Hỗ trợ sinh kế để trẻ được đến trường

Triển khai từ năm 2015, chương trình 'Hỗ trợ sinh kế' do Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh tiếp nhận nguồn kinh phí từ Tổ chức phục vụ trẻ em quốc tế Holt - Việt Nam thực hiện đã góp phần giúp nhiều gia đình ổn định cuộc sống, có điều kiện tiếp tục cho con đến trường.

Triển khai từ năm 2015, chương trình “Hỗ trợ sinh kế” do Trung tâm Công tác Xã hội (CTXH) tỉnh tiếp nhận nguồn kinh phí từ Tổ chức phục vụ trẻ em quốc tế Holt - Việt Nam thực hiện đã góp phần giúp nhiều gia đình ổn định cuộc sống, có điều kiện tiếp tục cho con đến trường.

Trao “cần câu”...

Vì gia cảnh khó khăn nên gia đình em Hoàng Thị Khánh Ly (học sinh lớp 4, trú thôn Ba Cẳng, xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh) có ý định cho em nghỉ học. Ông Hoàng Lê Văn, ba của Ly tâm sự: “Vợ chồng tôi đều đi làm rẫy thuê, ăn còn không đủ thì làm sao dám nghĩ đến việc cho con đi học. Khi nghe cán bộ địa phương thông báo có chương trình khảo sát các hộ gia đình nghèo để cấp sinh kế, gia đình tôi đã làm đơn xin 1 con bê giống về nuôi. Hiện nay, gia đình được duyệt cấp hỗ trợ bê giống với giá 5 triệu đồng. Đây sẽ là sinh kế để chúng tôi tạo thu nhập, trang trải cuộc sống và lo cho việc học của con”.

 Trao tiền hỗ trợ mở rộng tạp hóa cho một hộ gia đình tại Diên Khánh.

Trao tiền hỗ trợ mở rộng tạp hóa cho một hộ gia đình tại Diên Khánh.

Chồng mất trong một vụ tai nạn giao thông vào năm 2015, bà Võ Thị Cẩm Uyên (thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm) một mình nuôi 2 đứa con. Bà Uyên bày tỏ: “Chi phí sinh hoạt hàng ngày của 3 mẹ con đều phụ thuộc vào quán tạp hóa nhỏ. Các con mỗi ngày một lớn, tiền học phí mỗi cấp khác nhau, nhiều lần gia đình không đáp ứng nổi. Tháng 5-2019, nhận được số tiền 5 triệu đồng hỗ trợ từ Trung tâm CTXH tỉnh, tôi mở rộng quán tạp hóa, mua thêm hàng về bán, nhờ đó có thêm nguồn nhu nhập lo cho 2 con đi học”.

Mồ côi cha, mẹ cũng bỏ đi sau đó, hai anh em Trần Quốc Hiền (học sinh lớp 8) và Trần Quốc Hậu (học sinh lớp 4) sống với ông bà nội tại thôn Phú Lộc Tây 1, thị trấn Diên Khánh. Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều dựa vào ông Trần Sáu, ông nội của hai em. Tuy đã 68 tuổi nhưng hàng ngày, ông Sáu vẫn đi đào đất sét để làm khuôn đúc các loại đồ đồng, rồi đem bán cho các lò đúc đồng kiếm tiền lo cho cuộc sống hàng ngày và hai cháu ăn học. Từ tháng 8-2018 đến nay, nhờ vào vốn hỗ trợ mua đồng từ chương trình “Hỗ trợ sinh kế”, ông có thể tự chủ được nguồn nguyên liệu. “Bây giờ, tôi chỉ ở nhà làm và mua đồng về đúc, không phải đi đào đất sét nữa. Qua đó, có thể lo cho cuộc sống hàng ngày và lo cho hai cháu có điều kiện đi học”, ông Sáu nói.

Tiếp tục hỗ trợ

Theo bà Nguyễn Thị Bích Thảo - Điều phối viên khu vực Nam Trung Bộ, Tổ chức Holt tại Việt Nam, đây là chương trình nằm trong tiểu hợp phần “Phục hồi và bảo tồn gia đình” mà Holt đã ký kết với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Các hoạt động hỗ trợ bằng hình thức trợ giúp hiện vật như: Cây trồng, vật nuôi, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, định hướng mở cửa hàng.

Ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thông qua nguồn kinh phí của các tổ chức, đặc biệt là chương trình “Hỗ trợ sinh kế”, những năm qua, sở cùng Trung tâm CTXH và Quỹ Bảo trợ trẻ em đã xây dựng nhiều chương trình, dự án giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tăng thu nhập để có khả năng cho trẻ đến trường. Chương trình bắt đầu từ năm 2015, đến nay đã hỗ trợ sinh kế cho hơn 300 gia đình gặp khó khăn. Phần lớn các trường hợp sử dụng nguồn hỗ trợ hiệu quả, giảm bớt khó khăn, con cái được đến trường.

Khó khăn hiện nay là số vốn hỗ trợ chỉ giới hạn từ 5 đến 7 triệu đồng, trong khi nhu cầu cần nhiều hơn. “Bên cạnh nguồn kinh phí đối ứng với tỉnh, giai đoạn 2019 - 2022, Holt - Việt Nam cam kết sẽ huy động ít nhất 3 tỷ đồng từ các nguồn tài trợ cho các hợp phần dự án nêu trên cho tỉnh. Mức kinh phí thực hiện cụ thể cho mỗi hợp phần dự án bao gồm số trẻ em, gia đình thụ hưởng từ dự án, chi phí quản lý sẽ được hai bên xây dựng và ký kết căn cứ vào nhu cầu của đối tượng tại địa phương, các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra cho từng năm. Dự án cũng cam kết dành một khoản chi phí cho công tác quản lý, điều hành dự án nói chung và hỗ trợ phí quản lý dành cho cán bộ xã hội trực tiếp tham gia tác nghiệp đối với từng trường hợp được tiếp nhận vào chương trình”, bà Nguyễn Thị Bích Thảo nói.

THANH TRÚC

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/201910/ho-tro-sinh-ke-de-tre-duoc-den-truong-8131809/