'Họa sĩ lính' vẽ chân dung Bác Hồ

Đến dải đất miền Trung - Tây Nguyên, nói về họa sĩ Phạm Thanh Lâm, một cựu chiến binh ngày đêm đam mê vẽ chân dung Bác Hồ chắc ai cũng biết. Bởi anh vẽ từ tấm lòng thành kính, tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn của mình dành cho Bác. Cũng vì lẽ đó mà người dân địa phương thân mật gọi anh với cái tên 'Họa sĩ lính'.

 “Họa sĩ lính” hoàn thiện bức chân dung Bác. Ảnh: L.Q.H

“Họa sĩ lính” hoàn thiện bức chân dung Bác. Ảnh: L.Q.H

Chưa tới 7 giờ sáng một ngày cuối tuần, nhưng tại phòng tranh của họa sĩ Phạm Thanh Lâm ở thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai có rất nhiều người dân, đặc biệt thanh niên đến để thưởng thức cà phê, được cảm nhận cái hay, hấp dẫn của những tác phẩm hội họa, nhất là những bức ảnh vẽ chân dung Bác Hồ. Nhấp một ngụm cà phê, họa sĩ Thanh Lâm tâm sự: “Tôi nguyên là chiến sĩ của Đại đội Trinh sát, Quân khu 5. Mặc dù chưa lần nào được trực tiếp gặp Bác nhưng tôi vẫn cảm thấy rất vinh dự và tự hào vì mình được làm Bộ đội Cụ Hồ. Trước đây vẽ chân dung Bác tôi đã làm nhiều lần, có lúc thời gian kéo dài đến cả tháng nhưng không thành. Những bức hình mình vẽ nhìn non nớt về nghệ thuật và cái quan trọng hơn là chưa “có hồn”. Nhưng quá cảm kích trước tài, đức lỗi lạc nhưng dung dị, gần gũi và rất đời thường của Bác, tôi quyết nung nấu ý tưởng vẽ chân dung của Bác. Để khắc phục nhược điểm từ những sáng tác trước đây, tôi lục tìm tư liệu trong sách, hình ảnh trên mạng và trên các đĩa hình phim ảnh… nghiên cứu kĩ lưỡng từng tính cách, từng đường nét của Bác, đặc biệt là đôi mắt, rồi lựa chọn từng khoảnh khắc đẹp, xuất thần của Người để thổi hồn vào tranh sao cho đẹp nhất, sống động nhất”.

Ông Nguyễn Tịnh (67 tuổi), ở TP. Nha Trang, một trong những khách đến tham quan, du lịch rồi tình cờ ghé xem tranh của “họa sĩ lính”. Ông Tịnh chia sẻ: “Nghe tên họa sĩ Phạm Thanh Lâm ở phố núi lâu rồi, hôm nay tôi mới có dịp đến để thưởng thức cái đẹp, cái tinh túy trong nét cọ của anh. Thú thực tôi cũng biết đôi chút về kiến thức hội họa, nhưng xem những bức chân dung do họa sĩ Lâm sáng tác các đề tài nói chung, về chân dung Bác Hồ nói riêng, tôi thấy rất có hồn, sống động và cuốn hút. Qua tìm hiểu tôi được biết, Lâm đã phát triển năng khiếu vẽ trong môi trường quân đội. Và cũng ít ai biết, chàng “họa sĩ lính” có tiếng không chỉ ở Tây Nguyên mà còn khắp cả nước ấy chưa từng học qua một lớp hội họa nào. Tài năng và thành công của anh đã lớn lên theo tháng năm cùng đồng đội trong môi trường quân đội”.

Nghe, rồi tìm đến tận nơi, được tận mắt nhìn thấy đôi bàn tay nhanh nhẹn, khéo léo của “họa sĩ lính” khi ngồi vẽ mới cảm nhận được lòng đam mê, yêu nghề của anh. Và cũng chính cái “tình yêu nghề nghiệp” ấy mà anh đã quyết định bỏ nghề lái xe chở hàng và bán cả 600 cây cà phê đang mùa thu hoạch để lấy tiền đầu tư phòng tranh, cũng như dành tất cả thời gian cho hội họa nói chung, vẽ chân dung Bác nói riêng. Theo “họa sĩ lính”, người họa sĩ sống tận cùng với đam mê của mình chứ chẳng mơ mộng giàu sang, phú quý. Họ vui theo “cái hồn” của từng tác phẩm và sự đánh giá, tình cảm gửi gắm của người xem. Có khi mất nhiều công sức để vẽ một bức chân dung, xong lại bỏ đi vì thấy chưa hài lòng; có khi đang đêm mơ thấy một “nét đẹp rất riêng” cho tác phẩm mà mình đang vẽ, thế là bật dậy, thức trắng đêm cầm bút vẽ…

Gần 5 năm sáng tác, “họa sĩ lính” đã vẽ hơn 700 tác phẩm. Trong những “đứa con tinh thần” của mình, anh tâm đắc nhất là những bức vẽ về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Là một người lính, tôi sẽ vẽ nhiều hơn nữa, đẹp hơn nữa chân dung về Bác, trong đó có bức chân dung “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” để tặng Bảo tàng Lực lượng vũ trang các tỉnh, thành phố trên cả nước và vẽ thật nhiều bức tranh để gây quỹ từ thiện ủng hộ trẻ em miền núi, trẻ em bị nhiễm chất độc da cam và trẻ em ở các vùng bị thiệt hại do thiên tai trên mọi miền Tổ quốc...”, “họa sĩ lính” Phạm Thanh Lâm tâm sự với chúng tôi lúc chia tay.

Lê Quang Hồi

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=145658