Họa sĩ Đặng Tiến: Thành công đến từ nội lực
Đặng Tiến đến với hội họa khá sớm, nhưng không phải qua đào tạo bài bản trường lớp mà bằng con đường tự học. Nhắc đến Đặng Tiến, người ta sẽ nhớ đến người họa sĩ đầy đam mê, và thành công ở thể loại tranh tĩnh vật hoa và tranh phong cảnh.
Với vẻ ngoài khá lãng tử, pha chút gió bụi của "anh Hai đất Cảng", tôi vẫn nói vui, Đặng Tiến đã không "lạc đường mê" khi bên cạnh tình yêu với vẽ, trời cho anh một đôi bàn tay tài hoa, một trái tim mẫn cảm với cuộc sống và một tâm hồn rung động sâu sắc trước cái đẹp. Chừng ấy gia tài "trời cho" cộng với tính cách quyết liệt với đam mê, đã đủ cho anh rộng đường bước những bước tự tin vào con đường hội họa.
Tôi biết họa sĩ Đặng Tiến đã lâu, đã từng viết về hội họa của anh, về mảng tranh phong cảnh đã làm nên thương hiệu Đặng Tiến với một góc nhìn rất riêng khi tôi ví anh như một thiền sư và tranh của anh như những bản nhạc thiền bởi vẻ đẹp trong trẻo an nhiên dung dị từ đời sống thường nhật. Thế nhưng, sẽ thiếu sót khi nhắc đến hội họa của Đặng Tiến mà quên mất một mảng đề tài rộng lớn anh để lại những ấn tượng mạnh mà ít người biết. Đấy chính là mảng đề tài chân dung con người và cuộc sống đầy ấn tượng và không kém phần ám ảnh người xem. Một bút pháp vẽ trái ngược với phong cách tinh tế, dịu dàng, lãng mạn khi anh vẽ tranh phong cảnh và tĩnh vật hoa.
Nhân dịp đầu xuân năm mới, tôi đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Đặng Tiến qua mảng đề tài tranh chân dung người ấn tượng của anh mà tôi đã từng được xem.
- Chào họa sĩ Đặng Tiến. Thường thì đón Tết chào năm mới các họa sĩ hay vẽ con giống, linh vật của năm mới để chào xuân. Anh thì sao?
+ Tôi thấy điều này thật hay, nó manh nha tạo thành truyền thống đẹp của mỹ thuật Việt Nam. Trong tranh dân gian, các con giáp được các cụ thể hiện thật duyên, thật đáng yêu với tính ước lệ, trang trí, khái quát cao. Tôi cũng rất thích vẽ các con giáp, nhưng không nhiều và cũng chưa tập trung nhiều thời gian cho đề tài này. Tôi quan niệm, vẽ con vật khác với vẽ con giáp. Con giáp phải mang tính khái quát, ước lệ, mang đậm chất văn hóa Á Đông chứ không phải một con vật được vẽ kiểu tả thực. Một con vật đẹp khác một con giáp đẹp! Để vẽ một con giáp đẹp không hề đơn giản.
- Tôi ít thấy (hầu như chưa thấy tranh con giống của anh) nhưng có một mảng tranh mà tôi khá ấn tượng. Tôi muốn hỏi hình như chính anh cũng ít để ý đến nó - những đứa con tinh thần anh tạo dựng rất đáng để nhớ - đó là mảng tranh chân dung con người và cuộc sống.
+ Tôi trải qua khá nhiều giai đoạn làm nghề. Khi chập chững bước vào hội họa, tôi thích vẽ tĩnh vật và trực họa phong cảnh (1986- 1996), sau đó tôi tập trung vẽ chân dung và bố cục người (1996- 2010). Từ 2013 đến nay, tôi quay lại vẽ phong cảnh và tĩnh vật hoa với một cách nhìn mới. Trước đây chưa có mạng xã hội, việc công bố tác phẩm có phần hạn chế, nên nhiều người không biết thời gian dài tôi vẽ tranh người gắn với đời sống xã hội. Đây cũng là đề tài tôi rất thích và đang có những trăn trở, suy nghĩ để quay lại mảng tranh này.
- Những bức tranh chân dung người của anh cho tôi, cho khán giả nhìn thấy sự sôi động và những chiều kích khác nhau của đời sống mà con người là chủ thể trong đó. Nó hiển hiện, nóng hổi và bỏng rẫy sau bức vẽ. Đó là những mặt người đàn ông làng chài khỏe mạnh vâm váp với dáng ngồi bó gối bất lực, những bắp thịt vồng lên, những đôi mắt trắng dã, sáng quắc mở to trong đêm, ánh lên những khát vọng và những nỗi lo âu, thậm chí cả sợ hãi ngày biển động. Hay những người đàn bà ngồi như một khối vuông câm lặng trong cái bức bối chật hẹp của chiếc lều chợ che tạm phía trước, là mớ cá vừa vớt lên từ biển chờ người mua. Thực sự rất xúc động. Anh đã vẽ nó trong tâm thế nào? Và bắt đầu từ đâu?
+ Hải Phòng là vùng cửa biển với những con người "ăn sóng nói gió"; không gian sống cũng mang đầy chất mặn mòi của biển. Trong sáng tác, tôi muốn nhấn mạnh những đặc trưng đó. Chẳng biết có phải do cái tạng của mình, tôi thích những bức tranh của mình mang tâm trạng man mác buồn, hoặc cô đơn (có người nói cả sự u uất)… Giống như đọc truyện, tôi thích những câu chuyện mang tâm trạng như vậy, nó làm mình nhớ lâu hơn!
