Hoa Kỳ bác bỏ ý tưởng mua Nokia và Ericsson để đối phó với Huawei
Ngày 7/2 vừa qua, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã bác bỏ 1 đề nghị bất thường từ Tổng chưởng lý Hoa Kỳ William Barr rằng Hoa Kỳ nên xem xét việc giành quyền kiểm soát 2 đối thủ lớn của Huawei là Nokia và Erisson.
Trước đó William Barr nói rằng, Hoa Kỳ và các đồng minh nên xem xét việc mua cổ phần kiểm soát Nokia của Phần Lan và Ericsson của Thụy Điển để chống lại sự thống trị của Huawei trong công nghệ di động 5G.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow cũng cho biết, Hoa Kỳ đang hợp tác chặt chẽ với Nokia và Ericsson và thiết bị của các công ty này là thứ cần thiết trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho mạng 5G. Nhưng chính phủ Hoa Kỳ không phải là doanh nghiệp để có thể mua các công ty này cho dù họ là công ty trong nước hay nước ngoài. Tuy nhiên, không có quy định nào để cấm các công ty công nghệ của Hoa Kỳ mua lại họ.
“Chúng tôi rất tôn trọng đề xuất của Tổng chưởng lý William Barr, nhưng chúng tôi tin rằng cách tốt nhất cần hướng đến là những gì Chủ tịch Ajit Pai đã công bố trong vài ngày qua”, ông Mike Pence nói. Ý ông Mike Pence muốn đề cập đến những nỗ lực của Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ nhằm giải phóng thêm phổ tần số cho việc sử dụng mạng thông tin di động 5G.
Ông Mike Pence cho biết thêm, đây là kế hoạch mà Tổng thống đã tán thành và sẽ được thực hiện. Hoa Kỳ có thể mở rộng 5G bằng cách sử dụng sức mạnh của thị trường tự do và các công ty Mỹ.
Cổ phiếu của Nokia tăng hơn 4% trên thị trường chứng khoán New York và cổ phiếu của Ericsson thêm 5,4% trên Nasdaq sau những tuyên bố trên. Nokia và Ericsson có tổng vốn hóa thị trường khoảng 53 tỷ đô la và không rõ nguồn vốn nào mà chính phủ Hoa Kỳ có thể có khả năng khai thác để mua cổ phần trong các công ty này và liệu các cơ quan quản lý của Châu Âu có đồng ý cho việc này không.
Tuy nhiên, William Barr lại cho rằng, việc liên kết có thể diễn ra thông qua quyền sở hữu cổ phần kiểm soát của Hoa Kỳ, hoặc trực tiếp hoặc thông qua một tập đoàn gồm các công ty tư nhân và các công ty đồng minh của Mỹ. Việc đầu tư nguồn tài chính lớn vào một hoặc cả hai công ty này sẽ khiến nó trở thành một đối thủ đáng gờm hơn nhiều và loại bỏ những lo ngại về sức mạnh của họ.
“Chúng ta và các đồng minh thân cận nhất của chúng ta chắc chắn cần phải tích cực xem xét phương án tiếp cận này”, ông William Barr nói thêm.
Phan Văn Hòa(theo Reuters)