đó bóng dáng của một số cán bộ của hôm nay đã được tôi tái hiện. Những người như vậy đều phải trả giá trước Đảng, trước Nhân dân”.

Bằng những câu chuyện có thật, những sự kiện lịch sử gắn liền cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Kịch Thế giới trẻ Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển tải qua lăng kính nghệ thuật với cách diễn mang đến nhiều xúc cảm, rung động cho người xem. Những câu chuyện ấy vẫn sẽ tiếp tục được kể, lan tỏa trong cộng đồng để mọi người dân, nhất là cán bộ, đảng viên được thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, từ đó bồi đắp thêm niềm tự hào, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202404/hinh-tuong-ho-chi-minh-qua-cac-thoi-ky-lich-su-c7e54b5/