Hò Sông Mã xứ Thanh - Thanh âm từ mạch nguồn sông nước và ký ức văn hóa
'Hò' là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian truyền khẩu bắt nguồn từ đời sống lao động và sinh hoạt thực tiễn của người dân. Từ mạch nguồn ấy, 'Hò Sông Mã' ra đời – một loại hò độc đáo gắn với vùng sông nước Hà Trung, xứ Thanh.
Đã từ lâu, người dân nơi đây sử dụng những con thuyền nan, thuyền gỗ - gọi là đò - để hàng ngày ngược xuôi trên dòng sông Lèn, chở khách và hàng hóa buôn bán, mưu sinh. “Hò Sông Mã” vì thế trở thành âm thanh đặc trưng vang lên giữa sóng nước, bắt đầu từ cầu Hàm Rồng theo dòng sông Mã, ngược lên đền Hàn Sơn - Ba Bông rồi xuôi về Đò Lèn (nhánh hạ lưu của sông Mã đoạn chảy qua các xã Hà Sơn, Hà Ngọc, Hà Phong, Hà Lâm, Hà Phú, Hà Hải, Hà Toại của huyện Hà Trung cũ, rồi qua huyện Nga Sơn đổ ra biển cả).
Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ với Câu lạc bộ Hò sông Mã Thị trấn Hà Trung, Thanh Hóa
Trong không gian mênh mang của đất trời, sông nước, hoa lá và cỏ cây, những khoảnh khắc lãng mạn bất chợt xâm chiếm tâm hồn người lái đò trong hành trình mưu sinh “đi ngược về xuôi” đã khơi dậy cảm xúc, khiến họ cao hứng cất lên giọng hò mộc mạc: “Trên Ba Bông, dưới thác, giữa Hàn/ Mình em phận gái biết làm sao đây?”
Câu hò trên gợi mở địa danh gắn liền với những địa điểm linh thiêng và ghi dấu trong tâm thức người dân. “Trên Ba Bông” là vị trí tọa lạc của đền thờ Cô Ba - Cô Bơ, nơi hợp lưu của ba dòng sông lớn: sông Mã, sông Chu, sông Bưởi. Từ đây hình thành giai thoại dân gian “nơi con gà gáy, cả năm huyện đều nghe” - vì nơi này là điểm giáp ranh của các huyện Hà Trung, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Hậu Lộc và Thiệu Hóa (cũ).
Còn “Dưới thác, giữa Hàn” ý chỉ đoạn từ ngã ba Ba Bông xuôi hơn một cây số về phía cầu Đò Lèn, sẽ đến đền Hàn - nơi thờ Đức Ông Lê Thọ Vực, vị tướng tài thời Hậu Lê. Đền Hàn Sơn được trùng tu khang trang, chênh vênh bên sườn núi, chiều chiều soi bóng xuống dòng sông Lèn óng ánh như dải lụa bạc. Vào mùa mưa, nước sông xiết, cuộn xoáy vào những phiến đá lớn dưới đáy, tung bọt trắng xóa – dân gian gọi là “thác Hàn”.
Một trong những làn điệu thường gặp trong Hò Sông Mã là hò “làn văn” - nghĩa là hát văn, hầu bóng. Đây là một nét văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt, đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những làn điệu mượt mà, lúc khoan thai, lúc dồn dập, lúc trầm lúc bổng, kết hợp với ngôn ngữ hình thể, trang phục, đạo cụ của cung văn, hầu đồng... đã gieo vào lòng người nghe những cảm xúc bâng khuâng, chơi vơi. Chính vì vậy, hò “làn văn” thường được cất lên khi đò đi qua các đền phủ nổi tiếng dọc sông, như một cách kết nối âm nhạc dân gian với tâm linh bản địa.
