Hòa Bình: Chuyển đổi cây trồng dược liệu giúp xóa đói giảm nghèo
Để phát triển kinh tế giúp bà con vùng sâu, vùng xa xóa đói giảm nghèo, tỉnh Hòa Bình đã có kế hoạch thực hiện chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả và vườn tạp sang trồng cây dược liệu. Đây là hướng đi hiệu quả của nhiều địa phương trong tỉnh Hòa Bình.
Điểm sáng phát triển cây dược liệu
Xã Yên Trị (Yên Thủy) là một trong những "điểm sáng” về phát triển cây dược liệu.
Theo ông Bùi Phi Diệp - Chủ tịch UBND xã Yên Trị, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), bài toán đầu tiên được đặt ra với cấp ủy, chính quyền xã là làm sao nâng cao thu nhập cho người dân. Chủ trương chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả và các khu vườn tạp sang trồng cây dược liệu xuất phát từ đó.
Để đem lại hiệu quả cao nhất, địa phương chủ động chọn các cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, cây dược liệu quý bản địa và tuyên truyền người dân đưa vào trồng thay thế. Đồng thời, xã đề xuất với huyện đồng hành, phối hợp với các trung tâm dược liệu, các công ty dược để xây dựng mô hình liên kết sản xuất. Không như cây trồng mùa vụ, đặc thù của cây dược liệu chủ yếu là dài ngày, trồng một lần thu nhiều năm, công chăm sóc ít mà giá trị kinh tế mang lại cao gấp khoảng 3 lần so với trồng lúa. Từ hướng đi đúng, đời sống của nhiều hộ dân Yên Trị ngày càng khấm khá. Diện tích trồng dược liệu tại xã được mở rộng khoảng 35ha, thu hút 45 hộ tại HTX Nông nghiệp Yên Trị và 100 hộ cùng tham gia.
Cùng với xã Yên Trị, trồng và phát triển cây dược liệu đã được nhiều địa phương triển khai. Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 2.350 ha dược liệu, trong đó có 197,6 ha trồng xen trên đất rừng, còn lại được trồng trên đất cây hàng năm, cây lâu năm... Một số loại dược liệu chính có diện tích và sản lượng lớn như: sả 1.600 ha cho thu hoạch trên 11 nghìn tấn/năm; cà gai leo 167 ha, thu hoạch trên 1,2 nghìn tấn/năm; xạ đen 218 ha, thu hoạch 1,62 nghìn tấn/năm... Cùng với đó là các dược liệu khai thác tự nhiên với đa dạng về loài, giống như: chè dây, lạc tiên, thất diệp nhất chi hoa, lan kim tuyến...
Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư trồng, chế biến dược liệu. Các dự án, Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã giúp đẩy mạnh và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào canh tác, sơ chế, chế biến cây dược liệu.
Tiềm năng phát triển cây dược liệu trên đất lâm nghiệp tỉnh Hòa Bình
Để đẩy mạnh phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3119/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc phê duyệt dự án quy hoạch phát triển cây dược liệu tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Dự án với mục tiêu phát triển cây dược liệu nhằm bảo tồn các nguồn gen quý, dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần tăng hệ số sử dụng đất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ tài nguyên rừng, nguồn dược liệu quý.
Mục tiêu cụ thể của dự án là đến năm 2025 quy hoạch các vùng có dược liệu tự nhiên trọng điểm để bảo tồn nguồn gen đặc hữu, bản địa, có giá trị để phát triển bền vững trong tự nhiên, lựa chọn và khai thác hợp lý 10 loại dược liệu chính đạt 8.000-9.000 ha/năm. Đến năm 2030, quy hoạch và mở rộng diện tích vùng trồng cây dược liệu hàng hóa đạt 15.000 ha, sản lượng đạt khoảng 80-120 nghị tấn/năm. Bên cạnh đó tại Quyết định số 513/QĐ-UBND ngày 21/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bản tỉnh Hòa Bình, tỉnh đã xác định, dược liệu thuộc nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh được ưu tiên thúc đẩy phát triển.
Theo kế hoạch, đến năm 2025 phát triển khoảng 8.500 ha cây dược liệu bằng việc tận dụng tốt quỹ đất vườn, gò đồi. Trong đó, phát triển khoảng 1.800 ha trồng cây dược liệu trên đất rừng với các loài cây như: cà gai leo, sachi, sa nhân, hà thủ ô, đương quy, giảo cổ lam, xạ đen, ba kích, huyết đẳng, linh chi, khôi nhung, gừng, nghệ,….
Hiện tại, theo số liệu thống kê đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có trên 2.145 ha cây dược liệu, hương liệu được trồng và khai thác. Trong đó, các loại cây trồng chính có diện tích và sản lượng lớn như: sả 1.576 ha cho thu hoạch trên 10.790 tấn, cà gai leo 294 ha thu hoạch 2.210 tấn, xạ đen 218 ha thu hoạch 1.620 tấn; ngoài ra, còn các loại cây khác như: nghệ (đỏ, vàng), ngải cứu, giảo cổ lam, đẳng sâm, hương nhu, đinh lăng, cát sâm, thìa canh... có diện tích trồng dưới 50 ha.
Ngoài diện tích trồng tập trung trên đất bằng... diện tích dược liệu trồng dưới tán rừng hiện mới chỉ có khoảng 64,5 ha,... Như vậy, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trên đất lâm nghiệp còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, còn thiếu tính bền vững; thiếu các chuỗi giá trị từ gây trồng, canh tác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; chưa phát huy hết tiềm năng đất đai, lao động của địa phương.
Để đánh giá được toàn diện thực trạng, phân bố, phát triển các loài cây dược liệu có giá trị, phù hợp trên đất lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất UBND tỉnh về việc xây dựng phương án “Điều tra, đánh giá và đề xuất các giải pháp phát triển mô hình trồng cây dược liệu có giá trị trên đất lâm nghiệp của tỉnh Hòa Bình”.
Việc đánh giá hiện trạng sẽ góp phần có các giải pháp phát triển trồng cây dược liệu trên đất lâm nghiệp nhằm tận dụng tối đa diện tích đất và khoảng không gian dinh dưỡng dưới tán rừng mang lại thu nhập và cải thiện sinh kế của người dân góp phần thực hiện thành công kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021- 2025 và giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, đánh giá được thực trạng, phân bố, phát triển các loài cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; xác định được được các loài cây dược liệu có giá trị phù hợp trên diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh Hòa Bình; xây dựng được cơ sở dữ liệu và bản đồ phân vùng thích hợp phát triển các loài cây dược liệu có giá trị trên đất lâm nghiệp của tỉnh Hòa Bình…Từ đó đề xuất được các giải pháp phát triển mô hình trồng cây dược liệu có giá trị trên đất lâm nghiệp của tỉnh Hòa Bình.