Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đầu tư ra nước ngoài
Ngày 26-3, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị lần 2 về hợp tác số toàn cầu với chủ đề 'Cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường nước ngoài'.
Tại hội nghị, ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến hết năm 2023, cả nước có 1.720 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký 22,12 tỷ USD đầu tư sang 80 quốc gia, vùng lãnh thổ. Bên cạnh các địa bàn đầu tư truyền thống, đầu tư ra nước ngoài đang dần dịch chuyển sang các nước phát triển như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Ngoài các lĩnh vực đầu tư truyền thống, đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, các ngành có hàm lượng kỹ thuật hiện đại đang có xu hướng gia tăng đáng kể.
Đặc biệt, riêng đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đến hết năm 2023 đã ghi nhận 207 dự án với tổng vốn đăng ký 2,82 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Nếu tính số quốc gia thì đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực này đã sang 33 quốc gia. Theo số dự án, các dự án quy mô nhỏ vẫn chủ yếu tập trung vào các quốc gia Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, trong khi các dự án viễn thông có quy mô lớn hơn, tập trung vào các nước châu Phi.
Về công tác tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp công nghệ số đầu tư ra nước ngoài, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, cùng với việc tạo nền tảng và hành lang pháp lý, cũng như cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh chuyển đổi số, đơn vị này cũng đã tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài thông qua hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số hiện diện trên thị trường quốc tế.
Theo dự kiến, trong năm 2024 và 2025, hàng loạt các hoạt động do Cục Xúc tiến thương mại trực tiếp triển khai bao gồm: Triển lãm thương mại số toàn cầu lần thứ 3 tại Hàng Châu, Trung Quốc (dự kiến từ ngày 25-9 đến 29-9-2024); tổ chức các khóa đào tạo tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại tại địa phương; hoàn thiện các công cụ, nền tảng trong hệ sinh thái xúc tiến thương mại số...
Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa công tác này cũng như tăng thêm cơ hội, không gian và dư địa cho doanh nghiệp công nghệ số đầu tư ra nước ngoài mạnh mẽ hơn, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số và thương mại điện tử thông qua việc ký kết thêm các biên bản ghi nhớ với các tổ chức xúc tiến thương mại, đối tác lớn trên thế giới. Tận dụng các nguồn lực quốc tế nhằm hỗ trợ hoạt động trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực về chuyển đổi số và thương mại điện tử cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin.