Hòa Bình khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong thực hiện Chương trình MTQG 1719

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, UBND tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến năm 2025, giảm 50% xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK); đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

NỘI DUNG

Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN theo Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

Lập đoàn kiểm tra giám sát chặt chẽ chương trình MTQG 1719

Thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN (MTQG 1719), tỉnh Hòa Bình có tổng số vốn kế hoạch năm 2023 là 813.580 triệu đồng, trong đó: Vốn đầu tư là 361.171 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 452.409 triệu đồng.

Hiện nay, các danh mục, dự án được giao các đơn vị đang thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư; dự kiến trong quý III/2023 các danh mục, dự án tổ chức thực hiện giai đoạn thực hiện đầu tư và giải ngân nguồn vốn theo quy định. Ước thực hiện đến ngày 31/12/2023 hoàn thành và giải ngân 100% so với kế hoạch giao, bao gồm cả nguồn kinh phí năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023.

Tỉnh Hòa Bình có 145/151 xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) theo trình độ phát triển trên địa bàn giai đoạn 2021-2025; trong đó: 59 xã khu vực III thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK), 12 xã khu vực II, 74 xã khu vực I và 86 thôn, xóm đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II, khu vực I.

Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN theo Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

Nhiều mô hình nông nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS tỉnh Hòa Bình.

Nhiều mô hình nông nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS tỉnh Hòa Bình.

Đồng bào DTTS sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, đây là vùng "lõi nghèo" của cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh. Do xuất phát điểm thấp nên hạ tầng kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực thôn, xã đặc biệt khó khăn còn nhiều hạn chế, kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp, chưa mang tính hàng hóa, đời sống của nhân dân chưa thực sự đảm bảo, điều kiện và cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội thấp; thoát nghèo chưa có tính bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; chất lượng nguồn nhân lực thấp, đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập; còn một số hạn chế về bình đẳng giới; vẫn tồn tại hủ tục lạc hậu như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Từ rất sớm, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo, các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố phối hợp tiến hành rà soát thực trạng KT-XH vùng nhằm mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS&MN so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025, giảm 50% xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK); đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản ĐBKK.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước.

Quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân. Nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu.

Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự cơ sở; củng cố, tăng cường khối Đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Để đạt được những mục tiêu đó, tỉnh cũng đã đề ra các giải pháp cụ thể là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; tập trung đầu tư cho các xã có điều kiện thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, các xã, thôn, xóm khó khăn nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, DTTS khó khăn nhất để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025.

Lập đoàn kiểm tra giám sát chặt chẽ chương trình MTQG 1719

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khảo sát thực tế việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia tại xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: H.Ngọc

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khảo sát thực tế việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia tại xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: H.Ngọc

Từ nhiều năm nay, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình được biết đến là địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình nhưng từ khi Chương trình MTQG 1719 được triển khai, vùng đồng bào DTTS đã có sự thay đổi cơ bản nhờ vào việc lập đoàn kiểm tra giám sát chặt chẽ.

Trong thực hiện các Chương trình MTQG 1719 tại cơ sở, khi có dấu hiệu bất thường, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã đã phối hợp với Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xóm Tày Măng, xóm Riêng lập đoàn kiểm tra, giám sát công trình. Khi giám sát phát hiện nhiều đoạn đường đơn vị thi công không gạt bỏ cành cây, que gậy trong khi đổ đất làm hai bên đường; có hơn 30m đường xuất hiện các vết rạn nứt, có đoạn không trải nền móng đảm bảo độ dày 15cm, có đoạn độ dày bê tông không đảm bảo 18cm. Tất cả những sai phạm trên đã được Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã đã chụp ảnh minh họa kèm báo cáo giám sát gửi UBND xã.

Trước thực trạng đó, UBND xã yêu cầu đơn vị thi công khắc phục những tồn tại trong quá trình thi công, xây dựng công trình, giải trình cho cử tri và nhân dân rõ việc thực hiện chưa đúng yêu cầu như phê duyệt kỹ thuật của đơn vị thi công. Cũng bằng cách giám sát theo sự phản hồi của nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã Tu Lý đã chỉ ra đơn vị thi công sử dụng gạch không đảm bảo chất lượng xây dựng công trình trường học trên địa bàn xã. Do đó, Ban giám sát đã yêu cầu đơn vị này phải loại bỏ những viên gạch không đảm bảo chất lượng khi thi công công trình.

Bảo Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hoa-binh-khai-thac-tiem-nang-loi-the-cua-cac-dia-phuong-trong-thuc-hien-chuong-trinh-mtqg-1719-16923100311201182.htm