Họa sĩ Mai Long: Vẽ tâm hồn mình

Ông là người cuối cùng của Khóa Mỹ thuật kháng chiến vừa qua đời ở tuổi 95. Họa sĩ Mai Long đã sống một cuộc đời tận hiến cho nghệ thuật, cho đến những tháng ngày cuối đời, ông vẫn âm thầm vẽ. Với ông, vẽ, dù xấu hay đẹp cũng là tâm hồn mình.

1.Ông sinh năm 1930 tại Hải Phòng nhưng quê gốc của ông ở Nam Định. Mai Long thuộc thế hệ họa sĩ được đào tạo và trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1948, ông theo học danh họa Tô Ngọc Vân tại xưởng họa Xuân Áng. Khi đó họa sĩ Tô Ngọc Vân là trưởng đoàn văn hóa kháng chiến, có mối quan hệ công việc với nhiều văn nghệ sĩ thuộc mọi lĩnh vực sáng tác khác nhau. Ở đó, trong bầu không khí văn nghệ ông được gặp gỡ, nghe chuyện hàng ngày từ những nhân vật như Thế Lữ, Nguyễn Lân, Nguyễn Xuân Khoát, Mạnh Quỳnh (họa sĩ), Phan Khôi, Đồ Phồn…

Theo nhà báo Đào Mai Trang trong cuốn "Họa sĩ khóa kháng chiến", viết rằng: "Họa sĩ Mai Long nhớ lại: "Sự miệt mài, say mê cho sáng tạo của ông Vân khi đó đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Hôm nào cũng thấy ông cặm cụi vẽ, đến lúc học khóa kháng chiến, tôi càng hiểu ông đã hy sinh cho học trò rất nhiều thời gian".

Họa sĩ Mai Long.

Họa sĩ Mai Long.

Ông là một trong những họa sĩ tốt nghiệp khóa chính quy đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam, thường gọi là Khóa kháng chiến (1950-1953) cùng với các tên tuổi như Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Đào Đức, Trần Lưu Hậu….

Sau khóa học ý nghĩa đó, họa sĩ Mai Long xin đi Tây Bắc, làm cán bộ văn hóa ở khu tự trị Thái Mèo. Rồi ông tiếp tục học ở Đại học Mỹ thuật Hà Nội khóa 1961-1966. Ngay từ những năm 1963, khi đang là sinh viên, ông đã được đạo diễn Trương Qua mời tham gia vẽ cho bộ phim hoạt họa "Đêm trăng rằm". Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật, ông trở thành họa sĩ chính thức của Xưởng Phim hoạt họa và búp bê Việt Nam (tiền thân của Hãng phim Hoạt hình hiện nay), là họa sĩ của những bộ phim hoạt hình màu đầu tiên, "Bài ca trên vách núi" (đạo diễn Trương Qua, năm 1976).

Theo nhà báo Đào Mai Trang, "Đóng góp lớn nhất của ông cho phần thiết kế mỹ thuật của phim hoạt hình Việt Nam là đem lại một phong cách tạo hình chính xác cho từng bộ phim, khó có sự thay thế nào tốt hơn. Việc này đòi hỏi một sự nghiên cứu kỹ lưỡng kịch bản, Ông thường hoàn thành công việc khá nhanh, chỉ mất đôi ba tuần cho công việc 3 tháng, thời gian còn lại ông vẽ minh họa cho Báo Văn nghệ, góp thêm thu nhập cho gia đình, làm phác thảo tranh và vẽ".

Theo họa sĩ Tô Chiêm - tác giả chủ biên cuốn sách Họa sĩ Mai Long - "Những bức tranh như những bài thơ" đánh giá: "Mảng đồ họa sách báo, khó có họa sĩ nào có được phong cách tao nhã như ông khi minh họa truyện tranh dân gian lịch sử. Cho đến bây giờ, ngành xuất bản Việt Nam vẫn lưu giữ một dấu ấn dành cho thể loại tranh truyện cổ tích Việt Nam. Đó là cuốn tranh truyện màu "Tấm Cám" do Thụy Điển tài trợ năm 1972 khi kĩ thuật in ấn minh họa của Việt Nam chưa cao. Hai năm sau, cuốn tranh truyện màu "Sơn Tinh - Thủy Tinh" cũng được cộng đồng người Việt tại Pháp in tặng bạn đọc thiếu nhi Việt Nam. Đây là những quà tặng rất có ý nghĩa và quý giá dành cho độc giả nhỏ, vẫn lưu dấu trong tâm trí bạn đọc suốt hơn nửa thế kỉ qua.

2.Thành công ở mảng minh họa, vẽ phim hoạt hình, nhưng với họa sĩ Mai Long, hội họa mới là niềm đam mê lớn nhất cuộc đời ông. Cũng như thế hệ các họa sĩ kháng chiến thời đó, Mai Long phải làm một công việc để mưu sinh và âm thầm vẽ, nuôi dưỡng tình yêu với hội họa. Ông đã đi qua một cuộc đời cùng với những biến động của đất nước, nhưng luôn giữ được tâm hồn trong sáng, nhẹ nhõm trước thời cuộc.

