Nhiều việc cần làm để tăng an toàn cho trẻ em nông thôn

Tỷ lệ tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em trên địa bàn Đắk Nông có xu hướng ngày càng tăng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Do vậy, việc bảo vệ, bảo đảm an toàn cho trẻ em khu vực nông thôn đang là một trong những mối lo của Đắk Nông.

Thường trực nguy cơ TNTT

Mặc dù Đắk Nông đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư hạ tầng, kéo dần khoảng cách giữa khu vực nông thôn và trung tâm nhưng hiện tại, đa số vùng nông thôn, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Cơ sở vật chất, khu vui chơi dành cho trẻ em chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều hộ gia đình cận nghèo, hộ nghèo, thu nhập thấp, chất lượng cuộc sống không bảo đảm nên trẻ em chưa được quan tâm đúng mức. Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn, địa hình đồi núi, ao hồ nhiều… nên nguy cơ TNTT ở trẻ em luôn thường trực xảy ra.

Theo Sở LĐ-TB&XH, 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 56 vụ trẻ em bị TNTT làm 33 trẻ bị thương, 23 trẻ tử vong. Trong số này, có 19 vụ tai nạn đuối nước làm 22 trẻ tử vong; 1 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông. Số trẻ bị tử vong do đuối nước chủ yếu ở khu vực nông thôn. Trong đó, một số huyện có tỷ lệ trẻ em tử vong do TNTT như Đắk Glong, Tuy Đức, Cư Jút. Thậm chí, những vùng nông thôn (các xã Đắk Nia, Đắk R’moan và phường Quảng Thành) ở TP. Gia Nghĩa, TNTT dẫn đến tử vong ở trẻ em vẫn thường xuyên xảy ra.

Mặc dù đã 2 năm trôi qua nhưng anh Hạng A Hoa, dân tộc Mông, thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa vẫn đau đớn khi nhắc đến người con trai học lớp 1 của mình bị tử vong do đuối nước. Rơm rớm nước mắt, anh Hoa kể lại, hè năm học 2021-2022, hai vợ chồng tôi đi rẫy cách nhà khoảng 7km bẻ chồi cà phê, để con trai mới học xong lớp 1 ở nhà một mình. Cháu tự đi tìm các bạn nhỏ cùng lứa tuổi trong thôn, sau đó mấy đứa rủ nhau đi chơi trên bờ ao gần nhà. Con của tôi không may, trượt chân rớt xuống ao, mà các cháu đi cùng đều rất nhỏ nên không biết về báo cho những người lớn đến cứu. Chiều tối, hai vợ chồng tôi về đến nhà, không thấy con ở đâu mới đi tìm, và hỏi các gia đình hàng xóm thì nghe một đứa trẻ nói: hồi chiều chúng cháu chơi ở bờ ao, thấy Bi (tên con trai anh Hoa) xuống ao tắm và không lên bờ nữa nên chúng cháu mới về nhà. Nghe vậy, tôi gọi thêm vài người nữa đi tìm thì con của tôi đã đuối nước từ khi nào rồi.

“Giá như vợ chồng tôi đưa theo con cùng lên rẫy thì chắc chắn sẽ không xảy ra sự việc đau lòng này. Giá như tôi gửi cháu cho người thân thì cháu sẽ không “bỏ” tôi đi. Tôi rất đau buồn và thật sự ân hận”, anh Hoa uất nghẹn.

Ao nước tại thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia (TP. Gia Nghĩa), nơi con của anh Hạng A Hoa bị tử vong do đuối nước

Ao nước tại thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia (TP. Gia Nghĩa), nơi con của anh Hạng A Hoa bị tử vong do đuối nước

“Giá như…” có lẽ là từ mà nhiều bậc cha mẹ ở khu vực nông thôn thường hay nói khi con trẻ của mình xảy ra TNTT dẫn đến tử vong. Trường hợp của gia đình chị S. và gia đình ông C ở thôn 8, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong cũng tương tự. Vào ngày 13/5/2024, mải đi làm cả ngày, đến chiều tối, chị S mới về đến nhà và không thấy con gái L.T.H (SN 2017) ở nhà mới tá hỏa đi tìm. Khi sang nhà ông C, hàng xóm phát hiện con của chị và cháu T.T.B.T (SN 2017) là con của ông C đã bị tử vong dưới ao nhà ông C. UBND xã Quảng Hòa xác nhận, do thời tiết nắng nóng nên 2 cháu bé đã rủ nhau đi tắm ao ở gần nhà thì xảy ra chuyện chẳng lành. Gia đình các cháu bị tử vong do đuối nước đều thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn của xã.

