Hỗ trợ tối đa để cán bộ Ninh Thuận an tâm ra Khánh Hòa làm việc

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa và Tỉnh ủy Ninh Thuận vừa thống nhất các nội dung quan trọng trong đề án hợp nhất hai địa phương. Đây là bước đi chuẩn bị cho quá trình xây dựng một tỉnh mới phát triển mạnh mẽ, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Hợp nhất 2 tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa thành tỉnh mới có diện tích hơn 8.550 km2, dân số 2,2 triệu người người và Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hòa.

Như vây, tỉnh Khánh Hòa mới sẽ có bờ biển dài nhất nước với 490km, có 210 km Quốc lộ 1A dài nhất miền Trung. Quy mô dân số, tài nguyên mở rộng giúp tăng thu hút đầu tư. Hạ tầng được đồng bộ hóa, giảm chi phí logistics từ 21,5% GRDP xuống ≤18% vào năm 2028. Bộ máy hành chính tinh gọn, tiết kiệm ngân sách từ 300 tỷ đồng - 500 tỷ đồng/năm, tái phân bổ cho hạ tầng, chuyển đổi số và an sinh xã hội. Quỹ đất từ trụ sở kém hiệu quả được tái sử dụng cho công trình công cộng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa và Tỉnh ủy Ninh Thuận vừa thống nhất các nội dung quan trọng trong đề án hợp nhất hai địa phương.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa và Tỉnh ủy Ninh Thuận vừa thống nhất các nội dung quan trọng trong đề án hợp nhất hai địa phương.

Sau sắp xếp, tỉnh Khánh Hòa còn 13 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; hợp nhất các ban quản lý dự án, vườn quốc gia, trường cao đẳng hiện có thành 11 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh. Tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng trụ sở mới để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trước mắt, một số trụ sở hành chính tại tỉnh Ninh Thuận vẫn duy trì để tiếp nhận và xử lý thủ tục cho người dân.

Ông Lê Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc sáp nhập là chủ trương lớn, phù hợp với nguyện vọng của người dân hai tỉnh, đồng thời mở ra không gian phát triển mới, dư địa lớn để địa phương tăng tốc: “ Hai tỉnh sáp nhập lại, với những thế mạnh vốn có, giá trị cốt lõi sẽ tạo ra những năng lực phát triển mới, cực nhanh, cực mạnh. Sẽ tạo ra những chuỗi đô thị đẳng cấp quốc tế, du lịch- dịch vụ trở thành ngành phát triển rất nhanh. Vấn đề đặt ra, phải đảm bảo cân bằng, hài hòa, đồng đều, không khéo một tỉnh mà có 2 nền kinh tế. Cần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền và giữa các tầng lớp dân cư”.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành (bên phải) và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh chủ trì buổi làm việc giữa Ban Thường vụ 2 tỉnh

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành (bên phải) và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh chủ trì buổi làm việc giữa Ban Thường vụ 2 tỉnh

Theo phương án của tỉnh Khánh Hòa, cán bộ từ tỉnh Ninh Thuận ra tỉnh Khánh Hòa làm việc sẽ được bố trí nhà công vụ theo quy định. Nhà ở công vụ dành cho lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo sở sẽ được bố trí theo tiêu chuẩn diện tích từ 80m² đến 145m², hoàn thành cuối năm 2025. Nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức sẽ được sắp xếp tại các khu ký túc xá sau khi cải tạo. Phương tiện đi lại sẽ được lựa chọn như tự túc xe cá nhân, thuê xe công vụ, xe buýt hoặc tàu hỏa có hỗ trợ chi phí di chuyển.

UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp hoàn chỉnh hồ sơ, trình Chính phủ và Quốc hội trước ngày 01/5/2025; Đưa tỉnh mới vào hoạt động chính thức kể từ ngày 01/9/2025. Tuy vậy, hiện vẫn còn nhiều cán bộ tỉnh Ninh Thuận băn khoăn về chỗ ở, đi lại và việc học hành của con em khi phải chuyển đến thành phố Nha Trang làm việc. Có trường hợp là mẹ đơn thân, con nhỏ đang học lớp 3, lớp 4 nên càng cần sự hỗ trợ cụ thể về nơi lưu trú, nhập học, sinh hoạt. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng chính sách miễn học phí cho học sinh; đồng thời giao Sở Xây dựng đang xây dựng đề án cụ thể, trong đó ưu tiên bố trí các cán bộ đủ điều kiện được thuê mua nhà ở xã hội theo quy định.

Tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng trụ sở mới

Tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng trụ sở mới

Ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận đề nghị các cấp ủy chú trọng đến việc nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ. “Cần nắm bắt rõ cán bộ, công nhân viên cần gì trong các lĩnh vực. Với nhà làm việc đã yên tâm rồi, còn có khả năng sẽ có vị trí làm việc ở Ninh Thuận. Còn chỗ ở công vụ, đi lại, bố trí chuyện học hành của con đi ra theo. Giao UBND tỉnh Ninh Thuận tổng hợp lại, đề xuất Ban chỉ đạo, đáp ứng theo nguyên tắc đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn và đủ điều kiện cân đối của địa phương”.

Trong thời gian ngắn nhưng lãnh đạo 2 tỉnh đã có nhiều buổi làm việc, thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc. Đến nay, đề án hợp nhất, dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030 đã được 2 tỉnh phối hợp xây dựng, đảm bảo tiến độ, chất lượng cao. Đặc biệt, dự thảo định hướng phát triển tỉnh mới giai đoạn 2025-2030 đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên hai con số, thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ và quyết tâm bứt phá thành đô thị trực thuộc Trung ương. Liên quan chính sách cho cán bộ sau hợp nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã thống nhất tạo điều kiện tối đa từ công việc, nơi ở đến phương tiện đi lại, để cán bộ yên tâm công tác và cống hiến cho một giai đoạn phát triển mới.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nghiêm Xuân Thành

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết: “Cán bộ, đảng viên tỉnh Ninh Thuận chuyển địa điểm làm việc xa nhà, hết sức khó khăn trong giai đoạn đầu. Đề nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh sau sáp nhập, trên cơ sở quan điểm của Ban thường vụ tỉnh ủy của 2 tỉnh đã thống nhất, sớm ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Ninh Thuận đến làm việc tại tỉnh Khánh Hòa”.

Thái Bình/ VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/ho-tro-toi-da-de-can-bo-ninh-thuan-an-tam-ra-khanh-hoa-lam-viec-post1194246.vov