Hỗ trợ việc làm cho người nghèo
Mục tiêu Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững đặt ra là có 100% người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động và hỗ trợ tìm việc làm.
Lũy kế đến hết tháng 10-2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn chính sách pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và định hướng nghề nghiệp, việc làm cho hơn 28.000 lượt người.
Chính sách hỗ trợ của tỉnh tạo điều kiện cho NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được học nghề phù hợp. Sau học nghề, NLĐ được các đơn vị dạy nghề giới thiệu việc làm hoặc tự tạo việc làm để có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Mục tiêu đó của Thái Nguyên được phân bổ thành 4 tiểu dự án. Tiểu dự án 1 là phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô, chất lượng đào tạo; hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, cận nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh. Qua đó, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tiểu dự án này có kinh phí thực hiện hơn 6,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương gần 6 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 800 triệu đồng.
Tiểu dự án 2 chủ yếu cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho NLĐ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Với kinh phí hỗ trợ gần 4,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 3,6 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương, Tiểu dự án 2 tập trung cho đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thông thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu... Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc; hỗ trợ giao dịch việc làm; quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác; thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; lưu trữ, bảo mật thông tin cơ sở dữ liệu lao động và kết nối việc làm thành công...
Kế hoạch thực hiện các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Tiểu Dự án 3, Tiểu Dự án 4 có tổng kinh phí là 300 triệu đồng. Theo đó, 2 hạng mục này tập trung phân tích, dự báo thị trường lao động, gắn kết giữa đào tạo nghề với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Hai tiểu dự án 3 và 4 có 100 doanh nghiệp tham gia, 300 NLĐ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm thành công.
Để triển khai thực hiện Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở; ưu tiên các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trong đó, đặc biệt chú trọng các nội dung giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, cơ chế hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo; vận động người nghèo nêu cao ý thức tự lực, tham gia học nghề, học tập kinh nghiệm trong sản xuất, tự tạo việc làm, chủ động vay vốn đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập.
Cùng với đó, tỉnh giao các địa phương tập trung làm tốt công tác điều tra, rà soát, tổng hợp nhu cầu học nghề và việc làm của người nghèo để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp; chủ động kết nối cung - cầu với các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho NLĐ sau đào tạo; triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển, mở rộng sản xuất - kinh doanh, góp phần tạo thêm việc làm mới cho NLĐ.
Từ thực tế triển khai và theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo trên địa bàn tỉnh đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần giảm nhanh hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh.