Hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc chuyển đổi xanh

Là quốc gia đang ở trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế, nhưng Việt Nam cũng đang đối mặt với áp lực từ các vấn đề biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang trở thành những yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay bởi mang lại nhiều lợi ích quan trọng...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại Diễn đàn Quản trị cấp cao Việt Nam - Singapore (VSBF) 2024 diễn ra mới đây, bà Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc VSBF, cho rằng trước bối cảnh chuyển dịch xanh đang diễn ra “như vũ bão” trên khắp thế giới, những doanh nghiệp tiên phong sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng thị phần và khả năng giữ chân khách hàng, đối tác.

Đồng quan điểm, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), nêu rõ: thông qua việc áp dụng các biện pháp bền vững, doanh nghiệp có thể thúc đẩy thay đổi trong toàn bộ chuỗi giá trị của mình và hệ sinh thái.

NHỮNG KHOẢN CHI KHÔNG HỀ RẺ

Tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (TP.HCM), Công ty TNHH Giấy Xuân Mai là một doanh nghiệp đi đầu trong việc áp dụng mô hình sản xuất kinh tế tuần hoàn. Nhiều năm qua, công ty này đã đầu tư hệ thống lọc đĩa để thu hồi bột và tái sử dụng nước; hệ thống lò hơi tầng sôi, biến toàn bộ rác thải đầu ra của ngành sản xuất giấy thành nguyên liệu đốt đầu vào của lò hơi. Công ty cũng vận hành dây chuyền thu gom giấy vụn từ các nhà máy có phát sinh loại này để tái chế thành giấy cuộn, giấy vệ sinh… đạt tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, châu Âu.

Ông Lương Như Huỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Giấy Xuân Mai, cho biết với việc lắp đặt hệ thống mới, phần nước thải còn lại được tái sử dụng để phục vụ sản xuất. Theo ông Huỳnh, chính phế phẩm, thải loại trong quá trình sản xuất đã được xử lý tái chế bằng công nghệ phù hợp cũng tạo ra nguồn năng lượng phục vụ sản xuất, đồng thời giảm phát thải ra môi trường. Công ty nhận thức rằng chính đòi hỏi của đối tác về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm là điều kiện bắt buộc doanh nghiệp “phải sản xuất xanh hơn”.

Tương tự, tại Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Haesung Vina (Khu công nghiệp Khai Quang) hướng tới sản xuất xanh từ việc sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, tăng cường tái chế, hạn chế ô nhiễm và chất thải trong các quy trình sản xuất. Đồng thời thay thế bóng đèn huỳnh quang bằng các bóng đèn led, lắp đặt biến tần cho hệ thống máy nén khí, lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên diện tích mái nhà xưởng để phục vụ sản xuất,… qua đó, góp phần tiết kiệm được khoảng 500.000 kw điện/năm, giảm thiểu chi phí vận hành và lượng phát thải khí nhà kính.

Thông qua việc áp dụng các biện pháp bền vững, doanh nghiệp có thể thúc đẩy thay đổi trong toàn bộ chuỗi giá trị của mình và hệ sinh thái.

Thông qua việc áp dụng các biện pháp bền vững, doanh nghiệp có thể thúc đẩy thay đổi trong toàn bộ chuỗi giá trị của mình và hệ sinh thái.

Tại Thái Bình, Công ty Tân Đệ cũng xác định phải xây dựng nền tảng phát triển xanh, bền vững ngay từ khâu quy hoạch, thiết kế, sử dụng năng lượng. Ông Nguyễn Tiến Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Tân Đệ, cho biết: “Để tiết kiệm điện, công ty chúng tôi sử dụng hệ thống tấm lợp mái Skyline lấy ánh sáng, 4 mặt tường bằng kính để tận dụng ánh sáng tự nhiên, cửa mang cá lấy gió trời, sử dụng máy móc, thiết bị tiết kiệm điện cảm biến tắt, bật điện tự động theo ánh sáng tự nhiên...”.

Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp cũng chia sẻ rằng khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi xanh hiện nay là nhận thức, nguồn tài chính và nguồn lực về con người. Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jeans, cho biết để bắt nhịp với xu thế chung của thế giới, công ty phải đầu tư máy móc, chuyển đổi sản xuất xanh và đầu tư công nghệ. “Muốn đầu tư dây chuyền sản xuất dệt may tự động, doanh nghiệp chỉ cần chi khoảng 1 triệu USD. Thế nhưng cũng quy mô hay công suất đó, nếu đầu tư dây chuyền sản xuất tiêu chuẩn Eco-tech, vốn đầu tư đòi hỏi phải tăng lên đến 12 lần”, ông Việt tiết lộ. Ông Việt cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến cho doanh nghiệp Việt "hụt hơi” trong cuộc đua chuyển đổi xanh.

Đồng tình, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Dệt may Thành Công, cho biết hầu hết doanh nghiệp đều nhận thức được vấn đề phát triển bền vững cũng như cảm nhận rõ rệt sự thay đổi rất lớn từ phía khách hàng về tiêu chuẩn môi trường, đặc biệt là thị trường châu Âu. Tuy nhiên, giữa bối cảnh kinh tế khó khăn, việc vừa phải lo tạo ra doanh thu, vừa đầu tư cho mục tiêu xanh hóa tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp, bởi các khoản chi phí liên quan đến môi trường không hề rẻ. “Khách hàng yêu cầu doanh nghiệp xanh và sạch hơn, nhưng lại không muốn bị tăng giá, dẫn tới ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp”, ông Tùng chia sẻ.

Kết quả khảo sát doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Báo cáo Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 cho thấy mức chi đầu tư để “xanh hóa” của doanh nghiệp được thể hiện qua phần trăm chi phí doanh nghiệp đã bỏ ra để thực hiện các hoạt động này trên tổng chi phí vận hành. Mức chi càng lớn có nghĩa là doanh nghiệp càng coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường so với các hoạt động khác của doanh nghiệp...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 24-2024 phát hành ngày 10/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Lưu Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ho-tro-doanh-nghiep-tang-toc-chuyen-doi-xanh.htm