Họ không để phí những ngày hè

Không muốn kỳ nghỉ hè trôi qua một cách vô vị, nhiều bạn trẻ đã tô điểm bằng các hoạt động thiết thực và bổ ích, đậm dấu ấn tuổi trẻ

Vốn đam mê xê dịch nên Đào Xuân Mai (21 tuổi) đã lên kế hoạch kỹ càng để thực hiện hành trình dài hơn 1.500 km (cả đi và về) cùng những người bạn chung sở thích. Mai đã trải nghiệm cung đường TP HCM - Đà Lạt - Nha Trang - Phú Yên - Quảng Nam trong 5 ngày 4 đêm bằng xe gắn máy.

Rèn bản lĩnh từ trải nghiệm

Du ngoạn giúp Mai có cơ hội cảm nhận cảnh đẹp thiên nhiên, từ đó thêm yêu con người và văn hóa Việt Nam. Những ngày rong ruổi mang đến nhiều bài học quý giá cho Mai trong việc tổ chức, sắp xếp cuộc sống và kết nối với mọi người.

Mai nhớ mãi khi đến Mũi Điện Phú Yên, điểm cực Đông của đất nước. Được ngắm nhìn ánh hoàng hôn đỏ rực khiến Mai hạnh phúc. Không chỉ tận hưởng từng khoảnh khắc một cách trọn vẹn, Mai còn tỉ mỉ lưu giữ những kỷ niệm dọc đường.

Với khao khát tích lũy vốn sống, Xuân Mai dành sự ưu tiên cho những chuyến đi phượt hơn là các tour du lịch nghỉ dưỡng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với khao khát tích lũy vốn sống, Xuân Mai dành sự ưu tiên cho những chuyến đi phượt hơn là các tour du lịch nghỉ dưỡng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với Lê Triệu Nguyên (sinh viên năm 2 Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM), mục tiêu trong hè này tiếp tục là phụng sự cộng đồng. Nguyên là một trong những chiến sĩ tham gia Chiến dịch tình nguyện hè 2024 của TP HCM. Từ khi còn học THPT, anh đã hăng hái góp sức cho Chiến dịch Hoa phượng đỏ. Lên đại học, chàng trai quê Long An tích cực tham gia đội tình nguyện viên của khoa. Anh cũng là thành viên nòng cốt trong ban tổ chức chương trình thiện nguyện "Cùng em đến trường". Ngoài phụ trách truyền thông, Nguyên còn chịu trách nhiệm vận động tài trợ, kêu gọi quyên góp và cả hoạt náo viên sự kiện khi cần. Dù bù đầu với những công việc không lương nhưng anh vẫn cảm thấy mình "lời to" bởi niềm vui được cho đi, được nâng đỡ những mảnh đời kém may mắn, đặc biệt là các em nhỏ. "Càng đồng cam cộng khổ thì tập thể càng đoàn kết. Được khoác lên mình màu áo xanh tình nguyện là niềm tự hào của tôi và bạn bè" - Nguyên bày tỏ. Danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp trường được nhận mới đây là cột mốc ghi dấu sự trưởng thành của chàng trai trẻ này.

Thoát khỏi vùng "an toàn"

Đầu năm sau, Trịnh Thị Lan Anh (quê Đồng Nai) sẽ tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị kinh doanh. Do vậy, chị đang cố gắng hoàn thiện hồ sơ cá nhân, sẵn sàng ứng tuyển công việc phù hợp cũng như thực tập toàn thời gian.

Triệu Nguyên (bìa trái) tin rằng tham gia công tác xã hội là phải chấp nhận vượt qua những khó khăn, tất cả vì mục tiêu chung. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Triệu Nguyên (bìa trái) tin rằng tham gia công tác xã hội là phải chấp nhận vượt qua những khó khăn, tất cả vì mục tiêu chung. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lan Anh cũng dành nhiều thời gian để nâng cao trình độ tiếng Anh và tập gym để rèn luyện thể chất. Từ khi xa gia đình lên thành phố theo đuổi việc học, Lan Anh đã hình thành thói quen lập kế hoạch tổng thể cho cả năm học với những mục tiêu cụ thể. Từ mùa hè năm nhất, Lan Anh chủ động thử sức qua nhiều hoạt động học thuật, nghiên cứu khoa học. Kinh nghiệm có được từ các cuộc thi là tiền đề giúp Lan Anh thêm tự tin, từ đó thuyết phục một số đồng đội vào nhóm. Họ liên tiếp đoạt giải thưởng cao khi tham gia các cuộc thi trong những dịp hè. Những thành tích ngày càng dày thêm qua các mùa hè không phải để làm đẹp CV, tạo lợi thế khi gia nhập thị trường lao động mà với Lan Anh, thật sự là lời nhắc nhở bản thân không lơ là, chủ quan mà ngày càng phải tiến bộ hơn.

Lan Anh (bìa phải) cùng đồng đội chăm chỉ “săn” các giải thưởng học thuật mỗi mùa hè. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lan Anh (bìa phải) cùng đồng đội chăm chỉ “săn” các giải thưởng học thuật mỗi mùa hè. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với Xuân Mai, hè không chỉ là dịp thư giãn sau khoảng thời gian học tập, thi cử mà còn là thời điểm lý tưởng để thoát khỏi vùng "an toàn" để khám phá bản thân qua những trải nghiệm thực tiễn. Cô cho biết: "Tôi có thêm chất liệu cuộc sống, cập nhật kiến thức mới và có thêm nhiều bạn bè. Tôi cũng dần độc lập trong suy nghĩ, biết thấu hiểu và chia sẻ hơn". Những chuyến đi đường dài cũng là cơ hội để Mai rèn giũa kỹ năng ứng phó khi gặp sự cố. Tự trang bị kỹ năng cứu thương, phòng bệnh, đầu tư cho sức khỏe, di chuyển cẩn trọng để giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng là những kết quả ban đầu.

Dự án từ thiện "Cùng em đến trường" mà Triệu Nguyên dành nhiều tâm huyết đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhà trường. Điểm đến của dự án là Bến Tre. Nguyên luôn biết ơn vì thông qua những hoạt động giàu giá trị nhân văn như vậy, anh được làm giàu tâm hồn cùng các kỹ năng thiết yếu cho cuộc sống và công việc sau này.

Nguyễn Thị Thùy Liên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ho-khong-de-phi-nhung-ngay-he-196240615210048434.htm