Họa sĩ Thành Chương bước qua 'vùng cấm'
Cuối năm, gọi điện thoại cho họa sĩ Thành Chương thấy ông bận tíu tít. Lúc trên Việt phủ Thành Chương, lúc lại ở làng gốm Bát Tràng (Hà Nội).
Thì ra, không chỉ bận với những bức tranh sơn mài về đề tài con trâu và đám trẻ mục đồng vốn đã quen thuộc, Tết này họa sĩ Thành Chương còn thực hiện một loạt gốm trâu độc, lạ.
Người kể chuyện làng quê
Họa sĩ Thành Chương sinh năm 1949. Nhiều người bảo ông tuổi Kỷ Sửu, nhưng vì ông sinh tháng 1 nên vẫn là tuổi Mậu Tý. Năm Canh Tý vừa rồi, ông vẽ những bức tranh chuột với màu vàng trên nền đỏ vô cùng ấn tượng. Năm nay, Thành Chương tiếp tục vẽ những bức tranh trâu mới. Ông làm những tác phẩm khổ lớn chuẩn bị cho cuộc triển lãm mới.
Năm qua, họa sĩ Thành Chương cũng vừa hoàn thành bộ tranh minh họa rất khác lạ, độc đáo cho tuyển tập truyện ngắn của cụ thân sinh - nhà văn Kim Lân. Hơn 20 bức minh họa cho các truyện ngắn nổi tiếng như “Làng”, “Vợ nhặt”, “Con chó xấu xí”… của nhà văn Kim Lân được Thành Chương dồn tâm huyết vẽ trong 2 ngày 2 đêm. Đó là những bức vẽ tâm huyết, mà ai xem cũng thấy cái tài, cái tình của Thành Chương gửi gắm trong đó.
Tôi muốn nhắc tới nhà văn Kim Lân, bởi chính ông là người dẫn dắt Thành Chương vào con đường hội họa. Hồi bé, Thành Chương thường được cha đưa tới chơi nhà những họa sĩ nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm... Nhà văn Kim Lân cũng chính là người luôn đứng bên cạnh con trai mình trong những lúc khó khăn nhất.
“Con đường hội họa của tôi, không phải lúc nào cũng bằng phẳng, nhiều đoạn chông gai, nghiệt ngã lắm. Nhưng chính những lúc khó khăn ấy, không ai ngoài cha tôi có thể giúp tôi bước qua những khó khăn ấy” - họa sĩ Thành Chương tâm sự.
Họa sĩ Thành Chương thường đặt tên cho những bức tranh của mình rất thơ. “Đêm xanh”, “Dưới ánh trăng”, “Vui đùa với trâu”, “Bài ca mục đồng”, “Nhảy múa cùng trâu”, “Giấc mơ buổi chiều”…
Với những bức tranh những đứa trẻ vui đùa bên con trâu, họa sĩ Thành Chương không chỉ gợi lên những câu chuyện về tuổi thơ một thời chăn trâu đốt lửa, cũng không chỉ đánh thức ký ức của nhiều người về những miền quê xưa vọng vang ký ức mà còn kể chuyện về làng Việt với bạn bè thế giới. Những tác phẩm ấy góp phần khẳng định Thành Chương là danh họa đương đại biết cách khai thác tối đa chất dân gian từ đời sống thường nhật bình dị.
Đứng trước các tác phẩm hội họa của Thành Chương, người ta như bước vào một thế giới của những câu đồng dao, của những sinh hoạt đồng quê và tan loang trong gió xuân là sắc màu của cờ ngũ sắc cùng tiếng trống hội làng…
Khác kiểu, khác người
Trong hội họa, nhiều người vẽ tranh con giáp. Năm nào con giáp đó. Họa sĩ Thành Chương cũng vậy. Bộ tranh con giáp của ông phải nói rất riêng, khác kiểu khác người. Rất vô tình mà hình như cũng rất hữu ý, những bức tranh đầu tay của Thành Chương vẽ năm 7 tuổi là vẽ gà. Trong đó bức “Đôi gà tồ” còn được trao giải Vàng tranh Thiếu nhi Quốc tế tại Anh năm 1958.
