Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân Thủ đô phát triển bền vững

Kinh tế Thủ đô ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc trong nửa đầu năm 2025 với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,59%, tạo nền tảng tích cực để phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 8%. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, gần 14.000 doanh nghiệp mới được thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn lên khoảng 403.000.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội, việc tinh gọn bộ máy hành chính, sắp xếp địa giới và đẩy mạnh phân cấp quản lý đang tạo ra một “hệ sinh thái thể chế” thuận lợi cho doanh nghiệp, mở rộng cơ hội tiếp cận chính sách, tài chính và hạ tầng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Nội trở thành trung tâm tài chính và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực vào năm 2030.

Trong định hướng phát triển Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung đến năm 2030 đã xác định rõ phát triển khu vực kinh tế tư nhân là một trong những trọng tâm, trong đó thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phát triển bền vững là yêu cầu then chốt. Ngành Ngân hàng được giao vai trò quan trọng trong thực thi chính sách tín dụng phù hợp với tốc độ tăng trưởng, thiết kế sản phẩm tài chính đa dạng và linh hoạt, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thực tế trong thời gian qua, nhiều chương trình tín dụng dành cho doanh nghiệp, đặc biệt là khối DNNVV, đã được các tổ chức tín dụng tích cực triển khai trên địa bàn Thủ đô.

Bà Nguyễn Bảo Thanh Vân, Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết, xác định rõ vai trò trong thực hiện các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó có Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, ngân hàng đã xây dựng các gói tín dụng chuyên biệt cho DNNVV với lãi suất từ 5%/năm - thấp hơn mặt bằng lãi suất thị trường, đồng thời triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phi tài chính như tập huấn về thuế, quản trị tài chính nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Quốc Huy, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh khu vực 1, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, NHNN khu vực 1 cùng các TCTD trên địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, quận, huyện trong triển khai các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng dư nợ cho vay đối với DNNVV trên địa bàn thành phố đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cuối năm 2024. Lãi suất cho vay đối với nhiều lĩnh vực tiếp tục được điều chỉnh giảm. Các ngân hàng đã chủ động tiết giảm chi phí, đơn giản hóa quy trình, ứng dụng công nghệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Hiện, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 3,9%/năm - thấp hơn trần quy định của NHNN. Lãi suất các khoản vay thương mại phổ biến trong khoảng 6,6 - 8,9%/năm.

Song song với đó, ngành Ngân hàng cũng tích cực phối hợp triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi như: tín dụng nhà ở xã hội, tín dụng nông nghiệp, hỗ trợ kinh tế tập thể và hợp tác xã, tín dụng cho doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo… Đặc biệt, Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tiếp tục được triển khai sâu rộng với tổng dư nợ theo chương trình đạt trên 553.000 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng đã chủ động tổ chức hội nghị, khảo sát, tọa đàm với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về vốn. Qua đó, hàng loạt DNNVV, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể đã được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, kịp thời mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Công ty Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (Phú Xuyên) chia sẻ, hoạt động xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn do suy giảm đơn hàng từ châu Âu, châu Mỹ và chi phí logistics tăng cao. Song, nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng với thủ tục giải ngân nhanh, công ty đã duy trì sản xuất và giữ chân người lao động. Bà kỳ vọng, với việc Hà Nội chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chính quyền và ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trên tinh thần đó, NHNN Khu vực 1 đã chỉ đạo các TCTD tăng cường chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số và đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt đến cấp phường, xã, nhất là ở khu vực nông thôn và ven đô. Đây là giải pháp then chốt nhằm mở rộng khả năng tiếp cận tài chính cho người dân và doanh nghiệp… Ông Nguyễn Quốc Huy nhấn mạnh, trong bối cảnh chuyển đổi mô hình chính quyền và quản lý nhà nước, thời gian tới, NHNN Khu vực 1 sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương và UBND thành phố, triển khai đồng bộ các giải pháp tín dụng, cải thiện chỉ số tiếp cận vốn, thúc đẩy cho vay sản xuất, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh. Các TCTD cũng được khuyến khích đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn quy trình, áp dụng ngân hàng số đến cấp cơ sở, đồng thời tăng cường năng lực phân tích thị trường và chủ động thực hiện Nghị quyết 68 nhằm hỗ trợ hiệu quả cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, DNNVV, hộ kinh doanh cá thể… Ngành Ngân hàng Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy vai trò huyết mạch của nền kinh tế, đồng hành cùng Thủ đô trên hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững.

Nguyễn Minh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ho-tro-doanh-nghiep-tu-nhan-thu-do-phat-trien-ben-vung-166803.html