Hỗ trợ các sản phẩm địa phương tham gia Chương trình OCOP
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP, gần 4 năm qua, các sở, ngành, đơn vị có liên quan và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ những sản phẩm thế mạnh, đặc trưng tham gia phát triển sản xuất và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Sau khi được công nhận, những sản phẩm này đã và đang khẳng định được vị thế, tạo sức lan tỏa lớn trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động khu vực nông thôn.
Các sản phẩm OCOP của huyện Quan Hóa được người tiêu dùng và thị trường đánh giá cao.
Thời gian qua, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố khảo sát những sản phẩm “tiền OCOP”. Từ đó, xây dựng kế hoạch để các địa phương đồng hành cùng chủ thể phát triển sản xuất theo chu trình OCOP và bổ sung, hoàn thiện những tiêu chí còn thiếu so với bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Trong quá trình triển khai thực hiện và phát triển sản phẩm OCOP ở khu vực miền núi, cán bộ Tổ quản lý Chương trình OCOP tỉnh đã sát cánh cùng các chủ thể thay đổi nhận thức cho người dân, chuẩn hóa quy trình, thay đổi kiểu dáng, nhãn mác, bổ sung một số chi tiết như ngày sản xuất, hạn sử dụng... Đồng thời, hỗ trợ chủ thể xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả; hoàn thành các thủ tục, hồ sơ tham gia chấm, đánh giá xếp hạng khi nhận thấy các sản phẩm đã đủ điều kiện phát triển sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Là một trong những huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh, song huyện Quan Hóa lại có sự hội nhập nhanh, hiệu quả đối với Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, huyện có nhiều sản phẩm đặc sản và nền văn hóa truyền thống đặc sắc có tiềm năng để phát triển thành sản phẩm OCOP. Chính vì vậy, sau khi tìm hiểu, tham khảo và xây dựng kế hoạch, năm 2020, huyện chính thức bắt tay vào thực hiện chương trình. Xác định sản phẩm bánh nhãn Hồi Xuân, măng khô, măng sợi, măng chua, vừa là sản phẩm mang giá trị văn hóa đặc sắc, vừa mang lại thu nhập cho người dân, dưới sự tư vấn, hỗ trợ sâu sát của cán bộ tổ quản lý Chương trình OCOP, chỉ sau thời gian ngắn các sản phẩm đã hoàn thiện quy trình và lần lượt được công nhận là sản phẩm OCOP chất lượng 3 sao. Bà Lê Thị Hằng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Quan Hóa, cho biết: Được sự hỗ trợ, tư vấn của Tổ quản lý Chương trình OCOP tỉnh, huyện đã “dìu dắt” 4 sản phẩm là những sản vật đặc sản của địa phương thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Có được thành công bước đầu đó, chính là sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện và sự vào cuộc tích cực của các chủ thể. Sau khi được công nhận OCOP, các sản phẩm đều được hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất, tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại nhiều hội chợ, triển lãm trong, ngoài tỉnh. Nhờ đó, quy mô sản xuất lớn hơn, doanh thu tăng 20 - 25% so với trước khi tham gia chương trình.
Tính đến tháng 4-2022, tỉnh Thanh Hóa đã có 196 sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau khi được hướng dẫn các thủ tục, nội dung, tiêu chí theo tiêu chuẩn, nhiều sản phẩm phải tham gia chấm, đánh giá nhiều lần mới đủ điều kiện xếp hạng sản phẩm OCOP. Xuyên suốt hành trình tham gia OCOP của các chủ thể, luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của địa phương về cơ chế, chính sách và sự tư vấn, hỗ trợ thủ tục của cán bộ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh.
Có thể thấy, mục tiêu của Chương trình OCOP là tổ chức tiêu thụ sản phẩm, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang thương hiệu lợi thế mỗi vùng, mỗi xã; đồng thời, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân. Do đó, để đạt được hiệu quả cao, bên cạnh sự vào cuộc tích cực, chủ động của các chủ thể, các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh và các địa phương cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể nhằm quan tâm, hỗ trợ để các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của các huyện, thị xã, thành phố “gắn sao” thành công sản phẩm OCOP.