Hô biến cổ động thành quảng cáo thương mại
L.T.S: Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP HCM chưa được UBND TP HCM thông qua nhưng hàng loạt trụ, bảng quảng cáo vẫn được cấp phép thi công trên các tuyến đường. Đáng nói hơn, theo điều tra của phóng viên Báo Người Lao Động, tiền thu từ cho thuê quảng cáo ngoài trời khá mập mờ, có dấu hiệu bị trục lợi.
"Giá cho thuê bảng quảng cáo khoảng 2 tỉ đồng/năm, lợi nhuận quá lớn mà các sở, ngành xử lý không quyết liệt nên hàng loạt trụ, bảng quảng cáo vi phạm vẫn tồn tại" - một cán bộ của UBND quận Bình Tân nói
Quảng cáo ngoài trời là giải pháp truyền thông hàng đầu đối với các doanh nghiệp, bởi sở hữu nhiều lợi thế về diện tích, vị trí lắp đặt, thu hút sự chú ý của người xem đang tham gia giao thông trên đường. Trên địa bàn TP HCM, không khó bắt gặp hàng loạt trụ, bảng quảng cáo ngoài trời được lắp đặt, nhất là tại các cung đường lớn trong trung tâm thành phố, khu vực ngã ba, ngã tư hoặc khu vực vòng xoay, quốc lộ…
Nhiều vi phạm, nhếch nhác
Qua ghi nhận thực tế việc thi hành Luật Quảng cáo và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, có rất nhiều trụ, bảng quảng cáo có biểu hiện vi phạm, như: các trụ quảng cáo không bảo đảm khoảng cách theo quy định trong hành lang an toàn giao thông, quảng cáo vượt diện tích quy định của bảng quảng cáo; không ghi tên, địa chỉ, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo; tuyên truyển, cổ động chính trị thành quảng cáo thương mại...
Điển hình ngay ngã ba đường Bạch Đằng - Hồng Hà (quận Tân Bình), một trụ, bảng quảng cáo kích thước lớn được dựng tạm bợ, lấn cả ra đường để quảng cáo cho nhãn hàng nước giải khát. Trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) và đường Trường Sơn (quận Tân Bình), hàng chục trụ, bảng quảng cáo màn hình Led trên đường nhấp nháy liên tục, gây chói mắt cho người điều khiển phương tiện trên đường.
Nguy hiểm hơn là có những trụ quảng cáo khổng lồ nằm trong khuôn viên khu bảo tàng (như trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình), bệnh viện (như Bệnh viện Phụ sản Mekong, đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Tân Bình). "Trụ, bảng quảng cáo được xây dựng cao chót vót, nằm ngay trên đầu phòng khám và khu vực chờ của người thân bệnh nhân, mỗi lần đến đây là tôi lại nơm nớp lo sợ. Trụ quảng cáo nặng hàng tấn mà đổ sập xuống thì không biết hậu quả sẽ thế nào" - ông Trung (ngụ quận Tân Bình) nói.
Ngoài ra, có hàng loạt trụ quảng cáo trên đường Hoàng Văn Thụ, Trường Sơn, Phan Đình Giót, Phổ Quang (quận Tân Bình), khu vực vòng xoay Điện Biên Phủ (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1), từng được quy hoạch tuyên truyền cổ động chính trị, sau đó chuyển qua quảng cáo thương mại nhưng hiện trơ khung, chưa được tháo dỡ, làm nhếch nhác bộ mặt đô thị.
Xử phạt vẫn tồn tại
Trong quá trình đi ghi nhận thực tế, chúng tôi nhận thấy sai phạm nổi trội nhất và để lại nhiều câu hỏi nhất chính là việc rất nhiều trụ quảng cáo lắp đặt không phép vẫn ngang nhiên tồn tại; trụ, bảng quảng cáo phục vụ công tác tuyên truyền, cổ động chính trị chỉ một thời gian rất ngắn đã chuyển sang hình thức quảng cáo thương mại, không đúng quy định của pháp luật.
Ví dụ trụ, bảng quảng cáo 3 mặt tại giao lộ Võ Văn Kiệt - An Dương Vương (quận Bình Tân) được sử dụng để cổ động chính trị nhưng mấy năm nay "biến tướng" thành quảng cáo thương mại cho một doanh nghiệp bất động sản. Cách đó không xa, tại vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân), một trụ, bảng quảng cáo khác đang chạy thông tin quảng cáo cho một nhãn hàng thuốc giảm đau, bảo vệ xương khớp.
Theo tìm hiểu, 2 trụ, bảng quảng cáo này từng nhiều lần bị người dân và các doanh nghiệp phản ánh vì không bảo đảm an toàn cho người đi đường và cũng từng bị UBND quận Bình Tân ra quyết định xử phạt về hành vi tự ý chuyển đổi hình thức từ cổ động chính trị sang quảng cáo thương mại.
