Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp
Ngày 30-10-2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án 'Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025'.
Ngày 30-10-2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.
Sau hai năm triển khai thực hiện, đề án bước đầu góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên (HS, SV) và trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trong thời gian học tập tại trường; tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HS, SV.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), sau hai năm triển khai, Đề án “Hỗ trợ HS, SV khởi nghiệp đến năm 2025” đã có sự chuyển biến rõ nét về nhận thức trong mỗi nhà trường và có sự lan tỏa sâu rộng trong HS, SV. Phần lớn các cơ sở GD và ĐT đã xác định nhiệm vụ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HS, SV là một trong những nhiệm vụ giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tạo việc làm cho HS, SV sau tốt nghiệp. Thống kê của Bộ GD và ĐT cho thấy, cả nước hiện có 50% các cơ sở đào tạo thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của nhà trường; khoảng 20 cơ sở đào tạo bố trí các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho sinh viên. Một số trường đại học lớn đều có các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế...
Tại các địa phương, 90% các sở giáo dục đã ban hành kế hoạch triển khai đề án nêu trên; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền cho học sinh trong các hoạt động ngoại khóa, các giờ sinh hoạt lớp. Một số địa phương như: Hưng Yên, Đác Lắc, Ninh Bình... đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức của đội ngũ lãnh đạo các trường phổ thông về vai trò của việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp; 40% các trường thành lập tổ tư vấn hỗ trợ học sinh khởi nghiệp.
Năm học 2019-2020, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HS, SV được Bộ GD và ĐT tổ chức tại Hà Nội hai ngày 4 và 5-10. Tại ngày hội, dự án “Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm phục vụ y tế và giáo dục” của nhóm sinh viên đến từ Trường đại học Bách khoa Hà Nội đoạt giải nhất với ý tưởng khởi nghiệp năm 2019. Theo trưởng nhóm Nguyễn Thành Quyết, dự án được nghiên cứu, thử nghiệm từ tháng 4-2017, trải qua nhiều thử nghiệm cho thấy kết quả tích cực.
Trong khi đó, dự án “Máy làm sạch bề mặt bạt đáy ao nuôi tôm” của nhóm học sinh Trường THCS Tân An (huyện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) đoạt giải ba; dự án sản xuất, kinh doanh màng bọc thực phẩm đa năng (Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) đoạt giải nhì Cuộc thi HS, SV với ý tưởng khởi nghiệp năm 2019…, đều được ban giám khảo đánh giá cao về khả năng sáng tạo và tính khả thi.
Để giúp sinh viên khởi nghiệp thành công thì vai trò của cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý giáo dục rất quan trọng.
Ông Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, trường đại học cần xác định là nguồn “cung” tài năng (doanh nhân, nhà quản lý, chuyên môn) và công nghệ, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm; đồng thời, có giải pháp phát hiện, bồi dưỡng sinh viên có thiên hướng khởi nghiệp. Để hoạt động này ngày càng hiệu quả, có sự lan tỏa, hệ thống hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp phải toàn diện, bao gồm các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, đến khám phá, trải nghiệm với dự án khởi nghiệp thật, trong môi trường thật. Cùng với đó, sinh viên cũng cần được trang bị kiến thức, kỹ năng, tư duy khởi nghiệp và quan trọng có môi trường hệ sinh thái khởi nghiệp.
Trong khi đó, Sở GD và ĐT tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các văn bản và hướng dẫn đến tất cả các trường phổ thông với mục tiêu truyền thụ tinh thần khởi nghiệp cho học sinh từ cấp học tiểu học đến THPT. Vì vậy, trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh có nhiều dự án ý tưởng khởi nghiệp trong học sinh được đánh giá cao. Đặc biệt, nhiều ý tưởng sáng tạo của học sinh sau khi tham gia các cuộc thi được tư vấn, phát triển thành sản phẩm phục vụ cuộc sống, trở thành hàng hóa mang lại lợi nhuận. Điển hình là dự án “Chế tạo tấm ép trang trí từ bột điệp” của học sinh Trường THCS Sông Khoai (Quảng Yên) tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2015 - 2016 được phát triển thành “Tranh bột điệp”, là một trong những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh hiện nay...
Theo Phó trưởng phòng Chính trị, tư tưởng (Sở GD và ĐT tỉnh Ninh Bình) Phạm Thị Ánh, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ học sinh khởi nghiệp, hằng năm, Sở tổ chức đồng thời các cuộc thi như: Cuộc thi HS, SV với ý tưởng khởi nghiệp; cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Các cuộc thi đã góp phần hình thành, nâng cao ý thức khởi nghiệp cho học sinh, hun đúc những ý tưởng mới, sáng tạo của các em.
Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án nêu trên, trong đó chú trọng xây dựng các bộ tài liệu mang tính thực tiễn để nhân rộng kinh nghiệm khởi nghiệp của HS, SV. Đồng thời, tiếp tục làm cầu nối, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành để triển khai các đề án lớn của Chính phủ như: Trung tâm khởi nghiệp quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia; tạo thêm nhiều cơ hội cho HS, SV khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, nắm bắt và tận dụng được lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…