Còn nhiều khó khăn trong bảo vệ trẻ em nông thôn

Chăm sóc, bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ của toàn xã hội. Đắk Nông cũng đã có nhiều nỗ lực trong bảo vệ trẻ em, nhất là khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, do nguồn lực của tỉnh, các địa phương còn hạn chế cộng với nhiều nguyên nhân khách quan nên việc chăm lo, bảo vệ an toàn cho trẻ em vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Điều này tạo nên niềm trăn trở trong toàn xã hội.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Đức chia sẻ, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành trên địa bàn huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Quá trình vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em ở một số xã vẫn chưa thực sự được quan tâm. Nhận thức và sự quan tâm của gia đình và xã hội đối với việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em chưa cao, nhất là đối với công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, phòng, chống tai nạn thương tích và xâm hại ở trẻ em.

Tại vùng đồng bào DTTS thường xuyên gặp trẻ em đi chơi, đi câu cá, tắm suối. (Ảnh: Các học sinh tiểu học người Mông ở thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa rủ nhau đi tắm suối về ngày 19/6/2024)

Tại vùng đồng bào DTTS thường xuyên gặp trẻ em đi chơi, đi câu cá, tắm suối. (Ảnh: Các học sinh tiểu học người Mông ở thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa rủ nhau đi tắm suối về ngày 19/6/2024)

Còn theo bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện
Đắk Glong, trên địa bàn huyện, các điểm vui chơi chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ em. Các dịch vụ xã hội dành cho trẻ em còn hạn chế. Kinh phí cho công tác trẻ em còn hạn chế, chưa vận động được các nguồn xã hội hóa. Các gia đình vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS, điều kiện kinh tế còn khó khăn, không đủ thời gian, tiền bạc để chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Theo đánh giá của các ngành liên quan như công an, LĐ-TB&XH, VH-TT&DL, GD&ĐT…, sở dĩ, tình trạng TNTT trẻ em ở vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra, chủ yếu là do thiếu sự quan tâm, chú ý, giám sát của người lớn. Ngoài ra, nhận thức an toàn cho con trẻ của không ít phụ huynh vùng nông thôn cũng còn hạn chế, chưa lường hết được những nguy hiểm sẽ đến với con mình khi không có sự chú ý, giám sát của người lớn…

Trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong hào hứng tham gia hoạt động hè do các cấp đoàn địa phương tổ chức

Trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong hào hứng tham gia hoạt động hè do các cấp đoàn địa phương tổ chức

Tại các vùng đồng bào DTTS, vùng nông thôn, do cha mẹ bận đi làm nương rẫy từ sáng sớm đến tối, thậm chí đi vài ngày mới về nhà. Khi cha mẹ đi rẫy để các con ở nhà không có người lớn trông coi. Các cháu ở nhà không có sân chơi nên thường tìm đến các sông, suối, ao, hồ gần nhà để câu cá và tắm mát dẫn đến tai nạn đuối nước, nhất là các em nhỏ từ 5 đến 10 tuổi. Thậm chí, nhiều cháu nhỏ tự ý lấy xe gắn máy phân khối lớn để đi, dẫn đến tai nạn giao thông, nhiều trường hợp bị tử vong. Không có người lớn chăm sóc, giám sát, bảo vệ, trẻ em vùng nông thôn cũng dễ bị TNTT bởi bỏng nước sôi, điện giật, động vật cắn…

Ông Phan Văn Quốc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắk Nông trăn trở: TNTT ở trẻ em luôn là vấn đề đau đáu ở những người lớn và cả xã hội, bởi nó trực tiếp để lại nỗi đau cho các em, các bậc cha mẹ và người thân. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ là do sự chủ quan của phụ huynh cũng như tình trạng thiếu sân chơi an toàn cho trẻ, nhất là trẻ em ở vùng nông thôn và vùng DTTS. TNTT luôn tiềm ẩn nguy cơ và xảy ra bất cứ lúc nào đối với trẻ em. Bởi vậy, để giảm thiểu TNTT, một mặt chúng ta cần phải tăng cường hơn nữa các biện pháp tuyên truyền đối với phụ huynh và các em học sinh. Mặt khác, mỗi ngành, mỗi địa phương cần thật sự quan tâm hơn đến công tác này, để không còn xảy ra những vụ việc đau lòng đối với các em, thế hệ tương lai của đất nước.

Quốc Sỹ-A Trư

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/nhieu-viec-can-lam-de-tang-an-toan-cho-tre-em-nong-thon-218316.html