Hỗ trợ, phát triển kinh tế cho đồng bào Brâu
Brâu ở Kon Tum là 1 trong 5 dân tộc ít người nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hiện nay, với những chính sách hỗ trợ đặc thù của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền… cuộc sống đồng bào Brâu đã và đang thay đổi tốt đẹp hơn.
Người Brâu (hay còn có tên gọi khác là Brao, với dân số là 525 người theo số liệu điều tra năm 2019) sinh sống tập trung tại làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, cách cửa khẩu quốc tế Bờ Y 10km và cách thành phố Kon Tum gần 100km. Brâu cũng nằm trong danh sách 14 dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù được thụ hưởng chính sách đầu tư từ Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình).
Trước đây, người Brâu từng lâm vào cảnh cả làng chỉ còn khoảng trăm người sống trong cảnh đói nghèo, lạc hậu, mù chữ, hôn nhân cận huyết. Nguồn sống chính của đồng bào dân tộc Brâu là làm rẫy để trồng lúa nếp, lúa tẻ, ngô, sắn. Dụng cụ sản xuất thô sơ, dựa nhiều vào điều kiện tự nhiên, hình thức canh tác còn lạc hậu, phương thức canh tác là phát, đốt rồi chọc lỗ tra hạt, thu hái bằng tay. Trồng các loại cây hoa màu ngắn ngày (lúa, mỳ, ngô là chủ lực) nên năng suất và sản lượng rất thấp; chủ yếu là tự túc, tự cấp, phục vụ nhu cầu lương thực hằng năm của gia đình.
Người Brâu cư trú trên những ngôi nhà sàn có mái dốc cao. Nền sàn được cấu tạo thành hai nấc cao thấp khác nhau để phân định chức năng sinh hoạt. Làng có khuôn viên hình tròn, các ngôi nhà ở được sắp xếp như một cái nan hoa của bánh xe bò. Thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 941b/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số rất ít người Brâu tỉnh Kon Tum đến năm 2025. Với tổng nhu cầu vốn gần 68,4 tỷ đồng nhằm hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu tại làng Đăk Mế, tạo mọi điều kiện để dân tộc Brâu vươn lên hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.
Giai đoạn 2018 - 2020, Trung ương đã bố trí gần 19 tỷ đồng để sửa chữa 1 nhà rông và 2 nhà ở truyền thống, 1 đường đi khu sản xuất tập trung thôn Đăk Mế. Đồng thời, hỗ trợ 167 con bò cái sinh sản, chuồng trại chăn nuôi cho 167 hộ; hỗ trợ 36.942 cây giống cà phê, 2.916 cây ăn quả, 18.155,5kg phân bón vật tư, 231,07 kg thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và kỹ năng quản lý hộ; tập huấn nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất và tổ chức Đoàn thăm quan, học tập mô hình sản xuất ngoài tỉnh.
Việc triển khai thực hiện các chính sách đặc thù đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng dân tộc Brâu những năm qua đã giúp dân tộc Brâu phát triển cả về số lượng nhân khẩu và đời sống. Hiện, cộng đồng người Brâu sinh sống tại thôn Đăk Mế với 174 hộ/546 khẩu (chiếm 6,4% dân số toàn xã), trong đó chỉ còn 6 hộ nghèo (chiếm 6,9% tổng số hộ nghèo toàn xã); Số các hộ chịu khó làm ăn, biết trồng lúa nước 2 vụ, trồng cây công nghiệp dài ngày như cao su, bời lời, cà phê… đang ngày càng xuất hiện nhiều ở làng Đăk Mế.
Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc Brâu là 246ha, tăng 171ha, đưa diện tích đất canh tác nông nghiệp bình quân đạt 0,58ha/người, cơ bản giải quyết được đất sản xuất cho bà con; đồng thời, thường xuyên tổ chức xây dựng các mô hình trình diễn, hỗ trợ các loại cây, con, giống (giống cây trồng hằng năm và cây lâu năm), hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu, hỗ trợ dụng cụ sản xuất, như máy cày tay, máy tuốt lúa có động cơ, bình bơm thuốc trừ sâu, máy xay xát gạo và phân công cán bộ khuyến nông, khuyến lâm trực tiếp hướng dẫn bà con. Người dân đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa giống mới vào sản xuất, biết chăn nuôi gia súc, gia cầm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng vật nuôi, từ đó góp phần tăng năng suất cây trồng vật nuôi, tăng thêm thu nhập.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và có nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và chính sách hỗ trợ học sinh các cấp, dân tộc Brâu mở được 2 lớp xóa mù chữ cho 93 người trong độ tuổi từ 28 đến 52 biết đọc và viết thành thạo; hỗ trợ mở lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho 22 học viên. Số trẻ em ở độ tuổi đến trường được huy động đến lớp học đạt khá cao, không còn tình trạng trẻ em bỏ học đi làm rẫy như trước đây. 100% hộ đã có điện thắp sáng, có nước sinh hoạt. Trạm y tế luôn có bác sĩ, y tá phục vụ bệnh nhân…
Mặc dù cộng đồng dân tộc Brâu ở thôn Đắk Mế đã có nhiều khởi sắc về kinh tế - xã hội, song trên thực tế, nhiều lĩnh vực phát triển chưa thực sự ổn định và bền vững; đời sống người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Để khắc phục các khó khăn, hạn chế, giúp dân tộc Brâu tiếp tục phát triển, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần một cách bền vững, nâng cao vị thế, giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng, tỉnh Kon Tum đã đề xuất kiến nghị Trung ương về xem xét về phạm vi thực hiện tại Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: “Các hộ dân tộc thiểu số thuộc danh sách dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù và các xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được thụ hưởng chính sách của Tiểu dự án này, thì không được thụ hưởng chính sách tại các Dự án khác của Chương trình”. Đề nghị điều chỉnh về đối tượng: “Các dân tộc thuộc danh sách dân tộc có khó khăn đặc thù theo Quyết định số 1227/QĐ-QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025”.
Từ lực đẩy của các chương trình, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số những năm qua, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS của Kon Tum nói chung và đồng bào Brâu nói riêng có nhiều đổi thay tích cực. Đây là cơ sở để các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng toàn diện, bền vững, phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi dậy tinh thần tự lực, khát vọng vượt khó vươn lên của đồng bào nơi đây.