Vào những năm 1945, sông Lèn đoạn qua huyện Hà Trung (cũ) từng là huyết mạch giao thương với nhu cầu đi lại, buôn bán phát triển mạnh. Khi đó, có năm bến đò được hình thành gồm: bến Chiềng (huyện Yên Định cũ), bến Gũ (nay thuộc xã Lĩnh Toại), và sáu con đò dọc thường xuyên hoạt động. Đây là những tụ điểm kinh tế, đầu mối giao thương thu hút sản vật từ hai bờ tả ngạn – hữu ngạn. Bến Chiềng, bến Gũ cùng các chợ quê như chợ Lèn, chợ Chiềng, chợ Quéo… luôn tấp nập kẻ bán người mua. Mỗi chợ họp sáu phiên mỗi tháng, luân phiên giữa các ngày. Cách chợ Chiềng khoảng sáu, bảy cây số là chợ phủ Hà Trung – một trung tâm thương mại sầm uất của các huyện Tống Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn (thuộc phủ Hà Trung xưa).
Về phía tây nam bến Chiềng là các bến đò ngang như Cựu Giáp, Kẻ Nước, Tứ Mẩy… nối huyện Hà Trung với các huyện lân cận như Hoằng Hóa, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc. Bến đò Gũ, hay còn gọi là bến chợ Gũ, cũng là chợ lớn trong vùng, phục vụ cả khu vực Nga Sơn, Hậu Lộc. Chợ họp 5 ngày hai phiên, bày bán phong phú các mặt hàng: từ nông, lâm, thủy, hải sản cho đến hàng tạp hóa, đồ công nghệ, mây tre đan, kẹo bánh…
Những chuyến đò dọc trên sông Lèn không chỉ chuyên chở hàng hóa từ miền xuôi lên vùng cao – như tằm tơ, lụa là, gạo gạo, muối mắm – mà khi trở về lại mang theo sản vật vùng rừng núi để phục vụ dân miền xuôi. Đồng thời, đò còn chở khách đi xa, về gần, tìm đất mưu sinh hay thăm hỏi người thân, bạn bè.
Tiếng hò vang lên trên những chuyến đò dọc sông Lèn cũng mang âm hưởng đặc trưng của hò Sông Mã – với giai điệu, tiết tấu, nhịp điệu khỏe khoắn, vui tươi: “Dô khoan… dô huầy”. Tuy nhiên, trình tự, tên gọi, cách thể hiện các làn điệu, vũ điệu có sắc thái riêng biệt. Đơn cử trình tự các chặng hò trên các chuyến đò dọc từ bến Chiềng, bến Gũ như sau:
Hò Ra đò: Giới thiệu về con đò:
Thuyền tôi ván táu, song sào
Trầu ăn với quế, ngồi vào ghế mây.
Hò Rời bến: Khi con đò rời bến:
Sáng mai rời gót bến Trần
Đi ngang Đầm, Sét, Hồi Xuân xế chiều.
Hò Đò xuôi: Khi đò xuôi dòng:
Thương em đứng bụi nấp bờ
Sớm khuya vò võ trông chờ thuyền xuôi.
Lên thác xuống ghềnh: Khi vượt thác:
Lênh đênh một chiếc thuyền tình
Đôi ta lên thác xuống ghềnh có nhau.
Hò Làn văn: Khi qua đền phủ:
Trên đồi gió thổi rung cây
Dưới sông cá lặn chim bay về ngàn
Chim bay đã đến Đền Hàn
Trông lên chúa ngự ngai vàng cao cao.
Hò Sắp đến bờ:
Núi Chum, Núi Ác qua rồi
Ngưỡng Sơn, Núi Ốc đã ngồi kề bên.
Hò Cặp bến: Khi đò cập bến:
Trông vào chợ búa vui thay
Quan sang khách trọng đứng ngay Bến Chiềng…
“Hò Sông Mã” nói chung và “Hò Sông Mã” ở huyện Hà Trung (cũ) nói riêng không chỉ là di sản văn hóa dân gian quý báu mà còn là biểu tượng văn hóa, lịch sử. Nó gợi nhớ về dòng sông Lèn và cây cầu Đò Lèn - địa danh gắn với chiến thắng lịch sử Đò Lèn vang dội ngày 3-4/4/1965. Trầm tích văn hóa “Hò Sông Mã” sẽ mãi mãi là niềm tự hào của người Hà Trung - nơi cửa ngõ phía Bắc của xứ Thanh anh hùng.