Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ở Hà Tĩnh: Cần lực đẩy mới!
Những năm qua, nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp của người dân Hà Tĩnh đã tạo ra sản phẩm mang hàm lượng khoa học và công nghệ cao, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Song, để thu hút nguồn lực khởi nghiệp sáng tạo, tỉnh cần có thêm chính sách hỗ trợ.
“Chắp cánh” ước mơ khởi nghiệp
Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh được triển khai từ năm 2019, đến nay, đã thực sự trở thành sân chơi cho các cá nhân, tổ chức nhằm hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, góp phần phát triển kinh tế. Theo thống kê từ Sở KH&CN, từ năm 2019 - 2022, cuộc thi đã tìm kiếm, ươm tạo được 157 ý tưởng, dự án. Hiện có 32/42 dự án đạt giải được triển khai thực hiện và thương mại hóa; 6 dự án đạt sản phẩm OCOP 3 - 4 sao; có 15 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và 10 cơ sở sản xuất - kinh doanh được thành lập mới.
Đạt giải nhì Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh năm 2019 là một trong những động lực quan trọng để anh Lê Văn An (Thạch Hà) tự tin những bước đầu khởi nghiệp. Đến nay, với những kết quả đạt được sau Dự án “Ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao sản xuất kinh doanh chế biến các dòng sản phẩm Omega An Phát” đã cho thấy con đường khởi nghiệp bằng KH&CN của tác giả là đúng hướng.
Anh Lê Văn An - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và Thương mại An Phát chia sẻ: “Thành công của dự án đã giúp tôi ứng dụng KH&CN vào sản xuất, làm đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ gạo, nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh. Đồng thời, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng nguồn nguyên liệu từ cây lúa, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế trên địa bàn, tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân. Hiện nay, công ty có 3 sản phẩm đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và doanh nghiệp đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất”.
Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh cũng chắp cánh, hiện thực hóa cho nhiều dự án bước vào thực tế, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong phát triển kinh doanh.
Điển hình như: Dự án mô hình sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ kết hợp với không gian trải nghiệm, sáng tạo của Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Thái Yên, hiện đã có sản phẩm đã xuất khẩu sang Nhật Bản; Dự án sản xuất gạch không nung lõi xốp Smart G-VRO của Công ty CP xây dựng Phượng Hoàng HT, hằng năm cung cấp cho thị trường hàng triệu viên gạch có chất lượng cao; Dự án mô hình sản xuất bánh ram kết hợp công nghệ hiện đại và truyền thống của Cơ sở xuất bánh ram Anh Thu đã xuất khẩu sản phẩm đến Hàn Quốc, Nhật Bản; Dự án Sàn giao dịch các loại giày bảo hộ của tác giả Nguyễn Văn Hiếu đã phát triển thị trường trên cả nước, có doanh thu hơn 10 tỷ/năm…
Ông Nguyễn Hữu Bảy - Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và chuyên ngành (Sở KH&CN) cho hay, không chỉ nhận được các giải thưởng danh giá, các dự án còn tranh thủ được “chất xám” của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân từ ban tổ chức của cuộc thi để hoàn thiện và đưa dự án “bước ra” thực tế. Hơn thế, những dự án tiềm năng còn được còn hỗ trợ trực tiếp kinh phí để phát triển bền vững hơn. Trong giai đoạn 2018 - 2022, Sở KH&CN đã tham mưu bố trí kinh phí và hỗ trợ cho 4 ý tưởng, dự án tham gia cuộc thi với số tiền 1,645 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ thành lập 4 doanh nghiệp KH&CN; hỗ trợ thực hiện hợp đồng chuyển giao dây chuyền công nghệ, thiết bị cho 9 doanh nghiệp, hợp tác xã với số tiền 9,504 tỷ đồng.
Cần thêm chính sách tiếp sức
Những kết quả bước đầu cho thấy, những chính sách hỗ trợ về khởi nghiệp sáng tạo trong thời gian qua của Hà Tĩnh đã phát huy hiệu quả, góp phần hình thành hệ sinh thái hiệu quả, bền vững.
Phó Giám đốc Sở KH&CN Phan Trọng Bình cho biết, thời gian qua, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hoạt động có hiệu quả. Đến nay, Sở KH&CN đã thành lập khu không gian làm việc chung hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến tỉnh Hà Tĩnh.
Cụ thể, hỗ trợ Công ty cổ phần CED Central thành lập khu không gian làm việc chung hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo, do doanh nghiệp đầu tư; hỗ trợ thành lập 2 câu lạc bộ khởi nghiệp của Trường Đại học Hà Tĩnh và Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh nhằm đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo trong học sinh, sinh viên và doanh nhân, đặc biệt là đội ngũ doanh nhân trẻ.
Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan, dự án về khởi nghiệp sáng tạo ở Hà Tĩnh chưa nhiều; chưa có các dự án khai thác, ứng dụng công nghệ 4.0 để khởi nghiệp; thiếu các chuyên gia, đội ngũ cố vấn, nhà đầu tư; thiếu cơ chế thông thoáng và chấp nhận rủi ro cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; năng lực tiếp cận chính sách theo quy định của các doanh nghiệp còn hạn chế...
Theo TS. Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), để thu hút nguồn lực khởi nghiệp sáng tạo tại Hà Tĩnh, tỉnh cần có những chính sách đặc biệt để tạo không gian thử nghiệm mô hình, sản phẩm mới tại địa phương, nhất là cần có các chính sách ưu đãi, tạo động lực thu hút đầu tư như: thuế, đất đai, tiền lương, hỗ trợ khác...
Cùng đó, cần tăng cường đào tạo sinh viên, giảng viên về khởi nghiệp trong các trường đại học; đào tạo đội nhóm nghiên cứu; lãnh đạo/quản lý; mentor/coach (huấn luyện, cố vấn); nhà đầu tư địa phương. Ngoài ra, hỗ trợ “startup” địa phương tham dự TECHFEST (ngày hội khởi nghiệp) quốc gia, quốc tế để học hỏi kinh nghiệm.
Về phát triển thị trường, cần kết nối chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, phân phối, siêu thị; mở rộng thị trường nội địa cho sản phẩm OCOP địa phương; xây dựng thông tin, bản đồ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn…