Hỗ trợ thiết thực cho người lao động

Dù nền kinh tế nước ta đang phục hồi rõ nét nhưng 'bức tranh' thu nhập, đời sống người lao động vẫn đan xen gam màu sáng tối, chưa có sự bứt phá. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này đòi hỏi cần thêm một số chính sách, sự vào cuộc đồng bộ trong điều hành, thực hiện để hỗ trợ người lao động một cách thiết thực...

Công nhân Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment (huyện Mê Linh) đã được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Đỗ Tâm

Công nhân Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Vit Garment (huyện Mê Linh) đã được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Đỗ Tâm

Thu nhập bình quân tăng nhưng bất ổn còn đó

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2022, số người có việc làm tăng so với cùng kỳ năm 2021; đặc biệt lao động trong ngành dịch vụ tăng đáng kể. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là gần 1,1 triệu người, giảm 47,6 nghìn người; thu nhập bình quân của người lao động là 6,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 5,3% (tương ứng tăng 326.000 đồng) so với cùng kỳ năm 2021.

Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) Phạm Hoài Nam cho hay, thu nhập của đa số người lao động có sự cải thiện khá rõ nét trong bối cảnh kinh tế - xã hội vừa đi qua “cơn bão Covid-19”. Đời sống dân sinh cũng như sự ổn định xã hội được giữ vững tạo tiền đề chắc chắn cho quá trình phục hồi diễn ra trên diện rộng. Tuy nhiên, cũng có không ít dấu hiệu, hiện tượng bất lợi, tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Trước hết, lạm phát trung bình 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng khá cao và tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh. Đặc biệt, giá xăng, dầu gần như tăng liên tục trong nhiều tháng qua ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của người lao động. Bởi, khi giá xăng, dầu tăng 10% sẽ tác động làm chỉ số giá tăng 0,36%.

Hiện, giá cả tăng cao đã thể hiện ngày càng rõ, "ngấm" vào đời sống và tác động không nhỏ tới hộ gia đình. Chị Đinh Thúy Lan (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) cho biết, với thu nhập cố định của người làm công hưởng lương, lạm phát tăng ảnh hưởng ngay tới mức chi tiêu. Đối với lao động tự do hoặc tại doanh nghiệp nhỏ, việc chi tiêu phải cân nhắc hơn, ưu tiên cho nhóm thiết yếu như thực phẩm, đồ gia dụng, điện, nước...

Anh Nguyễn Tuấn Tú, lái xe dịch vụ cho biết, một “cuốc” xe từ nội thành Hà Nội lên sân bay Nội Bài hiện rất khó định giá sao cho hài hòa, vì lấy giá cũ thì lái xe thiệt, mà lấy thêm 30.000-50.000 đồng thì lo không giữ được khách.

Các chuyên gia kinh tế lo ngại, trong thời gian tới, những bất ổn trên thế giới sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, như làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tăng chi phí đầu vào…, từ đó ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động.

Chủ động cải thiện tình hình

Để hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn, từ năm 2021, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội, như trợ cấp lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Mới nhất, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ. Được biết, có khoảng 3,4 triệu lao động được thụ hưởng chính sách này, trong đó khoảng 1,2 triệu hồ sơ đã được tiếp nhận. Liên quan đến chính sách này, thành phố Hà Nội đã sớm ban hành kế hoạch xác định nguồn vốn, rút gọn thủ tục nhận hỗ trợ thông qua ủy quyền cho các quận, huyện xét duyệt, chi trả tiền cho người lao động.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu thực hiện các giải pháp bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động; chăm lo, bảo đảm đời sống cho người lao động; tổ chức thông tin, điều tiết kết nối cung - cầu lao động. Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục chi hỗ trợ cho 414.000 người lao động đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, tổng cộng khoảng 1.155 tỷ đồng. Đây là những trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ sát ngày hết hạn (ngày 31-12-2021) nhưng thông tin cần xác minh, điều chỉnh, dẫn đến không kịp chi trả...

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc kiềm chế đà tăng giá là giải pháp trợ giúp người lao động thiết thực nhất. Đó là bảo đảm cân đối cung - cầu, triển khai chương trình bình ổn thị trường đối với mặt hàng thiết yếu, xử lý tình trạng tăng giá bất hợp lý.

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định, vừa qua giá xăng, dầu giảm với mức khá lớn là tín hiệu vui. Song giá mặt hàng này phụ thuộc vào thị trường thế giới, nên cần tính tiếp phương án giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt; giám sát chặt chẽ, bảo đảm tính đúng, tính đủ và minh bạch các yếu tố cấu thành giá xăng, dầu, vì quyền lợi người dân.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ trực tiếp người lao động bị tác động lớn bởi giá xăng, dầu (như với ngư dân); đẩy nhanh chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, bởi hỗ trợ doanh nghiệp chính là hỗ trợ người lao động có việc làm và thu nhập ổn định.

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1037044/ho-tro-thiet-thuc-cho-nguoi-lao-dong