Rồi những con giáp như tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, hợi… hiện ra qua nét vẽ của Thành Chương với nhiều cách tân. Nhưng riêng hình tượng con trâu thì đã vượt thoát, trội lên, thành một đề tài, một mảng miếng tạo dấu ấn Thành Chương trong hội họa, góp phần định vị ông trên thị trường mỹ thuật quốc tế. Nói cách khác, với hàng ngàn bức tranh quanh con trâu và những đứa trẻ họa sĩ Thành Chương đã kiến tạo một thế giới rất riêng, mà nếu có dịp bày tất cả những tác phẩm này, công chúng sẽ kinh ngạc về sức sáng tạo của ông.
Không chỉ vẽ bột màu và sơn mài, Thành Chương còn tạo những bức gốm trâu với tạo hình rất độc đáo, riêng biệt. Ông về làng gốm Bát Tràng làm mấy trăm gốm trâu, mà ai nhìn cũng mong muốn sở hữu. Lại có những con trâu được ông làm thủ công, tô màu cho từng con với cách phối màu thể hiện cá tính khác nhau, ứng với những mệnh, những tuổi khác nhau để người sành chơi Tết lựa chọn.
Những con trâu sắc màu đó, họa sĩ Thành Chương làm không kịp phục vụ cho những người yêu thích. Xem những tác phẩm ký tên Thành Chương này, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi thốt lên: “Thành Chương là họa sĩ có bút họa độc đáo. Ta là một là riêng là thứ nhất. Câu thơ này rất đúng với Thành Chương!”.
Vì sao ông lại nặng tình với con trâu như vậy? Lý giải điều này có nhiều cách, nhiều góc nhìn. Song hỏi chính họa sĩ Thành Chương, ông cũng chỉ khẽ khàng giải thích vì ông vốn sinh ra, lớn lên ở làng, gắn bó với làng. Với người nông dân, con trâu là đầu cơ nghiệp; còn với lũ trẻ làng, con trâu là một người bạn rất gần gũi, gắn bó…
Ai đã tiếp xúc với họa sĩ Thành Chương đều nhận ra ông là một người rất hiện đại nhưng tâm hồn thấm đẫm văn hóa làng Việt. Tâm hồn đó đã được thể hiện trên những bức tranh ông vẽ. Điều đó cũng có thể nhận thấy khi bước chân vào Việt phủ Thành Chương ở Sóc Sơn (Hà Nội) do chính tay ông đặt những viên gạch đầu tiên và đến nay đã trở thành một địa chỉ văn hóa thấm đẫm tinh thần Việt, hồn vía Việt.
Cái căn cốt văn hóa ấy kết hợp với một tư duy hiện đại, thích đổi mới, dám “là mình” đã tạo nên những tác phẩm hội họa mang dấn ấn riêng của họa sĩ Thành Chương. Khi khai thác hình tượng con trâu, ông đã khai thác thành công các mảng miếng, màu sắc có sự tương phản mạnh. Nó đúng với “tạng” của ông. Thậm chí, có những thứ người ta phải kiêng, phải tránh thì Thành Chương lại chấp nhận thử thách hóa giải thành công.
Ông từng nói với tôi rằng, trong hội họa, tất cả những gì trong trường học dạy “không được phép làm” thì ông cố gắng sử dụng hết, từ bố cục, tạo hình, màu sắc đến đường nét. Chính vì can đảm bước qua những vùng cấm ấy mà tranh của Thành Chương mang tới một sự khác biệt. Điều đó cho thấy tài năng, cho thấy cá tính rất riêng của ông.
Họa sĩ Thành Chương không nhớ mình đã vẽ bao nhiêu bức tranh có hình tượng con trâu. Chỉ biết rằng, ông vẽ rất nhiều. Thoạt đầu ông vẽ bột màu rồi sau đó làm sơn mài khổ lớn. Chất liệu sơn mà họa sĩ Thành Chương lựa chọn sử dụng đã khiến những tác phẩm của ông có một bảng màu khó lẫn.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/hoa-si-thanh-chuong-buoc-qua-vung-cam-ZU9oT8YMR.html