Họa sĩ Đỗ Đức: Tình yêu vô bờ bến với đá và núi qua triển lãm 'Non nước biên thùy'

Triển lãm 'Non nước biên thùy' của họa sĩ Đỗ Đức là một câu chuyện đầy xúc cảm về tình yêu vô bờ bến mà ông dành cho đá, núi và con người nơi cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang.

Triển lãm mỹ thuật "Non nước biên thùy" của họa sĩ Đỗ Đức đã chính thức diễn ra từ ngày 11/9 - 14/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 7 của họa sĩ Đỗ Đức ở Hà Nội, sau triển lãm "Ngựa trên núi" cách đây đúng 10 năm (2014).

Với hơn 50 bức tranh sơn dầu được lựa chọn giới thiệu tại triển lãm, “Non nước biên thùy” của họa sĩ Đỗ Đức dẫn dắt công chúng yêu nghệ thuật đến với thế giới nghệ thuật đặc sắc của đá và núi. Tây Bắc và Việt Bắc cùng cao nguyên đá Đồng Văn là nhịp đập trái tim nghệ thuật của họa sĩ Đỗ Đức.

Họa sĩ Đỗ Đức có tình yêu vô bờ bến với đá và núi.

Họa sĩ Đỗ Đức có tình yêu vô bờ bến với đá và núi.

Phát biểu tại lễ khai mạc, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng: Họa sĩ Đỗ Đức là người sáng tác liên tục không ngừng nghỉ trong hơn nửa thế kỷ qua. Ông đã chọn vùng đất miền núi, dân tộc phía Bắc đã chọn ông để tác phẩm của ông ngân lên tiếng ca sâu thẳm của tâm hồn con người và miền đất “non nước biên thùy”?! Trong sự nghiệp sáng tác của mình, họa sĩ Đỗ Đức có nhiều tác phẩm xuất sắc, tranh khắc gỗ của ông hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Không gian triển lãm “Non nước biên thùy”.

Không gian triển lãm “Non nước biên thùy”.

Chia sẻ với Tạp chí Gia đình Việt Nam họa sỹ Đỗ Đức cho biết, năm 1973 lần đầu lên Hà Giang, họa sỹ đã đi mấy huyện vùng cao Đồng Văn, Quản Bạ và vùng biên viễn trong 23 ngày.

23 ngày ấy đã theo ông suốt cuộc đời làm nghệ thuật. Và nhân duyên ấy đã được ông chắt lọc thành 50 bức tranh sơn dầu được triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 11-15/9/2024.

“Với tôi, suối sâu, đèo dốc, những đoạn đường gập ghềnh quanh co đều gần gũi. Tôi yêu núi rừng, từ ngọn nguồn lạch sông, góc núi” - Nghệ sĩ Đỗ Đức chia sẻ.

Mỗi bức tranh trong triển lãm “Non nước biên thùy” như một bài thơ trên đá như Nắng trên dãy Hồng Ngài, Sương sớm rẻo cao, Sườn phía Tây Sơn Vĩ, Huyền thoại Khau Vai, Tháng Ba ở Xín Cái, Huyền thoại Khau Vai... Đó là những cổ tích cao nguyên nằm trong từng viên đá, hốc cây, ngọn cỏ..., rồi được họa sĩ tái hiện lại trong tranh của ông.

"Non nước biên thùy" không chỉ là dấu ấn nghệ thuật, mà còn là tiếng nói của một tâm hồn yêu đá, yêu núi, và yêu con người, một minh chứng cho sự kết nối bền chặt giữa nghệ thuật và cuộc sống.

Những bức tranh sơn dầu đã mang đến một không gian nghệ thuật trầm hùng, tái hiện chân thực vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và mối gắn kết mật thiết giữa con người với vùng đất biên cương.

Một số tác phẩm của họa sĩ Đỗ Đức trong triển lãm “Non nước biên thùy”.

Một số tác phẩm của họa sĩ Đỗ Đức trong triển lãm “Non nước biên thùy”.

Cùng với triển lãm, họa sĩ Đỗ Đức cũng sẽ giới thiệu cuốn sách tranh sơn dầu cùng tên “Non nước biên thùy”, vừa được Nhà xuất bản Mỹ Thuật ấn hành, giới thiệu khoảng 200 tác phẩm sơn dầu mà họa sĩ Đỗ Đức đã sáng tác trong suốt 20 năm qua.

Đặc biệt, trong khuôn khổ triển lãm, họa sĩ Đỗ Đức sẽ đấu giá một tác phẩm để lấy tiền ủng hộ cho Quỹ xây trường học “Hoa của đá”. Được biết, ông đã đồng hành cùng Quỹ từ thiện này từ 2014, đi khảo sát tìm điểm để xây những ngôi trường đầu tiên, và tới nay ông đã chung tay cùng Quỹ xây được 41 ngôi trường cho các bản làng hẻo lánh thuộc xác xã vùng cao của tỉnh Hà Giang.

Tác phẩm sẽ được họa sĩ Đỗ Đức đấu giá để ủng hộ cho Quỹ xây trường học “Hoa của đá”.

Tác phẩm sẽ được họa sĩ Đỗ Đức đấu giá để ủng hộ cho Quỹ xây trường học “Hoa của đá”.

Sinh năm 1945, họa sĩ Đỗ Đức tốt nghiệp khoa Mỹ thuật Trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc năm 1970. Năm 1980, ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội với bài thi tốt nghiệp tranh khắc gỗ “Chợ vùng cao”. Tác phẩm này đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đưa vào bộ sưu tập tranh khắc gỗ.

Họa sĩ Đỗ Đức xác lập phong cách sáng tác của mình gắn với rừng thẳm, sông dài, cao nguyên đá trùng điệp, núi non hùng vĩ của một dải biên viễn phía Bắc của tổ quốc.
Và sau nhiều năm điền dã trên núi, từ Tây Bắc đến Việt Bắc, Đông Bắc, tìm hiểu và chia sẻ với đời sống các sắc tộc thiểu số, ông nhận ra thêm nhiều giá trị nhân văn kết nối giữa thiên nhiên với con người. Những tác động qua lại với góc nhìn nhiều phía giúp ông khi vẽ thấy được dần chiều sâu của mối quan hệ đó.

Thanh Hiền

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/hoa-si-do-duc-tinh-yeu-vo-bo-ben-voi-da-va-nui-qua-trien-lam-non-nuoc-bien-thuy-d201578.html