Hồ Anh Thái mê đắm lịch sử và văn hóa Ấn Độ

Nhà văn Hồ Anh Thái xuất thân là nhà ngoại giao, tiến sĩ văn hóa phương Đông, từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Ông đã ra mắt hơn 40 cuốn sách, trong đó có nhiều cuốn viết về Ấn Độ - đất nước với bề dày lịch sử, văn hóa mà ông mê đắm…

Nhà văn Hồ Anh Thái (bên phải) và nhà thơ Phan Hoàng. Ảnh: CTV

Nhà văn Hồ Anh Thái (bên phải) và nhà thơ Phan Hoàng. Ảnh: CTV

Bệ phóng cho sự sáng tạo

Hồ Anh Thái là cây bút uy tín và đa năng, viết nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, du ký… Tác phẩm nào của ông ra đời cũng thu hút bạn đọc và giới nghiên cứu. Ông dường như thay đổi liên tục về bút pháp lẫn đề tài. Không chỉ ở trong nước, sách của ông còn được dịch và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới.

Là một trong những trường hợp hiếm hoi của làng văn Việt Nam khi với tư cách nhà ngoại giao, giảng viên thỉnh giảng đại học, Hồ Anh Thái đã có dịp sống và làm việc ở nhiều quốc gia, nhờ đó ông có những tác phẩm về các nền văn hóa khác nhau được trình làng. Đặc biệt, sáu năm liền Hồ Anh Thái công tác ở Ấn Độ và say mê nghiên cứu nền văn hóa lớn đầy quyến rũ, bí ẩn, kỳ ảo này của phương Đông, giúp ông hoàn thành luận án tiến sĩ, cho ra đời nhiều cuốn sách giá trị sâu sắc và hấp dẫn.

Đề tài về Ấn Độ len lỏi, phảng phất trong nhiều tác phẩm của nhà văn Hồ Anh Thái, như trong tiểu thuyết về ngoại giao đầu tiên nước ta Năm lá quốc thư, nhưng tập trung và xuyên suốt là tập biên khảo Xin chào Ấn Độ, tập truyện ngắn Tiếng thở dài qua rừng kim tước, tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi. Rồi mới đây ông lại tiếp tục xuất bản tiểu thuyết Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên do NXB Trẻ ấn hành năm 2022.

Cứ liệu lịch sử phong phú, mê hoặc của Ấn Độ đã trở thành nguồn cảm hứng và bệ phóng cho sự sáng tạo của nhà văn Hồ Anh Thái dựng nên một tác phẩm vừa mang tính khái quát vừa thể hiện được những tình tiết độc đáo, hấp dẫn, có sức lôi cuốn, giúp người đọc thâm nhập vào một nền văn hóa còn nhiều bí ẩn. Nếu không có kiến thức uyên thâm, khả năng tinh lọc và khái quát, nghệ thuật dựng chuyện uyển chuyển thì nhà văn khó mà chinh phục người đọc. Chỉ riêng hình tượng Nữ Chúa trong tiểu thuyết Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên, vừa là hình tượng nhân vật có thật vừa mang tính khái quát của rất nhiều phụ nữ có số phận đầy bi kịch đã trở thành những tướng cướp lẫy lừng trong lịch sử Ấn Độ.

Sức hấp dẫn của Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên

Gạt bỏ những kiến thức đời thường, chúng ta bước vào thế giới tiểu thuyết của Hồ Anh Thái. Từng là một hoàng tử từ bỏ hoàng cung để tu hành cứu nhân độ thế, Đức Phật đã trở thành Đấng Giác Ngộ và đạt nhiều thành công trong 45 năm truyền giảng giáo thuyết ở hầu hết các vương quốc của Ấn Độ. Tuy nhiên, có một nơi mà Đức Phật gặp trắc trở là vương quốc nhỏ bé Vamsa, vì tiểu vương Udena đứng đầu đất nước này là người thế tục, sợ mất quyền lực, ngờ vực các loại triết thuyết, không mặn mà các giá trị tâm linh.

Tiểu vương Udena thầm công nhận lời Đức Phật nói chí lý về những điều rườm rà vô ích trong đời sống xã hội nhưng trong lòng ông ta vẫn ngờ vực: “Liệu tôn giáo này có những điều ma mị như mọi tôn giáo khác. Nó cuốn người ta vào như cần sa và không bao giờ người ta có thể cai nghiện. Nó mượn danh dẫn dắt chỉ đường để mà tụ tập lôi kéo quần chúng. Nó khoác áo tôn giáo để can thiệp vào chuyện triều chính”. Lẽ tất nhiên điều mà tiểu vương Udena lo xa nhất là sợ bị tôn giáo soán ngôi vua khi có thời cơ. Trong khi đó, giáo đoàn của Phật ở tiểu quốc Vamsa thời gian đầu non trẻ, tổ chức lỏng lẻo, nhận thức dễ dãi, thậm chí còn chia rẽ, mất đoàn kết. Sự hiện diện của Đấng Giác Ngộ dần mở ra chân trời ánh sáng, giúp xóa bỏ lòng hận thù tối tăm, con người khoan dung, bác ái hơn.

Một nhân vật khác trong tiểu thuyết là công tử con quan Govinda, đã gia nhập lực lượng đặc biệt để được gần người mình yêu là một công chúa Samavati được gả sang tiểu quốc Vamsa và trở thành hoàng hậu. Sau đó, Govinda được cài cắm vào làm điệp viên trong giáo đoàn của Phật xứ Vamsa để mật báo tin tức cho hoàng gia. Đội lốt nhà sư khất thực, một tháng đôi ba lần điệp viên Govinda bí mật tìm đến khu quán cá ven sông để thưởng thức “Món cá rán sông Hằng là số một trần gian”. Thế nhưng cuối cùng người yêu là hoàng hậu Samavati bị mưu hại và thiêu chết, món cá sông Hằng cũng trở nên đắng nghét với điệp viên Govinda.

Đông đảo nhất là số phận của bao người đẳng cấp thấp hèn bị bọn cường quyền cưỡng bức, đày đọa, nảy sinh lòng oán thù muôn kiếp. Và họ quyết sẽ dành cả cuộc đời để báo thù.

Cô gái nghèo sau khi thành tướng cướp - Nữ Chúa Manju, đã tìm cách trả thù khốc liệt.

Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên là dạng tiểu thuyết ngắn, trục nhân vật được thể hiện chỉ là bề nổi, điều cốt lõi là cấu trúc nội tại bên trong với những mối quan hệ chồng chéo... Qua tác phẩm này, một lần nữa nhà văn Hồ Anh Thái cho thấy tầm tri thức văn hóa và tài năng xây dựng tiểu thuyết của một cây bút có nghề, lặng lẽ sáng tạo không mệt mỏi, hiếm có hiện nay. Vì vậy, người đọc tiếp tục chờ đợi từ sự mê đắm của ông…

PHAN HOÀNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/286816/ho-anh-thai-me-dam-lich-su-va-van-hoa-an-do.html