Hỗ trợ hơn 8.000 người tiếp cận và áp dụng canh tác bền vững
Sau hơn 2 năm triển khai, chương trình 'She Feeds the World' tại Việt Nam đã hỗ trợ hơn 8.000 người dân ở 2 tỉnh Tây Nguyên tiếp cận và áp dụng các phương pháp canh tác bền vững. Qua đó, giúp cải thiện thu nhập của nhiều nông dân và cộng đồng.

Phụ nữ tham gia chương trình “She Feeds the World”. (Ảnh: CARE)
Chương trình “She Feeds the World”, một sáng kiến hợp tác giữa Quỹ PepsiCo và CARE, chính thức khép lại giai đoạn 1 tại Việt Nam sau hơn 2 năm triển khai hiệu quả nhằm cải thiện sản xuất nông nghiệp và nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương.
Được khởi động vào tháng 9/2022, sáng kiến này tập trung vào việc thúc đẩy các thực hành nông nghiệp bền vững, nâng cao năng suất và hỗ trợ sinh kế cho người nông dân tại 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.
Tính đến tháng 4/2025, chương trình “She Feeds the World” tại Việt Nam đã tạo ra những tác động rõ rệt, hỗ trợ hơn 8.000 người tiếp cận và áp dụng các phương pháp canh tác bền vững, nâng cao quyền kiểm soát và tiếp cận nguồn lực sản xuất, và cải thiện khả năng tham gia thị trường.
Kể từ năm 2019, Quỹ PepsiCo đã hợp tác với tổ chức CARE International để thực hiện chương trình "“She Feeds the World”".
Sáng kiến có tổng vốn đầu tư 18,2 triệu USD, được triển khai tại 8 quốc gia: Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Peru, Colombia, Ai Cập và Uganda.
Sáng kiến nhằm cải thiện sinh kế của phụ nữ nông dân và cộng đồng của họ trên toàn cầu. Đồng thời, cung cấp hỗ trợ nhằm giúp phụ nữ xây dựng kỹ năng và sự tự tin trong thực hành nông nghiệp bền vững, tham gia thị trường, và bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng - từ đó tăng năng suất và thu nhập.
Tại Việt Nam, chương trình được triển khai hiệu quả nhờ sự phối hợp của Bộ Nông nghiệp và Môi trường - Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), Trung tâm Khuyến nông quốc gia (NAEC), tổ chức CARE International và Trung tâm Phát triển cộng đồng (CDC) nhằm giải quyết các thách thức mà nông dân quy mô nhỏ tại Tây Nguyên đang gặp phải.
Thông qua việc giới thiệu các phương pháp canh tác bền vững, thúc đẩy mô hình đối tác công tư (PPP), chương trình đã giúp nâng cao năng suất nông nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận nguồn lực và mở ra cơ hội thị trường mới.
Thông qua đào tạo và nâng cao kỹ năng, chương trình đã cung cấp cho nông dân các công cụ cần thiết để nâng cao hiệu quả sản xuất đồng thời bảo vệ môi trường.

Phụ nữ tham gia hoạt động của dự án. (Ảnh: CARE)
Sáng kiến cũng đã tập hợp các bên liên quan trong mô hình PPP để cùng thảo luận, chia sẻ và nhân rộng các mô hình thành công trong nông nghiệp bền vững, áp dụng công nghệ và kết nối thị trường tại Việt Nam.
Tính đến tháng 4/2025, chương trình “She Feeds the World” tại Việt Nam đã tạo ra những tác động rõ rệt, hỗ trợ hơn 8.000 người tiếp cận và áp dụng các phương pháp canh tác bền vững, nâng cao quyền kiểm soát và tiếp cận nguồn lực sản xuất, và cải thiện khả năng tham gia thị trường.
Chương trình đã góp phần thay đổi phương pháp canh tác thông qua những đổi mới quan trọng như áp dụng công nghệ theo dõi sức khỏe đất, hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước và giải pháp bón phân cải tiến sử dụng phân hữu cơ.
