Hồ sơ mật: Tình báo Đức quốc xã bị lừa thế nào trong chiến dịch đổ bộ D-Day? – Phần 1
Hồ sơ mật: Trong Chiến tranh thế giới thứ hai (Thế chiến II), một điệp viên tình báo Anh đã cho phe Đức quốc xã 'ăn trái đắng' liên quan sự kiện D-Day, hay còn được biết là Chiến dịch đổ bộ Normandy ở Pháp.
Ai là người tạo ra cú lừa lịch sử và làm thế nào để nhân vật này tạo ra một trong những chiến dịch đánh lừa “ảo diệu” nhất trong lịch sử tình báo thế giới? Câu trả lời có trong loạt bài 2 kỳ: "Tình báo Đức quốc xã bị lừa thế nào trong chiến dịch đổ bộ D-Day".
Con đường trở thành điệp viên
Juan Pujol Garcia sinh năm 1912 tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Biến cố xảy ra với gia đình ông khi cuộc nội chiến Tây Ban Nha nổ ra năm 1936. Cả mẹ và em gái ông đều bị bắt và bị buộc tội phản cách mạng. Juan Pujol Garcia cũng được triệu tập để phục vụ cho Đảng Cộng hòa, nhưng bản thân ông luôn phản đối chính quyền Cộng hòa do họ đã đối xử bất công đối với gia đình mình.
Tháng 9-1938, Juan Pujol Garcia gia nhập lực lượng phát xít. Trong thời gian này, chính ông cũng từng bị đánh đập và bỏ tù. Những điều đó đã khiến ông trở nên căm ghét chế độ độc tài chuyên chế phát xít. Vì vậy, Juan Pujol Garcia quyết định hợp tác và phục vụ cho tình báo Anh trên tinh thần tự nguyện trước sự bất mãn với chế độ phát xít Đức.
“Đi đường vòng”
Để tạo được niềm tin và trở thành cộng sự của tình báo Anh, Juan Pujol Garcia lên kế hoạch vô cùng kỹ lưỡng và công phu. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Juan Pujol Garcia chủ động liên lạc với cơ quan tình báo xứ sở sương mù đề nghị sẽ làm gián điệp cho họ chống lại phát xít Đức nhưng không được chấp nhận.
Năm 1941, Juan Pujol Garcia 3 lần bắt liên lạc với cơ quan đại diện ngoại giao của Anh ở Madrid và thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, và cả 3 lần phía London đều từ chối tiếp. Dẫu vậy, ông vẫn không từ bỏ. Nhận thấy trực tiếp xin hợp tác với tình báo Anh là bất khả thi, ông đã có quyết định táo bạo là thâm nhập vào cơ quan gián điệp hàng đầu của chế độ Đức quốc xã (Abwehr). Khác những lần bị tình báo Anh khước từ trước đó, lần này Juan Pujol Garcia đã không gặp trở ngại nào trong việc tiếp xúc với bộ phận tình báo của phát xít Đức ở Madrid. Với kế hoạch kỹ lưỡng, ông tạo câu chuyện giả khéo léo và đầy thuyết phục trong vai một quan chức của chính quyền Tây Ban Nha có tư tưởng ủng hộ phát xít, đang trên đường đến London trong một chuyến công cán cho chính phủ và muốn cộng tác với tình báo Đức quốc xã. Ông đã nhanh chóng khiến Berlin tin tưởng và lập tức chấp thuận lời đề nghị của ông.
Mạng lưới điệp viên “trong tưởng tượng”
Sau một thời gian được cử đi đào tạo các khóa huấn luyện ngắn hạn, tình báo Đức quốc xã đã giao nhiệm vụ cho Juan Pujol Garcia xây dựng một mạng lưới gián điệp để thu thập các tin tức về quân đội Anh theo yêu cầu của phát xít Đức. Theo chỉ đạo, Juan Pujol Garcia sẽ sang Anh để thực hiện nhiệm vụ nhưng ông lại đến Bồ Đào Nha và bắt đầu xây dựng một mạng lưới điệp viên do mình tự tưởng tượng ra.
