Hòa hợp dân tộc, mở rộng khối đại đoàn kết sau thống nhất đất nước

Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vấn đề hòa hợp dân tộc được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận đặt ra và nhất quán khẳng định: đoàn kết, hòa hợp dân tộc là một cam kết chính trị, thể hiện rõ tư tưởng mở rộng Đoàn kết dân tộc trong thời kỳ mới của cách mạng. Việc giải quyết thành công những vấn đề hòa hợp dân tộc được xem là thắng lợi lớn của Đảng lãnh đạo và Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (tổ chức tiền thân của MTTQ Việt Nam) trong quá trình thống nhất đất nước.

Kể từ khi Đảng lãnh đạo và Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam ra đời, chưa bao giờ khí thế và niềm tin của toàn dân tộc được chung đúc cao độ vào giờ phút giải phóng miền Nam, bởi nó được xây đắp không chỉ bằng chiến công đã có, mà bằng cả niềm tin vào vận nước đã mở, tạo cơ hội lớn cho nhân dân ta thực hiện hoài bão của mình là “Toàn Đảng, toàn dân, đoàn kết xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong Di chúc trước khi Người đi xa.

Tuy nhiên, nhiều khó khăn mới lại xuất hiện. Một trong những khó khăn đó là: Cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ để giành lại độc lập dân tộc đã gây ra cho nhân dân ta những hy sinh to lớn cả về sức người và sức của, đồng thời để lại những vết thương tinh thần không dễ hàn gắn trong một sớm, một chiều.

Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận được tổ chức trọng thể tại Hội trường Thống nhất TPHCM từ ngày 31/1 đến 4/2/1977. Ảnh: TTXVN

Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận được tổ chức trọng thể tại Hội trường Thống nhất TPHCM từ ngày 31/1 đến 4/2/1977. Ảnh: TTXVN

Những tổn thất, mất mát đó ăn sâu vào các gia đình Việt Nam, nhất là ở các tỉnh phía Nam, không kể ở phía bên này hay phía bên kia, đòi hỏi phải sớm giải quyết vì hàng triệu binh lính và nhân viên chính quyền cũ cùng các tổ chức đảng phái phản động và gia đình họ không chỉ lo lắng về việc làm và đời sống, mà quan trọng hơn là đang sống trong mặc cảm, lo sợ bị bắt bớ và trả thù, gây khó khăn cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã để lại cho chúng ta những bài học quý về truyền thống ứng xử hòa khí sau mỗi lần kết thúc một cuộc chiến chống xâm lược. Đặc biệt là tư tưởng bao dung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện trong bức thư Người gửi đồng bào miền Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp với nội dung: “5 ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn, dài đều hợp ở nơi bàn tay. Trong mấy triệu người Việt Nam cũng có người thế này người thế khác. Nhưng thế này hay thế khác đều là con Lạc, cháu Hồng. Vì vậy phải lấy tình thương mà cảm hóa họ. Có như vậy mới là đoàn kết. Có đoàn kết thì tương lai ắt sẽ vẻ vang”.

Thấm nhuần tư tưởng bao dung đó, một ngày sau giải phóng Sài Gòn, Trung ương chủ trương: Đối với sĩ quan, binh lính đã đầu hàng thì không bắt mà chỉ giám sát và theo dõi; chỉ trừng trị bọn phá hoại hiện hành.

Ngày 7/5/1975, tại cuộc mít tinh quần chúng Sài Gòn chào mừng thành phố được giải phóng, Thượng tướng Trần Văn Trà - Chủ tịch Ủy ban Quân quản đã nêu rõ chính sách đối với những người trước đây đã làm việc trong bộ máy chính quyền và Quân đội Sài Gòn: “Cách mạng hoàn toàn thông cảm với số đông đã chọn lầm đường hoặc vì hoàn cảnh bắt buộc, là nạn nhân của chính sách mua chuộc và chia rẽ của địch. Chính sách của cách mạng là quang minh, chính đại, độ lượng, khoan hồng. Ngay cả những người trước đây đã trót phạm tội với dân, với nước, nếu biết ăn năn, hối cải, cách mạng sẵn sàng tha thứ, mở rộng đường cho mọi người đều có thể sống lương thiện”.

Vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận đề cập tại các sự kiện lớn như: Kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập MTTQ Việt Nam (10/9/1955 - 10/9/1975), Hội nghị Hiệp thương chính trị giữa hai đoàn đại biểu Bắc Nam bàn việc hoàn thành thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước...

Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận của cả nước được tổ chức trọng thể tại Hội trường Thống nhất TPHCM từ ngày 31/1 đến 4/2/1977. Đại hội hợp nhất 3 tổ chức: MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam lấy tên là MTTQ Việt Nam.

