Hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế cho nhóm dân tộc ít người
Hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế nhằm xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn.
Bạn đọc Nông Quỳnh Trâm ở Hà Giang hỏi: Tại Hà Giang, có một số dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống như dân tộc Lô Lô, dân tộc Pu Péo, tỷ lệ hộ nghèo trong các dân tộc này khá cao, xin hỏi có chương trình gì hỗ trợ giải quyết vấn đề này không.
Trả lời:
Tiểu dự án 1, Dự án 9 – “Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập so với các dân tộc khác trong vùng; góp phần nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, hỗ trợ cải thiện chất lượng dân số, thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Bên cạnh đó, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc; đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, cộng đồng và xây dựng cơ sở chính trị ở thôn bản vững mạnh; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phạm vi thực hiện trên 31 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, An Giang.
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 55/2023/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, ngày 15/08/2023. Trong đó, nêu rõ mức hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế cho nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù, như sau:
Thứ nhất, đối với các hộ dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù.
Hỗ trợ giống, chuồng trại, một số vật tư đầu vào để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, vắc xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm: tối đa 10 triệu đồng/hộ/năm.
Hỗ trợ nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất, tổ chức lớp tập huấn cho các hộ gia đình về kiến thức sản xuất tại thôn, bản và học tập trao đổi kinh nghiệm cho cộng đồng.
Hỗ trợ xây dựng mô hình, tổ hợp tác liên kết theo chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm và các hoạt động phát triển sản xuất khác do cộng đồng đề xuất phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng được cấp có thẩm quyền phê duyệt: tối đa 500 triệu đồng/mô hình/tổ hợp tác.
Thứ hai, đối với các hộ dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng chăn nuôi, phát triển sản xuất thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt. Trường hợp xác định vật nuôi hoặc cây trồng khác phù hợp với địa phương, thực hiện đầu tư và tính quy đổi giá trị từ bò hoặc gà, nhưng tổng kinh phí hỗ trợ/hộ không thay đổi so với hạn mức được giao.
Xây dựng các mô hình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người
Việt Nam có 16 dân tộc thiểu số rất ít người (số dân dưới 10.000 người) bao gồm các dân tộc: Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Cống, Mảng, Bố Y, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái, Lự, Pà Thẻn, Chứt, La Ha, La Hủ. Hiện nay, các dân tộc này đang sống rải rác tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, tập trung nhiều ở 93 xã của 12 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum.
Ngoài các dân tộc thiểu số rất ít người, hiện nay, một số dân tộc thiểu số tuy có dân số trên 10.000 người như: Mông, Xinh Mun, Co, Bru Vân Kiều, Khơ Mú, Xơ Đăng… nhưng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về y tế, giáo dục, kinh tế,…
Thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 9 giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hà Giang được giao nguồn vốn sự nghiệp 245.320 triệu đồng. Đến tháng 9/2023, địa phương này đã thực hiện giải ngân 22.417 triệu đồng.
Theo đó, đã có 7 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế được xây dựng, hỗ trợ trực tiếp cho 825 hộ dân thuộc nhóm DTTS rất ít người, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù.
Mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp được các ngành, địa phương rà soát, lựa chọn, xây dựng các dự án để tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin).
Một trong những địa phương tiêu biểu triển khai hiệu quả các mô hình giảm nghèo tại Hà Giang là huyện Yên Minh nơi tập trung các dân tộc người Mông, Nùng, Tày, Dao, Giáy... Những năm qua, huyện đã tập trung vào chăn nuôi đại gia súc với hình thức hỗ trợ tiền vốn mua con giống, hỗ trợ tu sửa chuồng trại, thức ăn và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ tham gia mô hình.
Các hộ dân đóng góp thêm tiền mua con giống, công tu sửa chuồng trại, trồng thức ăn chăn nuôi. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển khai theo hình thức nuôi luân chuyển, có thu hồi, nhằm bảo toàn nguồn vốn, tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN, trực tiếp là Dự án 9 đã giúp nhóm ĐBDTTS rất ít người, dân tộc có khó khăn đặc thù có thêm trợ lực để giảm nghèo bền vững, đảm bảo sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống.