Hòa nhịp cùng mùa xuân đổi mới
Bất cứ ai, từ nông thôn đến thành thị cũng có thể cảm nhận sâu sắc được quê hương đang thay đổi tích cực, mọi việc đang tốt lên. Diện mạo hạ tầng tiếp tục đầu tư, chất lượng hưởng thụ của người dân không ngừng được cải thiện. Cán bộ và nhân dân thành phố Hòa Bình đón xuân mới với bao dự cảm tốt đẹp.
Quảng trường Hòa Bình rộng lớn thênh thang, phố phường được chỉnh trang sạch đẹp, ngập sắc hoa, các khu đô thị, trung tâm thương mại đang được lấp đầy sôi động, người dân thư thả tản bộ ngắm cảnh bên tuyến phố sông Đà, bên biểu tượng linh vật chào xuân mới hạnh phúc và bình an. Các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh có nhiều đổi mới. Đường sá, công trình phúc lợi tiếp tục được đầu tư. Người dân từng bước được tiếp cận dịch vụ công ích, các chính sách an sinh xã hội. Người nghèo được chăm lo đón Tết an lành. Đây là kết quả thể hiện những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy hướng với quyết tâm cao, cách làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển để người dân hưởng thụ thành quả đổi mới.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, năm 2022, tỉnh hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đạt được những kết quả quan trọng. BTV Tỉnh ủy đã lãnh đạo cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Sửa đổi, thay thế Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy khóa XVII; Quy định về phân cấp, quản lý cán bộ, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Phân công cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị cấp tỉnh theo dõi xã, phường, thị trấn. Rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026; xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031...
Việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về quy hoạch, cải cách hành chính, đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được quan tâm, mở ra cơ hội rất lớn để tỉnh khai thác tiềm năng, lợi thế, bứt phá vươn lên hòa nhịp đổi mới. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Tỉnh đã huy động nguồn vốn để đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, ưu tiên đầu tư phát triển vùng động lực, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, giao thông nông thôn; hạ tầng khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu, điểm du lịch quốc gia,... Tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,03%; GRDP bình quân đầu người đạt 66,7 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 33,42%…
Nhiều hoạt động văn hóa thể theo, thương mại, dịch vụ được tổ chức. Tỉnh cũng tổ chức tốt các hoạt động chăm lo cho người nghèo đón tết, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Năm 2023, Đảng bộ tỉnh tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; đề cao vai trò, trách nhiệm cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Theo đó, tập trung lãnh đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, tập trung chỉ đạo hoàn thành và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng huyện và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các đô thị đã được điều chỉnh mở rộng. Rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng, đẩy mạnh liên kết vùng nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng và địa phương. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tập trung phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như: Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư đối với dự án Đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, khởi công xây dựng một số nhà máy sản xuất để tiêu thụ nông, lâm sản của tỉnh; hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp; chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, xây dựng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, xây dựng vùng hàng hóa đối với các loại cây, con bản địa có giá trị kinh tế cao…Đối với du lịch, tập trung hoàn thiện công tác quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, đồng thời triển khai đồng bộ việc phát triển hạ tầng kết nối với khu du lịch hồ Hòa Bình; phấn đấu trong năm 2023 thu hút được ít nhất 02 nhà đầu tư xây dựng tổ hợp khách sạn 4 sao đến 5 sao trên địa bàn thành phố Hòa Bình để tạo động lực phát triển du lịch của tỉnh. Xây dựng cơ chế, chính sách để gắn giữ gìn và phát huy văn hóa với phát triển du lịch. Sớm triển khai Đề án kinh tế đêm dọc 2 bên bờ sông Đà và khai thác kinh tế sông để làm cho sông Đà tấp nập, sôi động, tạo ra nguồn thu bền vững cho tỉnh. Quan tâm quy hoạch hạ tầng về nhà ở, hạ tầng xã hội ở những địa phương có nhiều khu cụm công nghiệp đảm bảo hạ tầng cho người lao động và hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục ở vùng sâu, vùng xa. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là giải phóng mặt bằng để sớm triển khai các dự án, nhất là dự án lớn góp phần tạo nguồn thu, việc làm cho địa phương. Bên cạnh đó, chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; đảm bảo đội ngũ giáo viên các cấp học đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Nâng cao năng lực khám chữa bệnh; chủ động phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng. Thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Mường, tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội nhằm thu hút khách du lịch.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/174415/hoa-nhip-cung-mua-xuan-doi-moi.htm