Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Nên theo cơ chế thu phí

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và TAND TC vừa phối hợp tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Phần lớn tranh chấp kinh doanh thương mại là tranh chấp hợp đồng

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, việc đưa ra cơ chế hòa giải tại tòa án là một bước đi tiếp theo nhằm cải cách tư pháp, để cho hệ thống tòa án trở nên thân thiện hơn và quyền tiếp cận công lý của người dân và DN được bảo đảm hơn. Hoạt động hòa giải tại tòa án đã được thí điểm tại một số địa phương và mang lại kết quả tích cực.

“Mặc dù vậy, các quy định cụ thể của đạo luật này sẽ tác động như thế nào đến việc giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại thì vẫn đang được nghiên cứu, đánh giá”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, đặc điểm của những tranh chấp kinh doanh thương mại cho thấy, tỷ lệ lớn các tranh chấp này là tranh chấp hợp đồng. Một bên thường khởi kiện bên còn lại vì lý do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung hợp đồng. Các bên đa phần hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình, nhưng thường chây ỳ, không thực hiện. Do đó, việc áp dụng các biện pháp hòa giải cũng sẽ rất khác so với tranh chấp dân sự của các cá nhân hay hôn nhân gia đình.

"Hàng năm, VCCI tiến hành khảo sát khoảng 10.000 DN dân doanh tại Việt Nam, trong đó có nhiều nội dung về hệ thống tư pháp.

Trả lời câu hỏi nếu có tranh chấp thì DN có sử dụng tòa án để giải quyết? Thì số liệu điều tra cho thấy, tỷ lệ DN sẵn sàng khởi kiện năm 2018 là 45%. Mặc dù đây là mức khá thấp, nhưng cũng đã được cải thiện so với năm 2016.

Tuy nhiên, đó là đối với các DN nội địa. Còn đối với các DN FDI thì tỷ lệ sẵn sàng khởi kiện khi có tranh chấp vẫn rất thấp, chỉ có 8% các DN FDI trả lời có ở câu hỏi trên”, ông Tuấn cho biết.

Ông Tống Anh Hào, thẩm phán TANDTC nhìn nhận, con đường giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại khiến các bên giải quyết tranh chấp bằng đưa ra 1 phương án đồng thuận là tốt nhất. Và sau hòa giải thành, các bên còn có thể tiếp tục hợp tác với nhau.

Phương thức này còn rút ngắn được thời gian giải quyết tranh chấp, tiết kiệm chi phí, nhân lực, thời gian, công sức, và với sự đồng thuận, việc thi hành cũng tự nguyện.

Cho phép các bên tranh chấp lựa chọn tiến hành hòa giải

Theo quy định của pháp luật hiện hành, có thể phân loại thành hai nhóm quy định về hòa giải là hòa giải, đối thoại trong tố tụng và hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định về cơ chế hòa giải, đối thoại đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tòa án giải quyết, trước khi tòa án thụ lý theo quy định của pháp luật tố tụng.

Vì vậy, Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án đang được xây dựng nhằm tạo cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại, không trùng lặp, không mâu thuẫn, không thay thế các cơ chế pháp lý về hòa giải, đối thoại hiện có.

Theo Dự thảo, hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Hòa giải viên Nguyễn Mạnh Dũng, PGĐ Trung tâm hòa giải Việt Nam - Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, Dự thảo cần quy định cụ thể các trường hợp không được hòa giải tại tòa án và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, cho phép các bên tranh chấp lựa chọn tiến hành hòa giải tiền tố tụng hoặc hòa giải trong tố tụng. Cụ thể, nên bổ sung quy định về miễn thủ tục hòa giải do thẩm phán tiến hành với các tranh chấp đã được tiến hành hòa giải, đối thoại tại tòa án trong giải đoạn tiền tố tụng.

“Điều này cũng đảm bảo nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận của các bên và đảm bảo rút ngắn quá trình tố tụng do không phải lặp lại bước hòa giải, nếu vụ việc không thể hòa giải, đối thoại được”, ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng, cần công bố công khai danh sách và thông tin cá nhân, lý lịch chuyên môn của hòa giải viên, đối thoại viên để các bên tham gia hòa giải có thể tiếp cận và lựa chọn.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, việc hòa giải, đối thoại tại tòa án nên theo cơ chế thu phí. Ảnh: P.Thảo

Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, việc hòa giải, đối thoại tại tòa án nên theo cơ chế thu phí. Ảnh: P.Thảo

Nên theo cơ chế thu phí

Còn theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, Cty Luật Thiên Thanh, nên xây dựng dự thảo luật theo hướng “Luật hòa giải đối thoại bên cạnh tòa”. Trung tâm này có tư cách pháp nhân riêng trực thuộc tòa án, dưới sự quản lý của tòa án. Vừa đảm bảo cơ chế, địa vị pháp lý bình đẳng với các trung tâm hòa giải thương mại hiện đang hoạt động theo Nghị định 22, do Bộ Tư pháp quản lý.

Theo Dự thảo đang đưa ra hai phương án về cơ chế thu phí. Phương án thứ nhất là Nhà nước không thu lệ phí hòa giải, lệ phí đối thoại tại tòa án. Phương án 2 là Nhà nước thu lệ phí hòa giải, lệ phí đối thoại đối với các trường hợp: Pháp nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính; Cá nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại.

“Thí điểm không thu phí" rõ ràng đây là cơ chế rất có lợi cho các đương sự. Thể hiện tính nhân văn rất cao của pháp luật Việt nam. Tuy nhiên, lại sẽ có vấn đề về lâu dài đối với chế định hòa giải đối thoại tại tòa”, luật sư Truyền nói.

Cụ thể, điều này sẽ khó thu hút được các hòa giải viên giỏi tâm huyết tham gia, dẫn đến không có nhân lực chất lượng cao, không tạo động lực trong công việc. Đồng thời, tăng thêm gánh nặng ngân sách khi toàn bộ các thù lao/phụ cấp cho hòa giải viên đều do ngân sách chi trả; tạo ra sự bất hợp lý đối với các Trung tâm hòa giải khác như hòa giải thương mại…

Vì vậy, luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, nên theo cơ chế thu phí vì xác định theo nguyên tắc tối thượng trong hòa giải là tự nguyện thì việc thu phí thù lao cho hòa giải viên cũng như hoạt động của trung tâm là cần thiết, vừa giảm tải ngân sách quốc gia, vừa đảm bảo chất lượng chuyên môn, thu hút nhân tài tham gia công tác hòa giải, cũng như đảm bảo sự công bằng địa vị pháp lý giữa các trung tâm hòa giải ngoài tòa với trung tâm hòa giải tại tòa.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-nen-theo-co-che-thu-phi-164726.html