Ho gà gia tăng, nguy cơ bệnh tử với trẻ dưới 1 tuổi
Chỉ từ đầu năm đến nay, cả nước đã phát hiện gần 70 ca mắc ho gà. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và đặc biệt nguy hiểm khi tỷ lệ mắc và tử vong lên đến 90% ở trẻ dưới 1 tuổi.
Ho gà gia tăng sau dịch
Sau dịch Covid-19, thế giới ghi nhận một số dịch bệnh truyền nhiễm như ho gà có xu hướng gia tăng, một phần nguyên nhân là do gián đoạn và sụt giảm tỷ lệ tiêm chủng. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2022 toàn cầu ghi nhận hơn 62.000 ca mắc ho gà, tăng 111,5% so với năm 2021.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Cộng hòa Serbia ghi nhận 70 trẻ mắc ho gà, khoảng 40 trẻ phải nhập viện và 4 trẻ đã tử vong. Tại nước lân cận như Thái Lan, các ổ dịch ở miền Nam xuất hiện từ năm ngoái đến nay đã có hơn 1.000 ca mắc, 7 trường hợp đã tử vong. Hầu hết các trường hợp mắc và tử vong đều ở nhóm nhỏ tuổi và chưa được tiêm vaccine.
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế) đã ghi nhận gần 70 ca mắc ho gà. Theo CDC Hà Nội, địa phương phát hiện gần 20 ca ho gà, các ca bệnh chủ yếu chưa đến tuổi chủng ngừa hoặc chưa tiêm đầy đủ số mũi vaccine phòng bệnh.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, ho gà là một trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, diễn tiến càng nặng khi tuổi càng nhỏ. Nghiên cứu của các nhà khoa học Ý từ năm 2013 công bố trên tạp chí BMC Infectious Diseases (tạm dịch Bệnh truyền nhiễm BMC) đã chỉ ra trẻ em dưới 6 tháng tuổi có tỷ lệ nhiễm bệnh cao gấp 20 lần so với tổng dân số, trên 90% số ca tử vong do ho gà xảy ra ở lứa tuổi này. Thống kê các đợt dịch gần đây tại Việt Nam cũng cho thấy 90% số ca mắc ho gà là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi có lịch sử chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ 3 mũi cơ bản. Đối với trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh ho gà, bệnh tiến triển nặng lên rất nhanh, ở trẻ sơ sinh tỷ lệ tử vong lên đến 90%.
Ho gà nguy hiểm thế nào?
Ho gà nguy hiểm ở trẻ nhỏ vì dễ gây mất sức, nhiễm độc do vi khuẩn ho gà và bội nhiễm với các tác nhân truyền nhiễm khác. Ho gà thường khởi phát với các triệu chứng như cảm cúm thông thường là mệt mỏi, chán ăn, ho, không sốt hoặc sốt nhẹ. Cơn ho sau đó ngày càng nặng và trở thành cơn ho kéo dài trong vài tuần hoặc lâu hơn.
Ho gà thường khiến trẻ ho rũ rượi, không thể kìm hãm kèm theo tiếng thở rít như tiếng gà. Sau các cơn ho, trẻ thường chảy nhiều đờm đi kèm với nôn. Tình trạng ho, đờm, nôn kết hợp và kéo dài dễ dẫn đến các biến chứng cơ học như sa trực tràng, lồng ruột. Trường hợp bệnh không được kiểm soát tốt, trẻ dễ tử vong do tắc đường thở, mất nước. Khả năng tử vong do ho gà còn đến từ biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, thiếu dinh dưỡng, nhiễm trùng cơ hội… Ngay cả khi đã được điều trị khỏi, các cơn ho vẫn có thể kéo dài khiến trẻ mất sức.
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc ho gà vì bệnh lây qua đường hô hấp trong khi hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, chưa hoàn thiện, cấu trúc niêm mạc hô hấp còn mỏng manh và nhạy cảm. Người lớn trong gia đình mang mầm bệnh nhưng không có biểu hiện, dễ lây bệnh cho trẻ thông qua ôm hôn hoặc qua các giọt bắn trong lúc nói và hắt hơi.
Bảo vệ trẻ nhỏ thế nào?
Bác sĩ Chính nhấn mạnh hầu hết trẻ tử vong do ho gà đều là trẻ chưa được tiêm ngừa hoặc tiêm không đủ phác đồ. Vaccine là biện pháp bảo vệ trẻ an toàn, đạt hiệu quả cao, tiết kiệm được chi phí điều trị ho gà. Vaccine có thành phần ho gà nay đã được kết hợp trong vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1, chỉ định sớm cho trẻ từ đủ 2 tháng tuổi.
Trong đó, vaccine 6 trong 1 tiêm dịch vụ là vaccine phòng được nhiều bệnh nhất trong cùng một mũi tiêm cho trẻ. Đặc biệt, thành phần ho gà trong vaccine 6 trong 1 là ho gà vô bào, giúp vaccine có ít phản ứng phụ, giảm các phản ứng sau tiêm như sốt đau cũng như giảm cảm giác khó chịu khi tiêm.
Vaccine còn giúp phòng thêm các bệnh nguy hiểm khác như bạch hầu, bại liệt, Hib, uốn ván, viêm gan B. Cụ thể, bạch hầu vừa gây nhiễm trùng, vừa nhiễm độc, dễ tắt đường thở do lớp giả mạc trắng ở hầu họng và gặp các biến chứng tim, thận. Hib là một trong các tác nhân hàng đầu gây viêm màng não và để lại các biến chứng vĩnh viễn như điếc, chậm phát triển trí tuệ. Viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và dẫn đến ung thư gan. Bại liệt có thể dẫn đến thương tật vĩnh viễn ở tay, chân, não bộ. Uốn ván có thể lây nhiễm qua bất cứ vết thương nào với tỷ lệ tử vong dao động lên đến 90% nếu phát bệnh.
Tại Việt Nam, vaccine 6 trong 1 có 2 loại: loại của Pháp ở dạng pha sẵn, loại của Bỉ sẽ qua bước pha hồi chỉnh trước khi tiêm. Hai loại vaccine đều có lịch tiêm, hiệu quả và độ an toàn như nhau. Ba mẹ hãy tham vấn bác sĩ khi đưa con đi tiêm chủng và quan trọng là cần tiêm đủ liều và đúng lịch cho con.
Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ khi đủ tháng tuổi là cách bảo vệ trẻ, chuẩn bị "tấm khiên" trước sự tấn công của ho gà cũng như các bệnh truyền nhiễm khác có nguy cơ làm gián đoạn quá trình phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.