Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng các thông tin pháp lý
Nhằm kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh đúng theo quy định pháp luật, góp phần hạn chế rủi ro về mặt pháp lý, nhiều địa phương đã sớm ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2023.
Thời gian qua, thực hiện Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Nghị định số 55 của Chính phủ, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành các kế hoạch, quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV trên địa bàn tỉnh như: chính sách hỗ trợ thủ tục hành chính; hỗ trợ miễn phí tư vấn pháp luật tại các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh...
Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV. Hiện nay, 100% các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh ban hành đều được cập nhật kịp thời trên cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật. Các chính sách, thông tin liên quan đến đầu tư đều được công bố trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Năm 2023, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng hệ thống văn bản pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đóng góp ý kiến, tham gia xây dựng pháp luật, tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật, giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh lành mạnh, tỉnh Hà Nam sẽ tập trung xây dựng, quản lý, duy trì, rà soát, cập nhật, khai thác và sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp.
Cùng với đó, biên soạn phát hành tài liệu tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; tổ chức tọa đàm, đối thoại, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng các tình huống pháp lý để DNNVV tham khảo áp dụng trong thực tiễn hoạt động….
Còn tại tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh yêu cầu hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện thực tiễn của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các hoạt động triển khai phải thực hiện đúng yêu cầu, kịp thời và có hiệu quả; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan, phân định rõ trách nhiệm theo dõi, đôn đốc để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Chủ động, kịp thời trong việc cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật; khắc phục cơ bản tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận, tìm hiểu các thông tin pháp luật có liên quan. Đặc biệt, cần huy động, khuyến khích mọi nguồn lực của tỉnh để hình thành và phát triển lực lượng tư vấn viên pháp luật; tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật, bao gồm: tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tư vấn pháp luật qua diễn đàn, đối thoại và các hoạt động tư vấn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm đảm bảo 100% đề nghị tư vấn của DNNVV được giải quyết hoặc kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Thông qua việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sẽ góp phần tạo chuyển biến về nhận thức pháp lý và tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, qua đó góp phần giúp doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh; đảm bảo tính chủ động, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Một trong những hoạt động hỗ trợ pháp lý DNNVV được tỉnh Cà Mau chú trọng trong năm 2023 đó là tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp thông qua tổ chức hội nghị đối thoại về các chuyên đề pháp lý chuyên sâu giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hiệp hội, hội doanh nghiệp, chuyên gia, người quản lý, điều hành, người phụ trách công tác pháp chế của DNNVV. Xây dựng chuyên mục Hỏi-đáp luật về đầu tư, kinh doanh trên Trang thông tin điện tử, hỗ trợ pháp lý cho DNNVV của cơ quan, đơn vị.
Tư vấn qua thư điện tử, mạng xã hội và ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thực hiện tư vấn pháp luật. Ngoài ra, trên cơ sở thông tin về mạng lưới tư vấn viên pháp luật được đăng tải trên Trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Bộ Tư pháp, doanh nghiệp lựa chọn dịch vụ tư vấn pháp luật đối với tư vấn viên pháp luật phù hợp thuộc mạng lưới tư vấn viên pháp luật theo quy định. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp và giải đáp bằng hình thức văn bản, thư điện tử, các bản tin lĩnh vực chuyên ngành, giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại, hình thức khác…