Hóa đơn tiền điện tăng đột biến, sếp Điện lực TP.HCM nói gì?

Do thay đổi ngày ghi điện nên số ngày sử dụng điện của khách hàng nhiều lên, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng cao - đại diện điện lực TP.HCM giải thích và gửi lời xin lỗi tới khách hàng.

Điều chỉnh ngày ghi chỉ số điện về cuối tháng

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) tại họp báo chiều 7/9 đã thông tin cụ thể về tình hình hóa đơn tiền điện tháng 8 vừa qua tăng đột biến, gây xôn xao dư luận.

Vị này giải thích, những năm qua, việc ghi chỉ số tính tiền điện của khách hàng được theo lịch, từ mùng 3 đến ngày 25 hàng tháng, để đảm bảo đủ nguồn nhân lực ghi chỉ số hàng ngày.

Tuy nhiên, EVNHCMC đã cơ bản hoàn thành việc thay gắn công tơ có chức năng đo xa cho các khách hàng trên địa bàn TP.HCM nên việc thu thập chỉ số phục vụ công tác tính tiền điện hàng tháng hoàn toàn tự động, từ xa. Do đó, Điện lực TP.HCM đã không cử nhân viên đi ghi chỉ số mà hoàn toàn ghi tự động từ xa.

Để khai thác hiệu quả hơn hệ thống trên, EVNHCMC có kế hoạch triển khai ghi chỉ số công tơ vào cuối hàng tháng, từ tháng 9/2022. Đơn vị đặt mục tiêu đến năm 2024 sẽ hoàn tất 100% khách hàng mục đích sinh hoạt, khách hàng mục đích ngoài sinh hoạt có sản lượng tiêu thụ <50.000 KWh/tháng chỉ ghi điện một ngày cuối mỗi tháng.

Hóa đơn tiền điện tháng 8/2023 của một gia đình tại TP. Thủ Đức, TP.HCM (Ảnh: Trần Chung)

Hóa đơn tiền điện tháng 8/2023 của một gia đình tại TP. Thủ Đức, TP.HCM (Ảnh: Trần Chung)

Việc này giúp khách hàng dễ nhớ ngày ghi chỉ số, ngày thanh toán tiền điện, cũng như thuận lợi cho các khách hàng là doanh nghiệp thực hiện đúng quy định kế toán “Kỳ kế toán tháng, là 1 tháng tính từ đầu ngày đầu tháng đến hết ngày cuối cùng của tháng”.

Do vậy, theo ông Kiên, duy nhất trong tháng có thay đổi ngày ghi chỉ số, khách hàng có số ngày sử dụng điện tăng thêm nên số tiền phải trả tương ứng cũng tăng theo, tùy theo số ngày sử dụng điện. Tương ứng với số ngày sử dụng điện tăng, ngành điện cũng đã điều chỉnh định mức bậc thang đối với khách hàng sinh hoạt để đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng điện.

Trước khi thực hiện thay đổi ngày ghi chỉ số, EVNHCMC đã thông báo đến khách hàng về thay đổi ngày ghi điện về thời gian thực hiện; đồng thời giải thích chi tiết các thay đổi về sản lượng điện tiêu thụ và tiền điện trong tháng.

Hình thức thông báo là tin nhắn trực tiếp qua ứng dụng (app) chăm sóc khách hàng và Zalo. Đồng thời, cũng đã thông báo qua các địa bàn.

"Việc thay đổi phiên ghi điện được thực hiện đối với một số lượng lớn khách hàng. Ngành điện xin lỗi về sự bất tiện trong đợt thực hiện điều chỉnh vừa qua", lãnh đạo điện lực TP.HCM nói.

Tiền điện tháng 8 tăng thêm từ 11 đến 28 ngày

Về kết quả giải đáp các thắc mắc của khách hàng trong kỳ hóa đơn tháng 8/2023, ông Kiên cho biết, đến nay, đơn vị đã hoàn tất chuyển lịch ghi chỉ số về cuối hàng tháng cho gần 2 triệu khách hàng, số khách hàng còn lại sẽ thực hiện trong thời gian tới và hoàn tất 100% trong năm 2024.

Riêng trong tháng 8/2023, ngành điện triển khai thay đổi ngày ghi điện về cuối tháng cho hơn 400.000 khách hàng thuộc các phiên ghi điện cũ ghi từ ngày 3 đến ngày 20 hàng tháng, nên ngày sử dụng điện trong kỳ hóa đơn tháng 8 đối với số khách hàng này tăng thêm từ 11-28 ngày, tương ứng với lịch phát hành hóa đơn và thanh toán cũng dời về đầu tháng 9/2023.

Cụ thể, 1 trường hợp khách hàng sinh hoạt, thuộc khu vực ghi điện ngày 11 hàng tháng, kể từ tháng 8/2023 chuyển về ghi điện ngày cuối tháng (31/8), điện năng tiêu thụ là 550Kwh. Trong kỳ hóa đơn tháng 8/2023, số ngày sử dụng điện của khách hàng tăng thêm 20 ngày được tính toán như hình bên dưới.

Ví dụ cho thấy lượng điện tiêu thụ và tiền điện tăng đáng kể của một khách hàng sau khi điều chỉnh ngày ghi. (Nguồn: EVNHCMC)

Ví dụ cho thấy lượng điện tiêu thụ và tiền điện tăng đáng kể của một khách hàng sau khi điều chỉnh ngày ghi. (Nguồn: EVNHCMC)

Như vậy, tiền điện tháng 8 tăng nhiều so với tháng trước, nguyên nhân chính do chuyển ngày ghi điện về cuối tháng nên số ngày sử dụng điện của khách hàng tháng 8 tăng thêm từ 11 đến 28 ngày, tùy theo phiên ghi điện cũ.

Ngoài ra, còn 1 nguyên nhân khách quan nữa có thể khách hàng chưa để ý là các ngày trong tháng 8 thời tiết nắng nóng hơn nên nhu cầu sử dụng điện cũng tăng hơn so với tháng 7. Điện lực thành phố đã giải thích rõ và tỷ lệ khách hàng đóng tiền hóa đơn là trên 60%, không còn khách hàng nào thắc mắc về vấn đề này, theo ông Kiên.

Trước đó, nhiều người dân tại TP.HCM phản ánh việc hóa đơn tiền điện tháng 8/2023 tăng vọt, hóa đơn tăng ít cũng khoảng 30%, cùng với đó, lượng điện tiêu thụ cũng tăng đột biến. Hiện tượng trên khiến người dân cảm thấy khó hiểu với cách tính toán giá điện và đo xa chỉ số của ngành điện lực thành phố.

Trần Chung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hoa-don-tien-dien-tang-dot-bien-lanh-dao-dien-luc-tp-hcm-xin-loi-2186768.html