- Ở mảng tranh chân dung người tôi thấy phong cách và bút pháp của anh trái ngược với tranh phong cảnh. Nhiều khi tôi xem xong, tự dưng thấy tiếc tại sao Đặng Tiến lại không đi sâu về mảng đề tài này, có thể nó sẽ đưa anh đến những thành công đặc biệt hơn, ấn tượng và cá tính hơn trên con đường dài của nghệ thuật luôn đòi hỏi người họa sĩ ở sự dũng cảm khai phá con đường mới?
+ Tôi thích câu nói của một bậc thầy: "Vẽ gì không quan trọng, quan trọng là vẽ như thế nào". Đừng nghĩ vẽ một bức tĩnh vật hoa, một bức phong cảnh đẹp là đơn giản, là dễ. Cũng đừng nghĩ vẽ tranh người với sự lên gân lên cốt, văn vẹo này nọ… mới là hay. Cái đẹp là bình đẳng, nghệ thuật thực ra rất giản dị, gần gũi. Tôi luôn vẽ theo cảm xúc của mình. Cái gì, điều gì làm mình xúc động thì mình vẽ. Dù vẽ gì, nếu người họa sĩ làm việc với sự tâm huyết, trách nhiệm, đều quý! Như nói trên, mảng tranh người cũng là điều tôi tâm huyết, và tôi sẽ dành thời gian tới cho sự trở lại- tất nhiên với một tâm thế khác trước! Một đàn anh từng nói với tôi: Hãy khai thác triệt để đề tài gì mình thấy thích, đừng nghĩ vẽ nhiều thứ là "phong phú"! Tôi thấy điều đó đúng. Tôi không muốn mạch tư duy của mình bị đứt đoạn, hoặc chuyển đổi trạng thái khi mình chưa thực sự tập trung một cách triệt để. Tất nhiên, thi thoảng, để thay đổi không khí, tôi vẫn vẽ tranh chân dung hoặc bố cục người.
- Nếu tôi nói rằng nghệ thuật vô cùng khắc nghiệt và không có chỗ cho những toan tính vụ lợi. Phần lớn các họa sĩ đến với nghệ thuật bắt đầu từ đam mê và khi thành công rồi thì họ lao vào khai thác nghệ thuật để mưu sinh. Có nhiều họa sĩ lấy việc bán tranh làm thước đo cho sự thành công của họ. Anh nghĩ sao về bản thân mình?
+ Tôi từng khẳng định: tranh bán được không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với tranh đẹp. Bản thân tôi, khi vẽ một bức tranh, mình luôn tập trung thể hiện một cách tốt nhất theo khả năng, suy nghĩ của mình. Tôi từng ngẩn ngơ tiếc nuối khi một bức tranh vừa vẽ xong đang rất thích có người mua mất! Nhiều khi tự an ủi, thôi để họ giữ, họ bảo quản tranh còn tốt hơn mình! Suy cho cùng, tranh mình vẽ được nhiều người thích cũng là niềm vui, hạnh phúc. Họa sĩ hoặc bất cứ ai làm nghệ thuật cũng cần phải sống. Nhưng nhất quyết mình không phải "sản xuất" ồ ạt, dễ dãi để kiếm tiền.
- Thực tế có nhiều họa sĩ thành công với một lối vẽ, với 1 đề tài. Tranh của họ được thị trường đón nhận. Họa sĩ đó chỉ đi một con đường, bởi anh ta quan niệm, nếu mình thay đổi, nếu mình đi một con đường mới, biết cái đích mình đến sẽ là gì? Nên tốt nhất sao phải mạo hiểm, mà không đi con đường cũ vừa an toàn vừa có lợi. Anh thì sao? Anh nghĩ về điều đó như thế nào?
+ Tôi đọc được câu này từ rất lâu rồi, của một bậc thầy nào đó mà không nhớ tên: "Hôm nay tôi vẽ giống hôm qua, tức là tôi chết". Câu nói này mang ý nghĩa tượng trưng, nó đòi hỏi sự sáng tạo đối với người làm nghệ thuật. Tôi cũng được nghe một họa sĩ lớp trước nói: Đồ thị sự đổi mới trong làm nghệ thuật như hình ruộng bậc thang, nhích lên một chút rồi chạy ngang, rồi nhích lên một chút rồi lại chạy ngang… Mà cái sự "nhích lên một chút" ấy là rất khó! Có nhiều người tôi biết từ cách đây mấy chục năm, nhưng tranh không có sự thay đổi gì. Nghệ thuật rõ ràng không đơn giản, mà "nhân tài như lá mùa thu". Ai dấn thân vào nghệ thuật cũng muốn mình hay, cũng muốn mình luôn đổi mới, nhưng không phải ai cũng có bản lĩnh, không phải ai cũng làm được! Có người hiểu điều đó, và chấp nhận yên lặng làm việc kiếm tiền; cũng có người tỏ vẻ đạo mạo, chê bai người này người khác mà quên rằng mình cũng đang hằng ngày lê lết trên lối mòn cũ kỹ của mình!
- Trân trọng cảm ơn anh.