Tại Bồ Đào Nha, ông tích cực theo dõi tin tức, xem các thước phim, đọc sách báo, tạp chí, tài liệu liên quan đến Anh, đặc biệt liên quan đến quân đội nước này. Sau đó, ông tự tổng hợp, xử lý và viết ra các báo cáo với những tin tức đắt giá như thể chúng được gửi về từ London và bởi một mạng lưới các điệp viên cung cấp tin tức. Tình báo Đức quốc xã không mảy may nghi ngờ về hoạt động của mạng lưới điệp viên ảo này. Juan Pujol Garcia xây dựng mạng lưới 27 điệp viên do mình “tự nghĩ ra” với những bộ lý lịch hoàn hảo. Trong số này có những nhân vật như: Một người Venezuela sống ở Glasgow, một trung sĩ trong quân đội Mỹ, một người xứ Wales theo đường lối dân tộc chủ nghĩa chỉ huy nhóm người ủng hộ chủ nghĩa phát xít có tên gọi là “Những người anh em vì một trật tự thế giới của người Arian” ở Swansea…
Việc liên lạc giữa Juan Pujol Garcia với đại diện của phát xít Đức ở Madrid được thực hiện qua các lá thư viết tay gửi đến một địa chỉ ở Lisbon do tình báo Đức quốc xã chỉ định. Những lá thư này trông vẻ ngoài không có gì đặc biệt nhưng chúng lại chứa đựng những nội dung mật đã được mã hóa. Trong thời gian duy trì mạng lưới điệp viên ảo, Juan Pujol Garcia đã viết tổng cộng 315 thư, trung bình mỗi lá dài 2.000 từ. Ông luôn tỏ ra là một người thích dài dòng, một tên phát xít cuồng tín, sẵn sàng hy sinh vì “trật tự thế giới mới” của phát xít Đức.
Thời cơ kết nối chín muồi
Sau khi tạo được niềm tin và những “cống hiến” đáng kể với tình báo Đức quốc xã, tháng 4-1942, Juan Pujol Garcia quyết định bắt liên lạc với cơ quan tình báo nội địa Anh (MI5). Và lần này, đề nghị hợp tác của Juan Pujol Garcia được MI5 chú ý tới. Với những chứng cứ đưa ra có tính thuyết phục cao và trải qua quá trình điều tra, theo dõi, tình báo Anh nhận thấy không thể để tuột mất “viên ngọc quý” này nữa. Tình báo Anh vô cùng bất ngờ với khả năng diễn xuất “lộng giả thành chân” đánh lừa được cả Abwehr của phát xít Đức.
Không lâu sau, vào ngày 24-4-1942, Juan Pujol Garcia đã được tình báo Anh tuyển dụng với mật danh Garbo (sau là Greta Garbo). Sau khi chiêu mộ, tình báo Anh chỉ đạo ông tiếp tục tạo niềm tin đối với phía Đức quốc xã, để khi có thời cơ, quân đồng minh sẽ ra một đòn bất ngờ đối với phát xít Đức nhằm tạo bước ngoặt trong cuộc chiến tranh đang ở giai đoạn khốc liệt.
Dưới sự giúp sức của tình báo Anh, mạng lưới điệp viên ảo của Juan Pujol Garcia ngày càng “bơm” nhiều tin giả đa dạng, phong phú cho phía tình báo Đức quốc xã. Ông khiến tình báo Đức quốc xã tin tưởng mạng lưới điệp viên ảo này đến mức họ nhận thấy lượng tin tức từ mạng lưới này đã quá đủ và giá trị, không cần tiến hành thêm hoạt động tình báo nào khác ở Anh.
Trong chiến dịch đổ bộ mang tên “Ngọn đuốc” (Operation Torch) diễn ra ở khu vực Bắc Phi phối hợp giữa Anh và Mỹ từ ngày 8 đến 16-11-1942, Juan Pujol Garcia đã gửi một báo cáo từ Clyde (Scotland) cho quân Đức quốc xã cho biết một đoàn tàu chiến và tàu chở quân của Anh đã rời khỏi cảng, được ngụy trang theo kiểu riêng của vùng Địa Trung Hải. Tin tức này được gửi qua thư theo đường hàng không và được đóng dấu bưu điện ngay trước khi diễn ra cuộc đổ bộ nên dù có nhận được thư thì Bộ Chỉ huy tối cao quân đội phát xít Đức cũng không có đủ thời gian trở tay. Nội dung thông tin này hoàn toàn chính xác, nhưng xét về mặt tác chiến thì nó lại hầu như không có giá trị gì vì bức thư được gửi đi quá trễ. Tuy vậy, giới tình báo Đức vẫn cảm thấy rất vui mừng vì dẫu sao, đó cũng là một thông tin chính xác mà họ đã nhận được từ Juan Pujol Garcia.
Trong thư phúc đáp của phía Đức quốc xã gửi cho Juan Pujol Garcia có đoạn: “Chúng tôi lấy làm tiếc bởi lá thư đến quá muộn, nhưng báo cáo của anh thật có ý nghĩa”. Uy tín của mạng lưới điệp viên ảo của Juan Pujol Garcia vì thế mà được nâng lên rõ rệt.
(còn nữa)
Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự - chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.
MINH ANH (tổng hợp từ The Times, Dailymail, History)