Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số bằng nông nghiệp sạch
Triển khai từ tháng 6/2020 đến tháng 10/2020, dự án 'Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bằng nông nghiệp sạch, đặc biệt là phụ nữ các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng cộng đồng phụ nữ tiêu dùng tại Việt Nam' đã phát huy hiệu quả, giúp các chị em phát huy được vai trò của phụ nữ trong mỗi một gia đình, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập...
Thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội ngày 18/11/2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và thỏa thuận số 18/TTPH-BDT-CTCPNNS giữa Ban dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Cộng đồng Nông Nghiệp Sạch - CT CP Nông Nghiệp Sạch; từ tháng 6/2020 đến tháng 10/2020, chương trình "Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bằng nông nghiệp sạch, đặc biệt là phụ nữ các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng cộng đồng phụ nữ tiêu dùng tại Việt Nam" tại thành phố Hà Nội và 5 tỉnh, thành phố. Đó là các tỉnh Bắc Ninh, Hòa Bình, Điện Biên, Mộc Châu - Sơn La và thành phố Hà Nội).
Chương trình được Cộng đồng Nông nghiệp sạch triển khai cùng Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các đơn vị phối hợp bao gồm: Ủy Ban Dân tộc, Hội LHPN Việt Nam, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản & Thủy sản – Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và đơn vị đồng hành Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam. Chương trình nhằm vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các giải pháp về môi trường và an toàn thực phẩm; kiểm soát an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh thực phẩm
Chương trình đã đào tạo - tập huấn cho gần 400 học viên là cán bộ Mặt trận, ban dân tộc cơ sở, hội viên hội liên hiệp phụ nữ, đại diện các cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch tại các tỉnh, thành phố tham gia dự án. Trong đó, học viên chủ yếu của chương trình là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại hội nghị tập huấn chương trình cũng triển khai phát động phong trào tiêu dùng nông nghiệp sạch và xây dựng cộng đồng phụ nữ tiêu dùng Đồng thời, tổ chức kết nối, cung cấp thông tin, mở rộng đầu ra, tạo liên kết, hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp sạch trong địa bàn 5 tỉnh, thành phố nói trên, góp phần nâng cao đời sống vật chất, giữ gìn bảo tồn các giá trị văn hóa trong nông nghiệp cả nước nói chung và tại địa bàn tỉnh nói riêng.
Những trái ngọt đầu tiên
Tại Bắc Ninh, chương trình đã phối hợp cùng Hội LHPN tỉnh triển khai một số mô hình mẫu về ứng dụng phương pháp vi sinh bản địa và men rượu truyền thống trong sản xuất nông nghiệp sạch. Các hội viên phụ nữ được hướng dẫn cách biến rác thải hữu cơ nhà thành phân bón, thuốc bảo vệ thực vật....
Nhiều mô hình hay được chị em vận dụng như: mô hình con đường rác và rau, rác và hoa, rác và dược liệu. Từ đó, nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường – vệ sinh an toàn thực phẩm được nâng cao. Năng lực sản xuất và tiêu thụ nông nghiệp sạch được tăng lên. Hội viên phụ nữ phát huy được vai trò của phụ nữ trong mỗi một gia đình, tích cực tham gia sản xuất và tiêu thụ nông nghiệp sạch, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập...
Nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp sạch của các tỉnh, chương trình "Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bằng nông nghiệp sạch, đặc biệt là phụ nữ các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng cộng đồng phụ nữ tiêu dùng tại Việt Nam" cũng triển khai trưng bày giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của các tỉnh, thành phố tại hệ thống chuỗi shop nông nghiệp sạch và hội chợ nông nghiệp sạch.
Riêng tại Hà Nội, chuỗi cửa hàng đang phát triển lên 15 điểm bán. Tại Bắc Ninh, chương trình chuẩn bị mở 2 điểm bán. Tiếp đó, các tỉnh như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên... có tối thiểu là 1 điểm bán.
Từ những nỗ lực trên, chương trình đã hỗ trợ, tạo sinh kế cho phụ nữ bằng nông nghiệp sạch, chung tay cùng cộng đồng thực hiện các giải pháp về môi trường và an toàn thực phẩm.