HNX phát triển các thị trường hướng tới mục tiêu trở thành kênh dẫn vốn chủ yếu cho nền kinh tế
Trong 20 năm qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tập trung xây dựng và vận hành các thị trường cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh an toàn, suôn sẻ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn thị trường, song song với việc đẩy mạnh công tác giám sát giao dịch, giám sát tuân thủ đối với các đối tượng tham gia để đảm bảo nâng cao tính minh bạch, công bằng của thị trường.

Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2025 tại HNX. Ảnh: Đức Minh
Các thị trường tại HNX phát triển nhanh, bền vững
Thị trường thứ cấp giao dịch chứng khoán niêm yết chính thức được mở cửa ngày 14/7/2005 tại HASTC (Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - nay là Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), với hành trang ban đầu chỉ có 6 doanh nghiệp (DN) niêm yết và 10 công ty chứng khoán thành viên. Sau 5 năm đầu tiên, số DN đưa cổ phiếu lên niêm yết tăng lên nhanh chóng, đạt 367 DN niêm yết vào cuối năm 2010. Tính đến cuối năm 2024, tổng giá trị vốn hóa của thị trường niêm yết HNX đạt 344,58 nghìn tỷ đồng cao gấp 2,2 lần so với tổng giá trị niêm yết tính theo mệnh giá. Quy mô vốn hóa thị trường niêm yết hiện tương đương khoảng 3% GDP năm 2024 của Việt Nam. Qua đó, niêm yết trên HNX đã huy động được hơn 174 nghìn tỷ đồng vốn cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh thông qua hoạt động phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Sau 3 năm nghiên cứu, chuẩn bị, đến tháng 6/2009, được sự đồng ý của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), HNX chính thức vận hành thị trường giao dịch chứng khoán các công ty đại chúng chưa niêm yết hay còn gọi là UPCoM. Sau 15 năm đi vào hoạt động, thị trường UPCoM đã đáp ứng mục tiêu thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức quản lý của Nhà nước, quy tụ các cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết về một đầu mối quản lý thống nhất, tạo ra cơ hội giao dịch chứng khoán công khai, minh bạch, an toàn và thuận lợi cho nhà đầu tư, cũng như giúp nhà đầu tư có được những thông tin cơ bản về DN, giao dịch thuận tiện, dễ dàng và an toàn hơn. Số lượng DN đăng ký giao dịch trên UPCoM không ngừng tăng lên, từ 10 DN đăng ký giao dịch khi khai trương, đến nay là 888 DN với tổng giá trị đăng ký giao dịch đạt 473,5 nghìn tỷ đồng, giá trị vốn hóa thị trường đạt 1.482 nghìn tỷ đồng.
Phát triển thị trường vốn là mục tiêu chiến lược quan trọng trong quá trình cơ cấu lại nền tài chính, trong đó phát triển thị trường trái phiếu là một mục tiêu quan trọng. Toàn bộ hàng hóa trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) chuyên biệt đã được phát hành qua đấu thầu tập trung từ năm 2006 và niêm yết tập trung tại HNX từ năm 2008. Thị trường này khai trương hoạt động ngày 24/9/2009, các trái phiếu phát hành qua đấu thầu và bảo lãnh sau khi niêm yết đều được giao dịch trên hệ thống giao dịch TPCP riêng. Trong vòng 15 năm, thông qua hơn 3.400 đợt đấu thầu đã được tổ chức tại HNX, huy động được tổng số vốn hơn 3,3 triệu tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Đáng chú ý, lãi suất huy động vốn trên thị trường TPCP đã giảm đáng kể qua các năm giúp tiết kiệm cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng tiền trả lãi và hỗ trợ tích cực trong điều tiết kinh tế vĩ mô. Kỳ hạn bình quân trái phiếu phát hành qua đấu thầu đạt 13,25 năm, đem lại sự chủ động và ổn định trong hoạt động đầu tư phát triển các dự án trọng điểm và dài hạn của Chính phủ, phục vụ tăng trưởng nền kinh tế.
Cùng với sự phát triển của TTCK cơ sở, ngày 10/8/2017, TTCK phái sinh chính thức được khai trương và đưa vào vận hành tại HNX - đánh dấu bước tiến lớn trong quá trình phát triển của TTCK Việt Nam. Thị trường phái sinh ra đời góp phần hoàn thiện cấu trúc TTCK, thị trường tài chính Việt Nam, khi 3 chức năng quan trọng của thị trường là huy động vốn, phân bổ vốn và phân tán rủi ro đã hình thành. Đến nay, sau 8 năm hoạt động, TTCK phái sinh được vận hành liên tục, ổn định và đạt nhiều kết quả về mọi mặt. Quy mô thị trường tăng bình quân 28,21%/năm; thanh khoản tăng gần 20 lần. Thị trường có bước tăng trưởng tốt, ổn định, giao dịch sôi động và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường.
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDNRL), hệ thống giao dịch thị thứ cấp đi vào hoạt động, đánh dấu bước phát triển quan trọng của thị trường này. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, hệ thống giao dịch TPDNRL được vận hành an toàn, thông suốt, quy mô giao dịch đã có sự phát triển mạnh mẽ, cùng với đó là sự cải thiện tình hình phát hành trên thị trường sơ cấp.
Duy trì và nâng cao hoạt động giám sát thị trường
Theo Lãnh đạo HNX, những kết quả đạt được trong 20 năm hoạt động của HNX đã được thị trường ghi nhận và đánh giá cao, là động lực và nền tảng quan trọng để bước sang năm 2025, khởi đầu cho giai đoạn mới, cùng với 25 năm hoạt động và phát triển của TTCK Việt Nam. HNX quyết tâm phát huy tinh thần lao động sáng tạo không ngừng, nỗ lực hoàn thiện hơn nữa các thị trường giao dịch chứng khoán, phát triển các sản phẩm mới, theo đúng định hướng của Chính phủ, Bộ Tài chính và chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) để tiếp tục phát triển các thị trường hướng tới mục tiêu đưa TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế.
Trên cơ sở Chiến lược Phát triển TTCK đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCKNN và VNX đối với nhiệm vụ phát triển và quản lý TTCK, HNX đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, tiếp tục vận hành ổn định các thị trường giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh, đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả, tạo được sự tin cậy và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện tổ chức thị trường, bổ sung nghiệp vụ thị trường TPCP, tập trung phát triển hệ thống TPDNRL.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác thẩm định hồ sơ đăng ký giao dịch/niêm yết, bảo đảm chặt chẽ, chắc chắn đúng quy định pháp luật, bảo vệ nhà đầu tư và tính toàn vẹn của thị trường; tăng cường các hoạt động thúc đẩy quản trị công ty, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng công bố thông tin và quản trị công ty.
Đồng thời, duy trì và nâng cao hoạt động giám sát thị trường, tăng cường tự động hóa trong công tác giám sát, tăng cường tính chủ động, đẩy mạnh công tác giám sát bất thường; nâng cao chất lượng báo cáo giám sát, phát huy vai trò giám sát tuyến đầu. Hoàn thiện hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật hệ thống; tiếp tục phối hợp với Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Nhà thầu Hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX), Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam và các đơn vị liên quan sớm đưa Hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành, đảm bảo theo đúng tiến độ.
Để hoàn thành được các mục tiêu trọng tâm đã đặt ra, HNX sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản của HNX, bao gồm các quy chế quản trị nội bộ, quy trình nghiệp vụ, đảm bảo phù hợp với các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi và các quy chế do VNX ban hành, đặc biệt là các văn bản nghiệp vụ liên quan đến hệ thống trước khi hệ thống công nghệ thông tin mới chính thức được đưa vào vận hành dự kiến trong tháng 5 tới đây. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giám sát thị trường, chú trọng công tác giám sát bất thường, tăng cường tính chủ động trong việc phát hiện và phân tích các giao dịch có dấu hiệu bất thường...
Sẽ sớm ra mắt các sản phẩm mới
HNX cho biết, trong năm 2025 sẽ phối hợp VNX đưa sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN100 vào giao dịch; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu các sản phẩm mới trong lộ trình phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trình Bộ Tài chính, triển khai nội dung liên quan giao dịch tín chỉ carbon theo phân công, phối hợp các đơn vị phát triển sản phẩm trái phiếu xanh.