Họa sĩ Phạm Anh Tuấn: Sắc trầm phố cảng
Tôi biết đến tranh của họa sĩ Phạm Anh Tuấn khi tình cờ đến xem một buổi triển lãm tại trung tâm thành phố Hải Phòng. Thú xem tranh của tôi hơi kỳ, phải là khi buổi khai mạc kết thúc, dòng người đông đúc đến dự và xem tranh đã tan, tôi mới lững thững bước vào căn phòng.

Họa sĩ Phạm Anh Tuấn.
Hình như, không gian phải đủ yên tĩnh, tôi mới cảm nhận thấy sắc màu riêng biệt, hình dáng đặc trưng và hơi thở sống động của từng bức tranh. Như một sự dẫn dụ kì lạ, tôi đứng rất lâu trước sắc trầm, chìm đắm vào bức tranh đó không hiểu tại sao. Dù chưa nhìn tên họa sĩ vẽ bức tranh đó, tôi đã bảo với cô bạn, rằng xem tranh của người này, tôi thấy thật “chất”. Các đường nét, màu sắc được lược bớt đến tối giản nhưng để vẽ thành công thì không đơn giản và chắc chắn, tranh sẽ lọc người thưởng thức. Thời gian và tôi như lắng lại trong không gian của bức tranh, bao nhiêu xúc cảm dần dà thức dậy.
Một thời gian sau, tôi được gặp tác giả của bức tranh, đó là họa sĩ Phạm Anh Tuấn. Chỉ cần tiếp xúc một lần, tôi tin, ai cũng nhận ra, anh là típ người kiệm lời, không dễ gì cởi mở với tất cả mọi người. Nhưng như duyên may, hay bởi tôi và anh có nhiều quan niệm, cái nhìn chung về nghệ thuật cũng như cuộc sống nên anh đã có chút cởi mở với tôi. Anh chia sẻ, bản thân xuất phát từ một gia đình lao động, phải tự lập từ bé. Không hề có sự thuận lợi từ môi trường, quyết định theo con đường nghệ thuật là sự lựa chọn hay sự thúc giục từ chính khao khát cá nhân anh.
Năm 24 tuổi, anh cùng một số họa sĩ khác mở phòng tranh tại thành phố Hải Phòng, duy trì cho đến năm anh 30 tuổi. Anh mưu sinh từ phòng tranh, chỉ làm những tranh được theo yêu cầu của người đặt hàng để bán. Dù công việc đó có cái thú vị riêng, giúp anh học được nhiều bài học làm nghề. Nhưng càng ngày anh càng khao khát muốn làm gì đó khác đi, màu sắc thôi thúc sự sáng tạo trong anh nhiều hơn, hình như nét cọ cứ từng nấc dẫn anh bước vào con đường sáng tác chuyên nghiệp. Đến độ chín nhất định, anh thấy công việc phòng tranh không còn phù hợp nên đã từ bỏ, và chuyên tâm sáng tác từ đó cho tới nay.



Các tác phẩm của họa sĩ Phạm Anh Tuấn.
Từng tham gia các triển lãm nhóm uy tín, chất lượng. Tranh Phạm Anh Tuấn xuất hiện ở triển lãm nào đều gây được chú ý, đánh giá cao của giới chuyên môn cũng như những người yêu thích, sưu tầm tranh chuyên nghiệp. Nhà triển lãm Indochine Art từng giới thiệu anh là họa sĩ hiện thực, nhưng bản thân anh nghĩ, cũng không hẳn như thế, anh thấy mình đang vẽ kiểu gợi thực. Tranh Tuấn kiệm màu, kiệm hình, thường chủ động đưa không gian tranh về trạng thái tối giản, mênh mông, xa xăm. Đặt trong không gian đó, anh thường sử dụng những hình ảnh quen thuộc để tạo nên sự đối lập, điểm nhấn. Giữa cái mênh mông, không biên giới, tĩnh lặng đến vô cùng như bầu trời, mặt nước, con đường… là sự nhỏ bé như con thuyền, con chuồn chuồn, cây ngô đồng, chú mèo con…. Những hình ảnh be bé ấy thường được Phạm Anh Tuấn sử dụng sắc màu mạnh tạo nên điểm nhấn của bức tranh. Đúng như anh nói: “Tôi ưa thích sự đối lập, bởi vì chính sự đối lập lại làm rõ giá trị của điều còn lại”. Và tôi nghĩ, chính điều đó đã tạo nên sự sống động, sức hút mê hoặc trong tranh Tuấn.
Có thể do quê nội của anh ở miền Trung ven biển, đồng thời, bản thân cũng đang sinh sống và làm việc mỗi ngày tại thành phố Cảng, nên dường như, hơi thở biển đẫm đầy trong tranh Tuấn. Thật dễ để nhận ra hình ảnh đặc trưng của phố Cảng với các tác phẩm: “Thoáng Tam Bạc”, “Bãi cạn”, “Chiều trên sông”, “Buổi sớm”… Sau tiếp xúc nhiều lần với họa sĩ Phạm Anh Tuấn, tôi thấy, con người và sáng tác của anh thật đồng nhất, cả kể cách anh bước đi trong con đường nghệ thuật, chậm rãi mà sâu sắc, vững chắc.