Cụ thể, tháng 11-2021, UBND quận Bình Tân đã ra quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH Quảng cáo và Dịch vụ Thành Phố Xanh (trụ sở quận Bình Thạnh, nay công ty này đã sang nhượng cho Công ty TNHH Xây dựng quảng cáo Kim Ngân có trụ sở ở quận Bình Tân) 50 triệu đồng do quản lý trụ, bảng quảng cáo tại vòng xoay An Lạc và vòng xoay Võ Văn Kiệt - An Dương Vương nhưng không thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo.
Sau đó, UBND quận Bình Tân liên tục kiểm tra, xử phạt và yêu cầu khắc phục sai phạm nhưng 2 trụ, bảng quảng cáo tại vị trí này vẫn tồn tại cho đến nay.
Ngoài ra, còn có những trụ quảng cáo khác trên đường Bạch Đằng, Hoàng Văn Thụ, ngã 3 Hoàng Văn Thụ - Út Tịch (quận Tân Bình), Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh)… được quy hoạch cổ động chính trị nhưng nay đã biến thành quảng cáo thương mại suốt nhiều năm qua.
"Giá cho thuê bảng quảng cáo này khoảng 2 tỉ đồng/năm nên dù có bị xử phạt thì số tiền đóng phạt không thấm vào đâu. Lợi nhuận quá lớn mà các sở, ngành xử lý không quyết liệt nên hàng loạt trụ, bảng quảng cáo vi phạm vẫn tồn tại" - một cán bộ của UBND quận Bình Tân nói.
Trong khi đó, sáng 26-10, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, cùng đại diện các sở, ngành đã có buổi khảo sát các tuyến đường xây dựng các trụ, bảng quảng cáo trên địa bàn TP Thủ Đức.
Tại buổi khảo sát, ông Cao Thanh Bình yêu cầu TP Thủ Đức làm rõ 34 trụ, bảng quảng cáo trên đường dẫn vào đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (địa bàn TP Thủ Đức) ai cấp phép; làm rõ việc Công ty Bình Minh được UBND TP HCM cho phép quảng cáo 25 trụ trên địa bàn TP Thủ Đức nhưng phát sinh thêm 3 trụ, bảng quảng cáo mới do Sở Giao thông Vận tải TP HCM cấp phép.
Còn tại buổi khảo sát ngày 2-11 trên địa bàn quận Tân Bình, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, yêu cầu Phòng Văn hóa - Thông tin quận Tân Bình báo cáo vì sao nhiều trụ, bảng quảng cáo được phê duyệt cổ động chính trị nay biến thành quảng cáo thương mại, ai cấp phép? Cụ thể là hơn 30 trụ quảng cáo nằm trên đường Cộng Hòa. Ngoài ra, 17 vị trí quảng cáo bằng màn hình Led dọc đường Trường Sơn do đơn vị nào cấp phép xây dựng?
Về những vấn đề trên, Sở Giao thông Vận tải TP và Phòng Văn hóa - Thông tin quận Tân Bình cho biết sẽ có văn bản báo cáo cụ thể gửi HĐND TP HCM.
Nhiều bất cập trong quản lý
Việc quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP HCM được giao cho Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông cùng phối hợp. Với riêng quảng cáo ngoài trời, vấn đề bảng quảng cáo xây dựng, lắp đặt trên phạm vi hành lang an toàn giao thông do Sở Giao thông Vận tải quản lý; việc treo băng rôn trên trụ đèn chiếu sáng đô thị do Sở Xây dựng quản lý, Sở Văn hóa và Thể thao quản lý về mặt nội dung quảng cáo...
Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, trong năm 2020, thanh tra sở đã kiểm tra và xử lý vi phạm 136 vụ với số tiền hơn 1 tỉ đồng; năm 2021 kiểm tra, xử lý 145 vụ với số tiền hơn 1,9 tỉ đồng. Những nội dung vi phạm phổ biến như: Không viết chữ bằng tiếng Việt mà viết chữ bằng tiếng nước ngoài trên biển hiệu; không thông báo hoặc thông báo không đúng nội dung quảng cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi thực hiện quảng cáo; treo hoặc dựng bảng quảng cáo không đúng vị trí đã quy hoạch...
Riêng Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã lập biên bản 8 trường hợp vi phạm thi công công trình trên đường bộ liên quan đến nội dung quảng cáo với số tiền hơn 88 triệu đồng.
Cũng theo Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, mức phạt vi phạm hành chính các hành vi lắp đặt trụ quảng cáo không phép còn thấp so với lợi nhuận thu được nên các đơn vị có biểu hiện cố tình vi phạm.
Mặt khác, chưa ban hành đúng khung giá chuẩn đối với các bảng quảng cáo dẫn tới không thực hiện đấu thầu công khai; chưa ban hành quy hoạch chung về quảng cáo của thành phố; chưa có đánh giá tổng thể về các yếu tố (bao gồm an toàn giao thông, mỹ quan đô thị) dẫn đến việc khảo sát, đánh giá đối với các vị trí lắp đặt mới chỉ mang tính chất cục bộ, cảm tính.
Việc quản lý nhà nước về cấp phép xây dựng và bảo đảm về an toàn xây dựng đối với các bảng quảng cáo thuộc hành lang an toàn đường bộ chưa được quản lý của cơ quan nhà nước...
(Còn tiếp)