Ông chia sẻ rằng, ông chưa bao giờ bị ''trói" trong một khuôn mẫu hay thời đại. Mai Long từ chối tất cả đề nghị công việc có tính chất làm lãnh đạo vì không muốn quản lý người khác và muốn là người tự do, rong ruổi với những giấc mơ của mình, với hội họa. Ông vẽ nhiều chủ đề, không khuôn mình vào một đề tài nào cố định. Tranh của ông vẽ hiện thực nhưng đó là một hiện thực nên thơ, thanh khiết, hiện thực của những giấc mơ về một thế giới đẹp đẽ, trong lành mà con người luôn tìm kiếm, khát vọng. Có lẽ vì thế mà tranh của Mai Long được nhiều người yêu thích, sưu tầm.

Một tác phẩm của họa sĩ Mai Long.

Một tác phẩm của họa sĩ Mai Long.

Theo tư liệu của nhà báo Đào Mai Trang, 15 năm trước, trong bức thư gửi người bạn thân, họa sĩ Lưu Công Nhân, ông viết: "Mình với Hậu (Họa sĩ Trần Lưu Hậu) mỗi khi gặp nhau đều tiếc là đã bỏ phí nhiều thời gian và tâm lực vào những việc hết sức vớ vẩn và vô nghĩa chứ không được như Nhân đã giác ngộ để cả cuộc đời cho việc đi và vẽ theo ý thích của cậu ấy... Mình đang làm mấy cái sơn mài để thay đổi không khí cho vui. Vẽ lụa và sơn dầu, nghĩa là còn nhiều ham muốn lắm. Nhưng cũng chỉ là ham muốn vẽ thôi, vẽ được cái gì là vui rồi. Xấu đẹp thì cũng là tâm hồn mình".

Với họa sĩ Mai Long, vẽ là cuộc sống của ông. Và với hội họa, dù vẽ đa dạng đề tài trên nhiều chất liệu như sơn mài, sơn dầu thì tranh lụa luôn chiếm 8 phần 10 trong sáng tác của ông. Còn nhớ, những năm tháng ở vùng núi cao xanh, thơ mộng Tây Bắc đã ngấm vào tâm hồn lãng mạn của chàng trai Mai Long, trở thành những ký ức không thể nào quên. Cái bảng lảng, hư không của núi và mây ấy đã đi vào tranh lụa sau này của Mai Long một cách tự nhiên, đầy xúc cảm. Phong cách hội họa của họa sĩ Mai Long mang đậm chất thơ, lãng mạn và trữ tình.

Ông từng chia sẻ trong buổi triển lãm năm 2019: "Tính cách, tâm thế của tôi rất hợp với tranh lụa. Bản chất nghệ thuật của tôi là sự tưởng tượng lãng mạn trong tranh. Lụa tạo ra sự lan tỏa, màu sắc huyền ảo, làm cho những chủ đề tôi khai thác đi được đúng hướng và có hiệu quả cao".

Các tác phẩm vẽ trên lụa của ông đậm chất thơ, lãng mạn và trữ tình. Với tinh thần thừa kế mỹ thuật truyền thống nhưng không ngừng sáng tạo và làm mới, hội họa của Mai Long đạt tới sự dung dị trong bút pháp và thư thái trong xử lý màu sắc. Đất nước và cảnh vật, con người Việt Nam hiện lên trong tranh của ông gần gũi và đầy chất thơ. Phải có một tâm hồn tha thiết yêu cuộc sống ông mới cảm được những vẻ đẹp nên thơ và bay bổng như thế.

Tranh lụa của họa sĩ Mai Long.

Tranh lụa của họa sĩ Mai Long.

Họa sĩ Phan Thiết từng nhận định: "Những ai đã dấn thân hội họa đều hiểu, đều mơ ước một điều lớn lao nhưng gian khó bậc nhất trong suốt một đời làm nghệ thuật, đó là Dấu Ấn Cá Nhân, là Phong Cách Hội Họa riêng biệt không thể lẫn với bất kì ai giữa biển cả hội họa mênh mông, nên điều cốt lõi này luôn rất hiếm hoi… Họa sĩ Mai Long, với tình yêu, với sức lao động cần mẫn, bền bỉ, cùng những tìm tòi sáng tạo sâu sắc, không ngừng nghỉ đã làm nên một Hội Họa Mai Long hết sức riêng và độc đáo… Một dòng chảy hội họa trong trẻo và uốn khúc bổng trầm gắn bó nghệ thuật của ông, con người ông với thăng trầm đất nước và dân tộc… Bình dị sao khi sự nghiệp hội họa cả đời của ông đã, đang và sẽ mãi mãi được lưu giữ trong tình yêu của mọi người bằng những con chữ đẹp đẽ... Tranh Lụa Mai Long".

Nhà phê bình nghệ thuật - Ekaterina Chelaeva (Liên Xô cũ) viết: "… Dưới con mắt họa sĩ Mai Long, mọi cái đều có vẻ đẹp riêng, một vẻ đẹp mà những trái tim băng giá không bao giờ cảm nhận được. Những sáng tác của ông là sự kết hợp giữa truyền thống phương Đông sâu sắc và tính hiện đại của một nghệ thuật điêu luyện, độc đáo, với bút pháp hết sức trữ tình và phóng khoáng. Vẻ đẹp của thế giới xung quanh và tình yêu của Mai Long đối với thế giới này, đó chính là bản chất nghệ thuật của ông".

Trái tim người nghệ sĩ già đã ngừng đập nhưng những di sản ông để lại cho nền hội họa Việt Nam sẽ còn mãi, di sản của tình yêu của nghệ thuật, của tài năng và một tâm hồn tha thiết yêu cuộc đời.

Mỹ Hiền

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/hoa-si-mai-long-ve-tam-hon-minh-i739195/