Hòa Phát dự kiến không chia cổ tức, lợi nhuận mục tiêu 8.000 tỷ đồng

Hòa Phát dự kiến không chia cổ tức, dồn toàn bộ lợi nhuận còn lại 8.402 tỷ đồng cho sản xuất kinh doanh.

Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) dự kiến tổ chức ĐHCĐ thường niên 2023 vào ngày 30/3.

HĐQT dự kiến trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với kế hoạch doanh thu 150.000 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.000 tỷ đồng, giảm 5% .

Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát là 8.444 tỷ đồng. Tập đoàn chỉ chi 42,2 tỷ đồng để trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi, không trích lập các quỹ đầu tư phát triển, thù lao HĐQT, khen thưởng ban điều hành. Công ty cũng không chia cổ tức tiền mặt.

Với phần lợi nhuận còn lại là 8.402 tỷ đồng, HĐQT Hòa Phát đề xuất dồn toàn bộ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện Công ty đang tiến hành dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.

HĐQT trình ĐHCĐ thông qua việc trích lập các quỹ năm 2023. Trong đó quỹ khen thưởng phúc lợi là 5% LNST, thù lao HĐQT tối đa là 1% LNST, quỹ khen thưởng ban điều hành tối đa 5% của phần LNST vượt kế hoạch mốc 8.000 tỷ đồng.

Trong một báo cáo mới đây của SSI Research cho biết, Tập đoàn Hòa Phát đang xem xét khởi động lại 3 lò cao còn lại trong nửa đầu năm 2023. Hồi đầu tháng 11/2022, Hòa Phát đã thông báo đến các đối tác cung ứng về việc dừng hoạt động 4 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Hòa Phát Dung Quất và 2 lò cao ở Hòa Phát Hải Dương. Lý do dừng lò được đưa ra là để đảm bảo các hoạt động sản xuất và kinh doanh của Tập đoàn được tiếp tục duy trì - động thái này được Hòa Phát nhận định là để "mang tính sống còn của doanh nghiệp" trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn.

Đánh giá về triển vọng của Hòa Phát năm 2023, theo SSI Research, giá thép xây dựng trung bình đã phục hồi khoảng 1,2 triệu đồng/tấn, tương đương 8% trong 3 tháng qua. Tuy nhiên, mức tăng giá thành phẩm như vậy là thấp hơn so với mức tăng 20% của giá Trung Quốc, hay mức tăng trung bình 25% của giá quặng sắt và than cốc do nhu cầu trong nước yếu. Giá thép HRC, thường có mối tương quan cao hơn với giá trong khu vực, đã tăng hơn 20% trong hai tháng qua. Nhưng nhu cầu vẫn còn yếu, với khối lượng giảm trong 3 tháng liên tiếp vừa qua (giảm trung bình khoảng 30% mỗi tháng) do nhu cầu thấp đối với các sản phẩm hạ nguồn (đặc biệt là tôn mạ).

Nhu cầu của Trung Quốc cải thiện, được thúc đẩy bởi việc mở cửa trở lại, giúp giá thép khu vực phục hồi tích cực trong ba tháng qua và trở nên ổn định hơn trong năm 2023 sau năm 2022 thực sự khó khăn. Giá thép khó quay trở lại xu hướng tăng do nhu cầu của Trung Quốc được kỳ vọng chỉ đạt mức phục hồi khiêm tốn với việc số lượng bán nhà giảm mạnh trong năm 2022, và việc mở cửa trở lại cũng sẽ làm tăng nguồn cung. Ngoài ra, tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với khối lượng xuất khẩu của Hòa Phát có thể không đáng kể do giá thép trung bình của Việt Nam vẫn cao hơn so với giá thép Trung Quốc.

Kim Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hoa-phat-du-kien-khong-chia-co-tuc-loi-nhuan-muc-tieu-8000-ty-dong-d184222.html