Những thay đổi này đã giúp tăng 20% năng suất, giảm 30% việc sử dụng phân bón hóa học và giảm 20% lượng nước tiêu thụ.
Ngoài ra, chương trình cũng đã thúc đẩy thành công các hợp đồng canh tác với Công ty PepsiCo Foods Việt Nam, bao phủ gần 100 ha đất trồng khoai tây. Trọng tâm của các nỗ lực này là nâng cao năng lực của phụ nữ nông dân, những người đã tích cực tham gia vào tất cả các hoạt động của chương trình.
Chương trình cũng đã hỗ trợ các nghiên cứu cấp quốc gia, các sự kiện thường niên của PSAV về áp dụng công nghệ, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hành giảm phát thải trong ngành rau quả.
Thông qua chương trình, mạng lưới khuyến nông cộng đồng cũng tham gia tích cực tổ chức các khóa đào tạo thực hành, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng tài liệu hướng dẫn về các mô hình chuỗi giá trị nhằm nhân rộng trên toàn quốc.
“Hợp tác với Quỹ PepsiCo và CARE đã giúp chúng tôi hiện thực hóa mục tiêu chung trong việc thúc đẩy nông nghiệp bền vững tại Việt Nam. Thông qua chương trình này, chúng tôi không chỉ tăng năng suất sản xuất mà còn giúp nông dân tiếp cận thị trường, cải thiện thu nhập, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và tương lai tốt đẹp hơn cho các gia đình. Chương trình cũng góp phần củng cố quan hệ đối tác công tư để phát triển mô hình liên kết nông nghiệp tiên tiến một cách hiệu quả”, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia chia sẻ.
Giám đốc CDC Đắk Lắk Bạch Thanh Tuấn cho biết, chương trình tạo ra sự thay đổi đáng kể cho nông dân tại Đắk Lắk. Không chỉ ghi nhận sự gia tăng sản lượng, cộng đồng cũng đã nâng cao khả năng thích ứng với các phương pháp canh tác bền vững. Sáng kiến này đã trao quyền cho nông dân địa phương, đặc biệt là phụ nữ, giúp họ cải thiện sinh kế bền vững lâu dài.
Kết quả chương trình cho thấy, thu nhập của nông dân đã được cải thiện đáng kể nhờ năng suất cao hơn, khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn và áp dụng kỹ thuật canh tác mới. Một kết quả nổi bật là chương trình tập trung hỗ trợ phụ nữ nông dân, với hơn 60% người tham gia là phụ nữ. Sáng kiến này đã giúp họ có thêm quyền kiểm soát trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
“Dự án cho thấy sức mạnh của mối quan hệ hợp tác đa bên và những chuyển biến tích cực từ việc áp dụng các thực hành nông nghiệp bền vững. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Quỹ PepsiCo, CARE và các đối tác địa phương không chỉ góp phần nâng cao năng suất nông nghiệp mà còn thúc đẩy vai trò chủ động của phụ nữ trong quá trình sản xuất", bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia CARE Việt Nam nêu rõ.
Ông Nguyễn Kim Hành, Giám đốc Nông nghiệp PepsiCo Foods Việt Nam nhấn mạnh: “She Feeds the World” là một minh chứng cho việc thực hiện chiến lược toàn cầu Pep Positive (Pep tích cực) của PepsiCo tại Việt Nam. Chương trình đã thành công trong việc lan tỏa các thực hành nông nghiệp tái sinh, nâng cao sinh kế cho nông dân trong chuỗi cung ứng nông nghiệp của chúng tôi, và mở rộng quyền tiếp cận và kiểm soát nguồn lực sản xuất cho phụ nữ nông dân. Chương trình cũng thúc đẩy PPP trong nông nghiệp bền vững tại Việt Nam thông qua hợp tác hiệu quả với PSAV và NAEC".