Hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với phòng vệ thương mại
Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Đây vừa là cơ hội, cũng là thách thức cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi các nền kinh tế đang gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.
Để hạn chế những rủi ro bị áp dụng biện pháp PVTM, công tác hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu ứng phó với các biện pháp này sẽ đóng vai trò quan trọng.
Hàng Việt Nam ngày càng trở thành đối tượng của phòng vệ thương mại
PVTM gồm 3 biện pháp cơ bản: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Trong đó, biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không công bằng của hàng hóa nhập khẩu (như bán phá giá hoặc được trợ cấp). Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công Thương, hiện nay, việc áp dụng các biện pháp PVTM được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia, bởi mục đích là bảo vệ hoặc hỗ trợ ngành sản xuất trong nước trong quá trình hội nhập. Do năng lực xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng nhanh nên hàng hóa xuất khẩu ngày càng trở thành đối tượng của các biện pháp PVTM.
Nếu như kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2001 mới đạt hơn 30 tỷ USD thì năm 2022 con số này là 732 tỷ USD, tăng hơn 24 lần so với năm 2001, đưa Việt Nam vào tốp 20 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất trên thế giới. Trong cùng giai đoạn, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ mức 15 tỷ USD vào năm 2001 lên gần 50 tỷ USD năm 2007 và đạt gần 371,5 tỷ USD vào năm 2022 (tăng gần 25 lần). Song song với quá trình gia tăng thương mại, số vụ việc điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM của nước ngoài lên hàng hóa Việt Nam cũng đã gia tăng. Tính đến hết tháng 11-2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị 22 quốc gia/vùng lãnh thổ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM với tổng cộng 225 vụ việc. Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như sản phẩm gỗ, cá tra, cá basa, tôm, da giày, dệt may, thép... mà các mặt hàng khác như mật ong, gạch men, giấy bọc thuốc lá... cũng đã bị điều tra PVTM.
Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, nhận thức của cộng đồng DN về PVTM đang dần được nâng cao. Một số ngành và bộ phận DN đã xác định được hoạt động điều tra PVTM là hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế. Chia sẻ về vấn đề này, ông Lương Đức Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhấn mạnh: “Khi xuất khẩu lớn và có sức cạnh tranh thì hàng hóa sẽ bị chú ý áp dụng các biện pháp PVTM. Do đó, DN cần theo dõi những biến động của từng ngành hàng xuất khẩu để linh hoạt trong sản xuất, đồng thời lưu trữ hồ sơ, dữ liệu đầy đủ để chủ động ứng phó”.
Đánh giá của Cục PVTM cũng cho thấy, hiện tại, phần lớn DN trong nước đã có nhận thức khá tốt về PVTM. Có những DN đã coi việc điều tra PVTM là một hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế; đã xây dựng phòng, ban, đội ngũ nhân sự chuyên môn hóa cho việc xử lý các vụ việc PVTM. Cùng với đó, công tác PVTM đã đạt được bước phát triển vượt bậc cả về hệ thống chính sách, pháp luật, giúp tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, giúp các ngành sản xuất trong nước phát triển.
Kịp thời phát hiện những rủi ro
Nếu hàng hóa xuất khẩu của DN bị áp dụng thuế PVTM ở mức cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu. Chính vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục chủ động hoàn thiện hệ thống về phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, DN, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế, nâng cao nhận thức về PVTM và tăng cường cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, hiệp hội, DN.
Theo ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục PVTM, khi theo đuổi một vụ kiện PVTM do nước ngoài khởi kiện, các DN sản xuất, xuất khẩu Việt Nam sẽ đối mặt với một số hạn chế, khó khăn. Hiện nhiều DN vừa và nhỏ chưa nắm rõ về pháp luật PVTM, các nguyên tắc, quy trình, thủ tục, nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia vào các vụ việc điều tra về PVTM. Nhiều DN thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia có những hiểu biết về luật pháp để có thể theo dõi, chuẩn bị ứng phó một cách linh hoạt; hệ thống sổ sách kế toán, truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu chưa hoàn thiện... Chính vì vậy, thời gian tới, công tác nâng cao năng lực PVTM cho cộng đồng DN sẽ được Bộ Công Thương tăng cường thông qua các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng xử lý PVTM cho các hiệp hội ngành hàng, các DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Cùng với đó, Cục PVTM tiếp tục duy trì hệ thống cảnh báo sớm PVTM. Cơ chế hoạt động của hệ thống cảnh báo sớm là Cục sẽ theo dõi thường xuyên những biến động xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường để nếu tốc độ tăng trưởng của mặt hàng đó quá nhanh hoặc chiếm một thị phần tương đối ở các nước nhập khẩu và mặt hàng đó là đối tượng bị điều tra PVTM ở một nước khác thì sẽ cảnh báo để DN, hiệp hội lưu ý theo dõi. Thông qua đó, DN có thể xác định được mặt hàng DN xuất khẩu có phải là đối tượng rủi ro hay không, từ đó có bước chuẩn bị và có chiến lược đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu có rủi ro.
Nhìn ở góc độ khác, luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo, Văn phòng Luật sư IDVN cho rằng, để hạn chế rủi ro khi bị điều tra PVTM, DN phải gạt bỏ tâm lý e ngại, phải chủ động và nghiêm túc trong vấn đề tham gia vào các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Ngoài các thông tin liên quan tới tiêu chí kỹ thuật, tiếp cận thị trường thì cần phải chủ động tìm hiểu quy định cơ bản về PVTM tại các quốc gia đó. Bởi khi điều tra PVTM, mỗi quốc gia sẽ thực hiện theo quy định riêng.