Chương trình hành động được Đại hội thông qua đã khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa trên chính sách liên minh công – nông, MTTQ Việt Nam chủ trương đoàn kết tất cả các chính đảng, các đoàn thể cách mạng, các giai cấp tiến bộ, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ, các lực lượng yêu nước ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài để cùng nhau phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và xã hội chủ nghĩa. Trước hết là thực hiện thắng lợi 8 chương trình chính trị của Mặt trận và tiếp tục thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc nhằm mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân.

Tại Đại hội, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã có bài phát biểu quan trọng. Đồng chí biểu dương những thành tích vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất qua các thời kỳ cách mạng và khẳng định: Mặt trận Dân tộc thống nhất là một nhân tố thắng lợi vô cùng quan trọng của cách mạng nước ta, là một vũ khí chính trị sắc bén để nhân dân ta phát huy sức mạnh tổng hợp vĩ đại của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đối với những người lầm đường, lạc lối, Tổng Bí thư Lê Duẩn nêu rõ: “Trước sau như một, Mặt trận chúng ta kiên trì thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc; những người lầm đường, lạc lối, bất kể quá khứ như thế nào, nay thành tâm hối cải, trở về với nhân dân, phụng sự Tổ quốc, đều có vị trí trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[1].

Từ sau ngày giải phóng miền Nam đã có nhiều tuyên bố và đã thực hiện trong cuộc sống những chủ trương chính sách về đoàn kết và hòa hợp dân tộc, nhưng đây là lần đầu tiên người lãnh đạo cao nhất của Đảng chính thức khẳng định chủ trương đoàn kết, hòa hợp dân tộc là một cam kết chính trị, thể hiện rõ tư tưởng mở rộng đoàn kết dân tộc trong thời kỳ mới của cách mạng.

Một biểu hiện rõ nét nhất của tư tưởng hòa hợp dân tộc là ngay tại Đại hội này, Ủy ban Trung ương Mặt trận do Đại hội cử ra, ngoài đại diện các chính đảng, các tổ chức, đoàn thể, các nhân sĩ, trí thức, các dân tộc, tôn giáo, Việt kiều có cả những vị trước đây từng là tướng lĩnh của quân đội Sài Gòn.

Từ khi giải phóng đến Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận của cả nước, thời gian chưa đầy 2 năm, nhân dân ta đã phấn đấu không ngừng và giành được những thắng lợi mang ý nghĩa lịch sử, thắng lợi không chỉ về kinh tế, tài chính, cơ chế quản lý và quan trọng nhất là đã thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, thống nhất các tổ chức, đoàn thể và Mặt trận.

Một trong những thắng lợi chính trị quan trọng nhất là việc tăng cường đoàn kết toàn dân qua thực hiện có kết quả việc hòa giải, hòa hợp dân tộc, không chỉ nhanh chóng tạo được niềm tin trong các tầng lớp nhân dân, mà còn đập tan những luận điệu tuyên truyền phản động hòng chia rẽ khối đại đoàn kết, gây hoang mang trong nhân dân của các thế lực thù địch.

Tuy nhiên, hòa hợp dân tộc là chủ trương lớn, nhất quán trong đường lối cách mạng, trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc đã được Đảng nhấn mạnh nhiều lần nhưng còn thiếu sự đôn đốc, kiểm tra và những chính sách, biện pháp cụ thể.

Trong việc thi hành những chính sách đã có về đoàn kết, khoan dung đối với những người đã từng làm việc dưới chế độ cũ, do những nhận thức giáo điều, máy móc, do thành kiến, định kiến, hẹp hòi nên có những nơi có sự phân biệt đối xử, ảnh hưởng đến việc thực hiện hòa hợp dân tộc, tăng cường đoàn kết, ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước.

Những sai lầm, khuyết điểm đó đã được Đại hội VI của Đảng - Đại hội đổi mới, phân tích, phê phán và khắc phục để mở rộng khối đại đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân tộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Từ khi giải phóng đến Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận của cả nước, thời gian chưa đầy 2 năm, nhân dân ta đã phấn đấu không ngừng và giành được những thắng lợi mang ý nghĩa lịch sử, thắng lợi không chỉ về kinh tế, tài chính, cơ chế quản lý và quan trọng nhất là đã thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, thống nhất các tổ chức, đoàn thể và Mặt trận. Một trong những thắng lợi chính trị quan trọng nhất là việc tăng cường đoàn kết toàn dân qua thực hiện có kết quả việc hòa giải, hòa hợp dân tộc, không chỉ nhanh chóng tạo được niềm tin trong các tầng lớp nhân dân, mà còn đập tan những luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch hòng chia rẽ khối đại đoàn kết, gây hoang mang trong nhân dân.

[1] Văn kiện đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất tập 2, trang 9.

Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hoa-hop-dan-toc-mo-rong-khoi-dai-doan-ket-sau-thong-nhat-dat-nuoc-10304485.html