Hỗ trợ doanh nghiệp nông sản Việt tiếp cận thị trường Hoa Kỳ
Thị trường đầu ra luôn là một trong các bài toán lớn và khó không chỉ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa mà với cả các doanh nghiệp lớn.
Bên lề hội thảo chuyên đề “Thâm nhập thị trường toàn cầu, trọng tâm là thị trường Hoa Kỳ”, diễn ra ngày 16/5 tại TP. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, đại diện Ban Quản lý Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về mức độ và khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp Việt.
Bà Thủy cho biết, hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có nhiều điểm hạn chế mang tính chất bản chất như: Thiếu về kỹ năng quản lý, trình độ công nghệ, năng lực tài chính… Vì thế, họ không có khả năng huy động được nguồn tài chính lớn, đa dạng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, họ thiếu thông tin cũng như sự tiếp nhận hỗ trợ của Nhà nước hay các dự án/ chương trình hỗ trợ từ các tổ chức khác.
“Có một đặc điểm chung nữa là doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có tinh thần học hỏi nhưng lại không bài bản. Chẳng hạn nghe có hội này, hội thảo kia sẽ muốn tham gia nhưng việc họ theo đuổi đến cùng học tập để áp dụng lại không đến nơi đến chốn. Điều này một phần cũng do quy mô quá nhỏ nên cấu trúc linh hoạt, một người làm rất nhiều việc, dẫn đến làm việc gì cũng không chuyên tâm, kéo theo đó là sự bài bản trong chiến lược kinh doanh đang bị thiếu”- bà Thủy nói.
Dù vậy, theo bà Thủy, gần đây các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã nhận thức rất rõ về các cơ hội và nắm bắt để chủ động cho kế hoạch kinh doanh hoặc chiến lược phát triển lâu dài. “Nhiều doanh nghiệp khẳng định nếu để phát triển bình thường hiện nay sẽ không ảnh hưởng gì nhưng họ cũng hiểu rằng nếu không chuyển mình thì về lâu về dài sẽ không thể nào phát triển bền vững được”- bà Thủy nhấn mạnh.
Cũng theo bà Thủy, câu chuyện xuất khẩu tương tự như vậy, nhiều doanh nghiệp mong muốn mở rộng thị trường, đưa sản phẩm ra thế giới song lại không biết phải bắt đầu từ đâu. Cái họ thiếu hiện nay là một chiến lược, giúp họ định hướng được khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải đáp ứng tiêu chuẩn nào, xin ở đâu, cơ quan nào có thể cấp… Và để làm được phải có một đơn vị tư vấn, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thông tin một cách tốt nhất.
Bởi trên thực tế, thị trường đầu ra luôn là một trong các bài toán lớn và khó không chỉ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa mà với cả các doanh nghiệp lớn. Đặc biệt với các thị trường cao cấp như Hoa Kỳ, châu Âu thì việc đưa được sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào các thị trường này luôn là mục tiêu hướng tới của các doanh nghiệp Việt Nam. Với các mô hình kinh doanh truyền thống, việc tiếp cận thị trường quốc tế đòi hỏi nhiều nỗ lực của doanh nghiệp.
Do vậy trong 2 ngày 15-16/5 tại TP. Hồ Chí Minh, Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Cục Phát triển Doanh nghiệp/Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chủ dự án đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Thâm nhập thị trường toàn cầu, trọng tâm là thị trường Hoa Kỳ”.
Hội thảo mang lại cho các doanh nghiệp những thông tin, kiến thức về cơ hội mở rộng thị trường các mặt hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam tại Hoa Kỳ; các yêu cầu về chứng chỉ, chứng nhận doanh nghiệp Việt Nam cần có nếu muốn thâm nhập thị trường này. Bên cạnh đó, phần chia sẻ đến từ các sàn thương mại điện tử uy tín như Amazon, các chuyên gia tư vấn về thị trường, các doanh nghiệp đã có những bước đầu triển khai thành công hành trình xuất khẩu của mình và đặc biệt là chia sẻ từ bà Brooke Rocketine - Cơ quan kiểm dịch động thực vật - Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA APHIS) sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ thực tiễn, qua đó có sự chuẩn bị tốt hơn cho doanh nghiệp mình khi xây dựng kế hoạch kinh doanh và chiến lược xuất khẩu.
Theo đơn vị tổ chức, đây là hội thảo đầu tiên được tổ chức trong chuỗi hội thảo chuyên đề “Thâm nhập thị trường toàn cầu”. Các hội thảo tiếp theo sẽ tiếp tục diễn ra trên phạm vi toàn quốc trong năm 2024 với những nội dung trọng tâm hướng tới thị trường mục tiêu, ngành hàng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của doanh nghiệp địa phương.