Hỗ trợ sinh kế giúp người dân giảm nghèo bền vững

Những năm qua, UBND huyện Tháp Mười chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn. Trong đó, tập trung triển khai các dự án, tiểu dự án hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề cho người nghèo; thực hiện chính sách giảm nghèo. Qua đó, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững.

Anh Nguyễn Văn Thắng (bìa phải) ngụ ấp Mỹ Thị B, xã Mỹ An, huyện Tháp Mười đầu tư, phát triển nghề nuôi ếch kết hợp nuôi cá từ nguồn vốn hỗ trợ

Anh Nguyễn Văn Thắng (bìa phải) ngụ ấp Mỹ Thị B, xã Mỹ An, huyện Tháp Mười đầu tư, phát triển nghề nuôi ếch kết hợp nuôi cá từ nguồn vốn hỗ trợ

Hàng năm, trên cơ sở kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia GNBV của UBND huyện, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp các ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, UBND xã, thị trấn tuyên truyền, vận động hộ nghèo, cận nghèo nâng cao ý thức tự phấn đấu vươn lên trong cuộc sống; tổ chức đối thoại với hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo, cận nghèo và hỗ trợ kịp thời cho người dân.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia GNBV. Cụ thể, thực hiện Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình GNBV tại các xã: Mỹ Đông, Láng Biển, Mỹ An, Hưng Thạnh. Có 42 hộ tham gia và được hỗ trợ vốn từ 20 triệu - 40 triệu đồng/hộ để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế gia đình. Tổng nguồn vốn của dự án trên 2,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương đối ứng. Trong thời gian 2 năm, các hộ tham gia dự án sẽ hoàn trả lại 30% số tiền được hỗ trợ, phần còn lại được Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn.

Ngoài ra, huyện còn thực hiện các tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia GNBV như Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp hỗ trợ vốn phát triển kinh tế cho 13 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ khuyết tật tại các xã: Phú Điền, Hưng Thạnh, Mỹ Quý. Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, đã tổ chức được 1 lớp đào tạo nghề tạo sản phẩm từ lục bình, bẹ chuối với hơn 25 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia.

Thông qua nguồn vốn từ các dự án, tiểu dự án, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đầu tư chăn nuôi ếch, nuôi heo, bò, trồng mít, lúa... phát triển kinh tế gia đình. Để các dự án phát huy hiệu quả, trong quá trình thực hiện, UBND huyện thành lập Tổ kiểm tra phối hợp UBND xã, thị trấn theo dõi, kiểm tra, động viên người dân sử dụng vốn đúng mục đích và trợ giúp khi có khó khăn. Đến nay, qua khảo sát, đa số hộ tham gia các dự án, tiểu dự án đều sử dụng vốn hiệu quả, có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Ông Võ Thanh Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ An, cho biết: “Giai đoạn 2021 - 2025, xã có 16 hộ tham gia Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình GNBV. Dự án hỗ trợ vốn, tạo sinh kế cho người dân nghèo phát triển chăn nuôi, trồng trọt cải thiện thu nhập. UBND xã quan tâm tạo điều kiện cho người dân tham gia tập huấn kiến thức khoa học áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt để đạt hiệu quả hơn. Đến nay, có 14 hộ thoát nghèo, cận nghèo”.

Như trường hợp của hộ anh Nguyễn Văn Thắng (SN 1983) ngụ ấp Mỹ Thị B, xã Mỹ An là một trong những hộ cận nghèo được trợ giúp vốn từ Dự án 2. Trước đây, vợ chồng anh Thắng sống bằng nghề làm thuê, thu nhập bấp bênh. Năm 2018, anh Thắng tận dụng ao phía sau nhà nuôi ếch thịt kết hợp nuôi thêm cá tra. Ban đầu, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên việc chăn nuôi chưa hiệu quả. Nhận thấy anh Thắng chí thú làm ăn, năm 2023, địa phương hỗ trợ anh 30 triệu đồng từ dự án đa dạng hóa sinh kế và giới thiệu anh vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền 40 triệu đồng. Có vốn, anh Thắng đầu tư nuôi ếch, cá tra thuận lợi hơn. Anh Nguyễn Văn Thắng bộc bạch: “Hiện tại, mỗi năm, tôi thu hoạch khoảng 10 tấn ếch và hơn 1 tấn cá tra, giúp tôi có thêm thu nhập. Nhờ được sự tiếp sức của địa phương, vợ chồng tôi có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống và hiện tại gia đình đã thoát nghèo”.

Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến tháng 8/2024, huyện thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo như: hỗ trợ hơn 13.000 hộ tiếp cận vay vốn tín dụng; cấp bảo hiểm y tế cho trên 14.700 lượt người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có thu nhập thấp... góp phần tạo động lực, giúp nhiều hộ nghèo giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Giai đoạn 2020 - 2023, toàn huyện có 280 hộ thoát nghèo, 663 hộ thoát cận nghèo; huyện phấn đấu đến cuối năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1%. Theo UBND huyện Tháp Mười, hiện nay, địa phương tiếp tục tuyên truyền, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên của người dân. Tập trung triển khai các dự án, tiểu dự án Chương trình mục tiêu Quốc gia GNBV; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương.

Mỹ Xuyên

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/ho-tro-sinh-ke-giup-nguoi-dan-giam-ngheo-ben-vung-126463.aspx