Bên cạnh vẽ, anh có nhiều sở thích như sưu tầm các đồ cổ, đạp xe, thưởng trà, nghe nhạc…Khi chạm vào thứ gì, anh phải lọc thật kĩ, hiểu biết sâu về thứ mình đang chạm vào, biết cách thưởng thức, nhấm nháp niềm vui nho nhỏ trong đời sống. Cũng giống như anh vẽ tranh, không gian tối giản nhưng nét vẽ không hề đơn giản. Tuấn đặc biệt không thích sự ồn ào, nói đúng hơn nữa, có vẻ anh rất khái tính. Theo cách nhìn nhận của tôi, anh và tác phẩm của mình đúng là đặc trưng cho sắc trầm của thành phố Cảng. Chắc vì vậy, tranh của anh cũng phù hợp hơn với người từng trải, sống sâu. Năm 2024, bức “Tam Bạc” của anh đã đoạt giải Nhất triển lãm Mỹ thuật Hải Phòng năm 2014. Ở đó anh vẽ dãy phố ven sông với những mái nhà xưa cũ, lô xô thụt thò hiện ra dưới bóng nước loang loáng, những con thuyền lững lờ đối diện với mái rêu xưa cũ ấy tạo nên sự bình yên đến kỳ lạ.
Thành phố Hải Phòng xưa nay luôn là mảnh đất quy tụ nhiều họa sĩ giỏi, và đã bao kỳ tài vẽ về Tam Bạc. Để vượt thoát những tác phẩm khác, tạo sự riêng biệt trong nét vẽ của mình, họa sĩ Phạm Anh Tuấn chia sẻ: “Đề tài Tam Bạc là đề tài yêu thích của họa sĩ và nhất là họa sĩ Hải Phòng. Lần này, tôi vẽ Tam Bạc theo phong cách tối giản, chồng nhiều lớp màu lên, theo nhiều sắc độ, tạo nên những vết thời gian của phố Tam Bạc. Điểm nhấn là những chiếc thuyền…”
Ở rất nhiều bức vẽ, nhiều người cho rằng, tranh Tuấn còn có tính thiền. Với sắc màu lược bớt tối giản, sử dụng gam trầm, trong, nhẹ nhàng hòa quyện, tạo ra không gian mênh mang của bức tranh cho người thưởng tranh như bước vào khoảng trời thanh tịnh, đối lập với những xô bồ, ồn ã, bụi bặm của cuộc sống thường ngày, chả thế, mà khi xem tranh, người ta bỗng thấy tâm mình tĩnh hơn. Tôi tự hỏi, có phải chính điều đó đã khiến tôi chững lại, rơi vào mê hoặc của nghệ thuật khi lần đầu tiên xem tranh Tuấn.
Làm một họa sĩ tự do, Phạm Anh Tuấn thấy hoàn toàn phù hợp với tính cách của mình. Anh có thể chủ động sắp xếp cuộc sống theo ý muốn, làm việc khác kiếm tiền vừa duy trì, thực hiện đam mê, tham dự các trại sáng tác với chuyến đi dài ngày. Anh cùng các họa sĩ khác của Hải Phòng cũng tích cực tham gia đấu giá tranh để khuyên góp thiện nguyện, đã thực hiện mạnh mẽ trong đợt dịch Covid-19 hay ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ… Hiện nay, anh có xưởng vẽ tại nhà với không gian khá lí tưởng, tự do và yên tĩnh. Sáng tác gần đây, thay vì vẽ nhẵn, phẳng, Tuấn thường chú ý hơn đến việc tạo ra những kỹ thuật mới tạo nên sự khác biệt của mặt tranh, lớp màu sẽ đan xen, ẩn hiện và lạ hơn. Đó là trăn trở trong hành trình sáng tạo không ngừng của họa sĩ tự do này. Dẫu anh thừa nhận, luôn muốn khác đi với chính mình, dù ít thôi, cũng chẳng dễ dàng.
Họa sỹ Phạm Anh Tuấn sinh năm 1981. Hội viên Hội Mỹ thuật Hải Phòng, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Từng tham gia triển lãm nhóm: Triển lãm 4 họa sỹ tại The Nam Hai resorf - Hội An. Triển lãm Phía Biển tại Blue Gallery năm 2018, Triển lãm Đồng hành tại The Muse Artspace năm 2023. Triển lãm họa sỹ trẻ TODAY tại Hà Nội năm 2016. Triển lãm 20 họa sỹ trẻ chuyên nghiệp Viet Art Today tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2017. Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2015, 2020, 2023. Workshop Mỹ thuật An Dương năm 2022; Workshop Opus TP HCM năm 2022, Workshop Hanoi Art Connecting tháng 7/2024. Giải Ba Triển lãm mỹ thuật Hải Phòng năm 2017, 2018, 2019. Giải Nhì triển lãm mỹ thuật Hải Phòng năm 2015, 2020. Giải Nhất triển lãm mỹ thuật Hải Phòng năm 2024.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hoa-si-pham-anh-tuan-sac-tram-pho-cang-10306180.html