Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn sản xuất kinh doanh

Năm 2023 được dự báo là năm có rất nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng do giảm đơn hàng.

Các ngân hàng thương mại Tây Ninh tư vấn hỗ trợ khách hàng tiếp cận nhanh các chính sách vay vốn, dịch vụ của ngân hàng. Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

Các ngân hàng thương mại Tây Ninh tư vấn hỗ trợ khách hàng tiếp cận nhanh các chính sách vay vốn, dịch vụ của ngân hàng. Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

Việc các ngân hàng đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết, giảm lãi suất, cơ cấu nợ sẽ góp phần giúp doanh nghiệp trụ vững vượt qua khó khăn, sớm tiếp cận được nguồn vốn để tái sản xuất.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh Kiều Công Minh, trong quý 1/2023, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Tây Ninh là 1.176 triệu USD, đạt 16,8% so với kế hoạch năm 2023 của tỉnh, giảm 19,7% so với cùng kỳ năm 2022; Kim ngạch nhập khẩu là 1.244 triệu USD, đạt 20,2% so với kế hoạch năm 2023, giảm 10,2% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân được xác định do các doanh nghiệp xuất khẩu có số lượng đơn hàng giảm, nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn, buộc phải hoạt động cầm chừng để duy trì nguồn lao động; một số ít phải tạm dừng hoạt động.

Ông Trương Hồng Nhựt, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Tây Ninh cho biết, từ quý 4/2022, BIDV đã có dự báo trong năm 2023 sẽ có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

BIDV cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời đến khách hàng, nhằm hỗ trợ phần nào khó khăn của doanh nghiệp và người dân. Hiện nay BIDV cũng đang chờ hướng dẫn cụ thể về tái cơ cấu nợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hỗ trợ cho khách hàng có đủ điều kiện.

Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) - Chi nhánh Tây Ninh, Huỳnh Thuận Hòa cho biết, thời gian vừa qua SHB Chi nhánh Tây Ninh đã nỗ lực cho các doanh nghiệp, người dân đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận nguồn vốn sớm nhất có thể.

Nhiều doanh nghiệp vay vốn tại SHB cũng gặp không ít khó khăn, nhất là các doanh nghiệp xây dựng; tuy nhiên SHB vẫn cố gắng hỗ trợ lãi suất và duy trì mức thấp nhất nợ xấu để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Giám đốc Công ty Trách hữu hạn Huỳnh Tấn Phát TN, có trụ sở đặt trên địa bàn xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh (chuyên cung cấp thực phẩm đông lạnh, kem, nước uống đóng chai…) cho biết, việc tiếp cận nguồn vốn vay của các công ty vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện nay tuy có nới lỏng hơn so với thời điểm cuối năm 2022, nhưng vẫn còn nhiều rào cản, nhất là các công ty có nguồn doanh thu nhỏ hơn 8 tỷ đồng/năm. Hiện tại doanh nghiệp đã tiếp cận được nguồn vốn vay để tái đầu tư sản xuất kinh doanh, nhưng nguồn vốn vẫn còn bị hạn chế chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.

Ông Đặng Khánh Duy, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Nhiên, có địa chỉ trụ sở tại xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh (chuyên sản xuất các loại bánh tráng trắng siêu mỏng từ tinh bột sắn) cho biết, do nhu cầu cần nguồn vốn lớn để mở rộng quy mô sản xuất, phục vụ nhu cầu xuất khẩu và thị trường trong nước, Tân Nhiên đã mạnh dạn sử dụng nguồn vốn vay tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.

“Hiện tại Tân Nhiên đang vay vốn tại 2 ngân hàng là MB – Bank và Viettin Bank ở Tây Ninh với các thủ tục khá thuận lợi, nhanh, đáp ứng đủ số vốn cần cho đầu tư sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, khi vay nguồn vốn lớn còn được ưu đãi các chính sách về lãi suất rất tốt”, ông Đặng Khánh Duy chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Tây Ninh đánh giá, quý I/2023 hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả khá tốt, mức tăng dư nợ là 3,8% (cả nước chỉ có 2,06%); mức tăng này phù hợp với tình hình tiếp cận vốn của các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn. Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân đủ điều kiện cần vay vốn, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã không hạn chế hạn mức tăng trưởng tín dụng, cùng với quy trình, thủ tục thuận lợi nên dư nợ cho vay đạt ở mức tăng trưởng cao.

Thời gian giải ngân, giao dịch ngân hàng được rút ngắn. Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

Thời gian giải ngân, giao dịch ngân hàng được rút ngắn. Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 3/2023 đạt 89.113 tỷ đồng, tăng 3,8% so đầu năm (so với cùng kỳ năm 2022 tăng 9,5%). Lãi suất cho vay ngắn hạn trong quý I/2023 lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phổ biến ở mức 10 - 11%/ năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phổ biến ở mức 11 - 13%/ năm (giảm khoảng 0,5% so đầu năm).

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 44 tổ chức tín dụng (bao gồm 23 Chi nhánh Ngân hàng thương mại, 1 Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, 1 Chi nhánh ngân hàng Hợp tác xã, 1 Chi nhánh tổ chức tài chính vi mô và 18 Quỹ tín dụng nhân dân, với tổng cộng 127 điểm hoạt động kinh doanh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, quý 1/2023 là thời điểm còn mang tính khởi động, nên các chỉ số tăng trưởng thu hút đầu tư vẫn còn khá khiêm tốn; nhìn chung nền kinh tế đang phục hồi tích cực. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh, đang bị thu hẹp quy mô sản xuất của các doanh nghiệp trong và ngoài nước là điều đáng cần quan tâm. Vì vậy ưu tiên số 1 hiện nay là tập trung sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cũng đề nghị các địa phương, các ngành chủ động thông tin, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận nhanh, đầy đủ nhất các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã ban hành; kịp thời, có hiệu quả nhằm tháo gỡ các khó khăn đối với các thành phần kinh tế. Đẩy nhanh giải ngân vốn và phân bổ vốn đầu tư cho phục hồi phát triển kinh tế. Hỗ trợ các chính sách vay vốn thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn phục hồi sản xuất kinh doanh kịp thời.

Ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, trong quý II/2023, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, thường xuyên nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ, làm rõ thông tin, nguyên nhân các trường hợp không tiếp cận được vốn vay; xử lý, trả lời rõ ràng đối với việc cấp tín dụng cho từng trường hợp cụ thể.

Thực hiện tăng trưởng tín dụng theo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế địa phương; tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu; chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất, phí cho vay, nhất là định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế, ông Nguyễn Xuân Hiền nhấn mạnh./.

Thanh Tân/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ho-tro-doanh-nghiep-tiep-can-von-san-xuat-kinh-doanh/289049.html