Hỗ trợ người dân sử dụng phương tiện giao thông xanh
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 20/ CT-TTg ngày 12/7/2025 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí tại các đô thị lớn.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo, triển khai ngay một số giải pháp trọng tâm với lộ trình cụ thể nhằm bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí. Cụ thể, từ ngày 1/7/2026, Hà Nội sẽ chính thức cấm xe mô-tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu xăng lưu thông trong khu vực vành đai 1. Từ ngày 1/1/2028, hạn chế xe ô-tô cá nhân chạy xăng trong khu vực vành đai 1 và khu vực vành đai 2; đến năm 2030, mở rộng phạm vi áp dụng tới toàn bộ khu vực trong vành đai 3.
Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường được Hà Nội đặc biệt quan tâm. Ngày 4/7/2017, Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND về việc thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó có mục tiêu từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn nội thành (từ vành đai 3 trở vào). Tại kỳ họp lần thứ 20 vào tháng 12/2024, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Việc cấm xe mô-tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu xăng lưu thông trong khu vực vành đai 1, tiến tới hạn chế xe ô- tô chạy xăng trong khu vực vành đai 3 Hà Nội là chủ trương đúng, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc từng bước giảm phát thải, cải thiện chất lượng sống tại Thủ đô, góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để việc chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân và công cộng sang sử dụng nhiên liệu xanh, thân thiện với môi trường theo đúng lộ trình Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, nhiều ý kiến đề xuất thành phố cần xây dựng và sớm ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng; cần huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức. Cùng với đó, thành phố cần tập trung phát triển hệ thống trạm sạc và bãi đỗ cho xe điện. Triển khai thực hiện đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội. Đó là từ nay đến năm 2035, sẽ xây dựng gần 400km đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội. Việc thực hiện những giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ này sẽ góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại Thủ đô.