Hỗ trợ doanh nghiệp vươn lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị
Tiếp tục triển khai Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPCS) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức buổi tọa đàm để giới thiệu chi tiết về dự án với lãnh đạo các hiệp hội, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp.
IPCS là một trong những dự án hỗ trợ kỹ thuật có tính chất tổng thể nhất, quy mô lớn nhất và bao trùm nhất cho mục tiêu phát triển khu vực kinh tế tư nhân, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề nội tại về quản lý, con người, thị trường, công nghệ, tài chính. Trong đó, tập trung vào tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp tiên phong và doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng, bao gồm cả doanh nghiệp do nữ và các đối tượng yếu thế làm chủ.
Nâng cao năng lực khu vực tư nhân
Thông tin đến lãnh đạo các hiệp hội và tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, ngày 18/1, Cục Phát triển doanh nghiệp và USAID đã chính thức khởi động Dự án IPSC.
Với nguồn lực tài chính 36,3 triệu USD, dự án sẽ hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực cho 5.000 doanh nghiệp; 60 doanh nghiệp tiên phong xuất khẩu; 240 doanh nghiệp vươn ra thị trường khu vực và quốc tế... Mục tiêu này được thực hiện tốt sẽ tạo tác động lan tỏa các tri thức, kết quả và bài học thành công từ dự án cho toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp, dù nguồn lực của dự án không thể hỗ trợ tăng cường năng lực trực tiếp cho toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân.
“Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật mang tính thực tiễn cao với mục tiêu và phương pháp tiếp cận đi từ vấn đề nội tại của doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp khu vực tư nhân làm trung tâm. Để triển khai hiệu quả và thành công, rất mong cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp hưởng ứng và tham gia tích cực cùng dự án trong thời gian tới”, ông Nguyễn Đức Trung nói.
Bà Lê Thu Hiền, chuyên gia của dự án IPSC cho biết dự án gồm các gói hỗ trợ: Thích ứng và tăng trưởng, duy trì và cải thiện hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh trực tiếp và trực tuyến; nâng tầm giá trị Việt với tính độc đáo, riêng biệt trong sản phẩm; số hóa hoạt động doanh nghiệp; nâng cao năng lực tài chính; giá trị Việt Nam vươn ra thế giới.
Các gói hỗ trợ này được xây dựng sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp tư nhân hiện nay trên cơ sở khảo sát, trao đổi chuyên sâu với giới chuyên gia và đại diện doanh nghiệp. Tùy đặc thù hoạt động, các hiệp hội doanh nghiệp có thể đăng ký tham gia các gói hỗ trợ cụ thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tiêu chí tham gia các gói hỗ trợ cơ bản là doanh nghiệp có quy mô không quá 500 lao động thường xuyên, doanh thu tăng trưởng liên tiếp 2 năm trong giai đoạn 2017-2021, ưu tiên cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, công nghệ thông tin, logistics, du lịch và sản phẩm hỗ trợ.
Riêng gói hỗ trợ giá trị Việt Nam vươn ra thế giới chỉ dành cho doanh nghiệp tiên phong có sản phẩm “Giá trị Việt”, được dự án thiết kế “đo ni đóng giày” của từng doanh nghiệp nên phải có quá trình tuyển chọn chặt chẽ.
Những vấn đề nóng của doanh nghiệp
Đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về dự án IPCS tại thời điểm này rất tích cực. Ông Bùi Hữu Thêm, Phó Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, dự án nhận được sự cam kết đồng hành của HAWA để kết nối với 600 doanh nghiệp thành viên vì ít nhất 3 gói hỗ trợ phù hợp. Đó là hỗ trợ về thị trường, chuyển đổi số và tiếp cận tài chính.
60% sản phẩm của doanh nghiệp gỗ mỹ nghệ được xuất khẩu và chủ yếu xuất sang Mỹ nên khi đưa ra sản phẩm mới, doanh nghiệp rất cần thông tin về thị trường tiềm năng, đặc biệt là thông tin về khuynh hướng của thị trường hoặc rào cản đối với hàng hóa vào thị trường đó, nên rất cần tư vấn kỹ thuật về vấn đề này.
Ông Nguyễn Hữu Thêm kỳ vọng khi tham gia gói hỗ trợ chuyển đổi số của dự án, doanh nghiệp sẽ nhận được sự tư vấn thiết thực để tìm được lối đi. Vì hiện nay, doanh nghiệp rất muốn chuyển đổi số nhưng không biết bắt đầu từ đâu.
Bên cạnh đó, tiếp cận vốn vay ngân hàng luôn là bài toán khó của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nếu được hỗ trợ đào tạo, tư vấn về kỹ năng xây dựng hồ sơ chuẩn tiếp cận vốn và kết nối với các ngân hàng, doanh nghiệp sẽ có khả năng nâng cao năng lực tài chính để hoạt động hiệu quả hơn.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) “đặt hàng” các chuyên gia dự án IPCS về những vấn đề nóng đang đặt ra cho ngành du lịch. Đó là tình trạng thiếu thông tin về những thay đổi của thị trường khách quốc tế trọng điểm sau đại dịch trong khi ngày mở cửa hoàn toàn du lịch đã cận kề; tình trạng thiếu nhân lực, yêu cầu đào tạo lại lao động khi nhiều nhân viên đã phải tìm sinh kế mới sau hai năm đóng cửa vì dịch Covid-19...
“Nếu có khảo sát của IPCS về những vấn đề này, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành và các địa phương mới có cơ sở đánh giá lại thị trường, đưa ra cách tiếp cận phù hợp với tình hình mới. Mong muốn của chúng tôi là dự án có thể xây dựng bộ tiêu chí về năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp du lịch để từ đó cải thiện năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp”, ông Hoàng Nhân Chính nói.
Là một trong năm ngành ưu tiên của dự án, đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) quan tâm nhiều đến vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực xây dựng báo cáo ngành. Tổng Thư ký VLA Nguyễn Duy Minh khẳng định hiện nay, cải cách thủ hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh là yếu tố rất quan trọng để cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành dịch vụ này nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung.
Về nội dung này, dự án IPSC đã đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 có 30 chính sách, văn bản quy phạm phát luật và quy định được ban hành, sửa đổi hoặc thực hiện thông qua nhiều hình thức, điển hình là cơ chế đối thoại chính sách.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) nêu thực trạng: Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam được coi là điểm đến an toàn hơn, doanh nghiệp điện tử những lợi thế nhất định. Nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước lại quá yếu, không kịp nắm cơ hội thì đã vụt mất vào tay doanh nghiệp nước ngoài.
“Là một trong những ngành hàng tiên tiến nhất, nhưng trong thực tiế, nhiều doanh nghiệp điện tử lại rất hạn chế marketing, về quản trị doanh nghiệp, đàm phán với đối tác. Rất mong dự án nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực này”, bà Đỗ Thị Thúy Hương đề xuất.
Chia sẻ của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nhiều ngành hàng cho thấy, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân Việt Nam trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Và đó chính là mục tiêu quan trọng nhất của dự án IPSC, được triển khai thực hiện từ nay đến năm 2025 để tạo sức mạnh cho khu vực tư nhân vươn lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị toàn cầu.